Cán bộ thuế rà soát hồ sơ kê khai thuế của doanh nghiệp.

Cán bộ thuế rà soát hồ sơ kê khai thuế của doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Tuấn

Nếu không, có thể cùng một đối tượng mà 3 cơ quan cùng vào, như vậy vừa phiền hà cho doanh nghiệp (DN) mà hiệu quả lại không cao. Đây là ý kiến của bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA), trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN về công tác phối hợp giữa các cơ quan để nâng cao hiệu quả quản lý thuế.

PV: Thưa bà, bà đánh giá thế nào về vai trò của cơ quan KTNN trong việc phối hợp cùng với cơ quan thuế để quản lý thuế?

- Bà Nguyễn Thị Cúc: Quản lý thu thuế để thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước là mục tiêu của bất cứ quốc gia nào, trong đó có Việt Nam, nhất là khi chúng ta đang có những vấn đề như thất thu thuế, quản lý thu thuế từ thương mại điện tử, hoạt động chuyển dịch lợi nhuận còn chưa tốt. Đây là vấn đề quan trọng đặt ra cho cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có cơ quan kiểm toán.

Bà Nguyễn Thị Cúc
Bà Nguyễn Thị Cúc


Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tôi cho rằng các cơ quan thuế, cơ quan KTNN, cơ quan thanh tra nhà nước cần có cơ chế phối hợp, trao đổi cơ sở dữ liệu để công tác thanh tra, kiểm tra có hiệu quả cao nhất. Đơn cử như trong những trường hợp mà cơ quan thuế hoặc Thanh tra Chính phủ (TTCP), KTNN đã thực hiện thanh tra thì các cơ quan có thể sử dụng kết quả của nhau. Ví dụ, phần nào cơ quan thuế đã thanh tra thì từ kết quả đó, TTCP, KTNN có thể xem xét và đánh giá xem cần phải làm thêm những gì, tập trung vào vấn đề nào… Nếu không, có thể cùng một đối tượng mà 3 cơ quan cùng vào, như vậy vừa phiền hà cho DN mà hiệu quả lại không cao.

Vì vậy, tôi cho rằng, rất nên có một quy chế phối hợp chặt chẽ, phân rõ trách nhiệm từng bên, cùng trao đổi thông tin để chất lượng và số lượng thanh tra, kiểm tra đạt cao hơn. Bởi thực tế hiện nay, cơ quan thuế mới thanh tra, kiểm tra được 20%, số lượng TTCP, KTNN làm được cũng còn rất ít. Tất nhiên, khi thực hiện phải có lựa chọn theo tiêu thức rủi ro, trong đó có rủi ro theo tiêu thức thuế, theo tiêu thức của thanh tra, của kiểm toán. Nếu chúng ta xây dựng các tiêu thức chung, cùng bàn bạc để phù hợp với đặc thù ngành nghề thì tôi tin rằng hiệu quả sẽ cao hơn, vị thế của cơ quan kiểm tra, kiểm soát sẽ được nâng lên nhiều.

PV: Trong quá trình xây dựng luật, có ý kiến đề xuất cơ quan kiểm toán có thể kiểm toán những DN có dấu hiệu vi phạm về thuế mà cơ quan kiểm toán phát hiện có dấu hiệu rủi ro. Quan điểm của bà về vấn đề này thế nào?

- Bà Nguyễn Thị Cúc: Điều này phải căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan. Theo tôi, khi cơ quan kiểm toán đưa ra tiêu chí về quản lý rủi ro và phát hiện ra rủi ro, thì có thể thực hiện kiểm toán. Tuy nhiên, theo tinh thần phối hợp, chia sẻ dữ liệu, thì cơ quan kiểm toán và cơ quan thuế tại địa phương có thể chia sẻ thông tin để đảm bảo việc kiểm toán đạt hiệu quả nhất và không trùng lắp. Có thể phần nào cơ quan thuế làm rồi thì cơ quan kiểm toán không làm nữa hoặc ngược lại.

Tuy nhiên, một vấn đề tôi muốn nhấn mạnh là cơ quan nào thực hiện thanh tra, kiểm tra thì cơ quan đó chịu trách nhiệm trước số liệu kết luận của mình. Ví dụ, nếu cơ quan thanh tra nhà nước đưa ra kết luận, mà kết luận đó không đúng thì cơ quan thanh tra phải chịu trách nhiệm về số thuế phải thu sai, về ảnh hưởng tới DN... Chẳng hạn, thực tế đã xảy ra việc các cơ quan kiểm toán, thanh tra qua thanh tra, kiểm toán tìm ra số thất thu, giao cho cơ quan thuế thu nhưng DN không chấp nhận. DN khởi kiện ra toà hành chính và khi ra toà cơ quan thuế đều thua, không những không thu được tiền vào ngân sách mà còn phải bỏ tiền ra trả án phí..vv… Lẽ ra người làm ra số sai, không thu được phải chịu trách nhiệm về việc này.

Theo tôi, ai làm thì cũng tốt, nhưng phải chịu trách nhiệm với kết quả của mình đến cùng. Nhà nước làm sai thì Nhà nước chịu, cơ quan thuế, kiểm toán sai cũng phải tự chịu trách nhiệm. Nếu DN gây ra tổn thất về thuế, họ phải nộp phạt, có khi phải vào tù tội, thì cơ quan làm ra số liệu này cũng phải đảm bảo uy tín cho họ, đúng người đúng việc. Ai sai phải xử lý nghiêm minh, ai đúng thì phải tuyên dương.

PV: Cũng liên quan đến việc phối hợp, chia sẻ thông tin, một vấn đề được đề xuất là cơ quan thuế cần được phép tiếp cận thông tin ngân hàng để quản lý thuế tốt hơn. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng cho rằng, điều này ảnh hưởng đến việc bảo mật thông tin khách hàng của họ? Theo bà, vấn đề này nên xử lý thế nào?

- Bà Nguyễn Thị Cúc: Tôi cho rằng nếu không có sự phối hợp của ngân hàng, cơ quan thuế rất khó quản lý được. Tuy nhiên, việc cơ quan thuế tiếp cận thông tin ngân hàng cũng phải có điều kiện và có quy chế trao đổi giữa hai bên. Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, thương mại điện tử, có rất nhiều dòng tiền mà cơ quan thuế không kiểm soát được. Chẳng hạn, nhiều người Việt Nam có những khoản thu nhập rất lớn từ những công ty nước ngoài như Youtube, mà đều là chuyển khoản. Nếu họ không khai, cơ quan thuế không thể biết, vì họ chỉ làm việc với nhau qua mạng internet, do đó cần có sự phối hợp của ngân hàng.

Bảo mật thông tin cũng là yêu cầu quan trọng của ngân hàng. Tuy nhiên, ngay như các ngân hàng Thụy Sỹ, trước đây họ rất giữ bí mật về thông tin khách hàng, nhưng nay họ cũng không được phép như vậy nữa, do các yêu cầu về quản lý. Tất nhiên, khi cơ quan thuế sử dụng thông tin đó thì phải đảm bảo yêu cầu về bảo mật thông tin của khách hàng. Đó cũng là một trong những chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thuế được quy định trong Luật Quản lý thuế.

PV: Xin cảm ơn bà!

H.Y (thực hiện)