Cơ cấu lại, bao quát các nguồn thu phù hợp với cam kết hội nhập
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh
Thực thi FTA: Ngân sách nhà nước đối diện khó khăn ngắn hạn nhưng sẽ bền vững hơn


PV: Thưa ông, qua nghiên cứu, ông nhận xét, đánh giá như thế nào về diễn biến quy mô thu NSNN ở Việt Nam giai đoạn vừa qua?

Cơ cấu lại, bao quát các nguồn thu phù hợp với cam kết hội nhập

TS. Nguyễn Như Quỳnh: Trước tiên, việc thực hiện dự toán thu NSNN những năm gần đây nhìn chung vẫn bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, nhưng tính bền vững xét trong trung và dài hạn dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Thu NSNN còn dựa vào các khoản thu từ vốn, các khoản thu có tính chất một lần, không tái tạo.

Cùng với đó, một số yếu tố khách quan cũng đang tác động tới nguồn thu như bệnh dịch, kinh tế thế giới, hay việc hội nhập cũng tác động đáng kể khiến thuế nhập khẩu sẽ có xu hướng giảm những năm tới đây. Thách thức đặt ra hiện nay là làm thế nào Việt Nam có thể tiếp tục huy động đầy đủ nguồn thu cho NSNN, đảm bảo duy trì ổn định mức chi NSNN mà không kéo theo sự gia tăng quá mức về bội chi NSNN.

Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một mâu thuẫn căn bản khác, đó là giữa đòi hỏi và sức ép giảm dần mức độ động viên NSNN để khuyến khích sản xuất kinh doanh và yêu cầu đảm bảo nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ chi NSNN.

PV: Vậy còn cơ cấu thu NSNN, theo ông, những yếu tố nào cần phải lưu tâm?

TS. Nguyễn Như Quỳnh: Cơ cấu thu NSNN của Việt Nam vẫn đang còn phụ thuộc đáng kể vào các khoản thu “không thường xuyên” và hữu hạn, “không tái tạo”, các khoản thu có tính chất một lần như thu từ thoái vốn, thu từ giao quyền sử dụng đất.

Năm 2023, tỷ trọng các khoản thu khác ngoài thuế và phí (như thu từ thoái vốn, thu từ cổ tức, thu tiền sử dụng đất…) ước chiếm khoảng 23% tổng thu NSNN, trong đó thu từ giao quyền sử dụng đất và tiền cho thuê đất chiếm khoảng 11,4%, các khoản thu khác chiếm khoảng 11,6%.

Bên cạnh đó, cơ cấu thu NSNN từ thuế cũng đang còn dựa nhiều vào các sắc thuế như thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), các khoản thu từ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) còn thấp và đặc biệt thu ngân sách từ thuế nhà, đất (thuế bất động sản) còn khá khiêm tốn. Thu từ thuế nhập khẩu sẽ tiếp tục giảm xuống khi Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết cắt giảm thuế quan trong quá trình tham gia các hiệp định thành lập các khu vực mậu dịch tự do song phương và đa phương.

Dưới phương diện tạo nguồn thu cho ngân sách, trong hệ thống thuế Việt Nam, các sắc thuế tiêu dùng đóng vai trò rất quan trọng. Trong khi đó, thu từ thuế thu nhập (bao gồm thuế TNDN và thuế TNCN) chiếm tỷ trọng thấp hơn. Điều này có nghĩa rằng các yếu tố mang tính “chu kỳ” kinh tế tác động đến thu NSNN ở Việt Nam ít hơn.

PV: Một trong những thách thức đối với nền kinh tế nói chung và thu NSNN nói riêng là thực hiện các cam kết FTA. Ở góc độ nghiên cứu, ông có khuyến nghị gì để công tác thu NSNN hợp lý, bền vững hơn trong thời gian tới?

TS. Nguyễn Như Quỳnh: Trước tác động của bối cảnh kinh tế - xã hội nói chung và các FTA nói riêng đến thu NSNN, tôi cho rằng, các giải pháp về thu NSNN cần được nghiên cứu, chú trọng nhằm điều chỉnh cơ cấu thu, tỷ lệ thu hợp lý, và bảo đảm tính bền vững của thu NSNN.

Đầu tiên là cần đẩy mạnh cải cách hệ thống chính sách thuế gắn với cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thực tiễn và các cam kết hội nhập, thông lệ quốc tế tốt về cải cách thuế được thừa nhận, để đảm bảo quy mô thu NSNN.

Sau đó là tập trung rà soát, điều chỉnh và thu hẹp ưu đãi về thuế để hạn chế sự xói mòn cơ sở thuế thông qua nghiên cứu lộ trình từng bước giảm dần ưu đãi đầu tư dựa theo địa bàn để chuyển sang ưu đãi dựa theo ngành, nghề; thu hẹp danh mục ngành, nghề và địa bàn được hưởng ưu đãi thuế; rà soát việc miễn, giảm, hoàn thuế, không thu thuế theo quy định của pháp luật thuế.

Một điểm nữa cần lưu tâm là nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý thuế gắn với việc tăng cường ứng dụng các thành quả của sự phát triển về khoa học công nghệ và công nghệ thông tin; tăng cường hợp tác quốc tế về thuế. Cụ thể là hiện đại hoá công tác quản lý thuế, trọng tâm là thể chế quản lý thuế và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quản lý rủi ro xuyên suốt, có hệ thống trong tất cả các khâu của quy trình quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế tuân thủ tự nguyện, cơ quan thuế có đủ năng lực quản lý thuế hiệu quả, hiệu lực với chi phí quản lý thấp, đồng thời bảo vệ quyền lợi người nộp thuế.

Dành nguồn lực xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ, toàn diện, không chỉ liên quan đến các thông tin trực tiếp quản lý mà còn cả các thông tin khác có liên quan từ bên thứ ba (ví dụ, qua theo dõi, đối chiếu chéo dữ liệu về cơ sở hóa đơn điện tử…). Đồng thời, hoàn thiện các quy định để tăng cường tính kết nối giữa cơ sở dữ liệu ngành Thuế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, tài nguyên quốc gia, tài sản công; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về thuế, hình thành các cơ chế phối hợp hiệu quả ở phạm vi quốc tế và khu vực để xử lý có hiệu quả vấn đề dịch chuyển lợi nhuận của các công ty xuyên quốc gia.

Cuối cùng, không thể thiếu là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các cam kết, hiệp định mà Việt Nam tham gia đến từng ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân để các đối tượng có liên quan thực hiện hiệu quả các cam kết.

PV: Xin cảm ơn ông!