Đây là chia sẻ của TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, khi trao đổi với phóng viên TBTCVN, tại Hội thảo công bố báo cáo mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính qua NSW và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành, do VCCI phối hợp với Tổng cục Hải quan tổ chức.

Cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận những cố gắng của hải quan trong cải cách Cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận những cố gắng của hải quan trong cải cách
Doanh nghiệp mong muốn giảm thiểu sự chồng chéo quy định về kiểm tra chuyên ngành Doanh nghiệp mong muốn giảm thiểu sự chồng chéo quy định về kiểm tra chuyên ngành

PV: Bà đánh giá như thế nào về kết quả khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2022 được VCCI công bố?

TS. Nguyễn Minh Thảo: Nếu nhìn cả một quá trình từ 2015 đến nay có thể thấy sự thay đổi khác biệt. Từ 2015 - 2019 thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã có những thay đổi khá rõ khi các thủ tục được kết nối tốt lên Cổng thông tin NSW. Những thay đổi mang tính đột phá trong thực hiện thủ tục hành chính khiến doanh nghiệp khá hài lòng.

Còn nhiều dư địa để cải cách, đơn giản thủ tục kiểm tra chuyên ngành
TS. Nguyễn Minh Thảo

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, từ cuối năm 2019 đến nay thì mức độ cải cách trong lĩnh vực hành chính và kiểm tra chuyên ngành chững lại, do tác động bởi đại dịch Covid-19 và những yếu tố thị trường khác.

Mặc dù cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành có chững lại, nhưng nhìn tổng thể chúng ta có thế thấy số lượng thủ tục đăng ký của các bộ, ngành kết nối qua NSW tăng lên khá nhanh.

Đến tháng 6/2022 đã có 249 thủ tục được kết nối lên Cổng thông tin NSW. Nhìn về mặt số lượng thì thủ tục được kết nối nhiều, nhưng trên thực tế thủ tục doanh nghiệp có thể thực hiện thông suốt trên môi trường điện tử thì không nhiều. Đây là thực tế mà nhiều doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu có sự chần chừ và băn khoăn rằng nên thực hiện qua Cổng thông tin NSW, hay thực hiện bằng hình thức trực tiếp.

PV: Thủ tục hành chính nào được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao trong nỗ lực cải cách của các bộ, ngành và những hạn chế cần khắc phục, thưa bà ?

TS. Nguyễn Minh Thảo: Báo khảo sát của VCCI ghi nhận một số thủ tục hành chính có chuyển biến tích cực. Điển hình như thủ tục trong lĩnh vực giao thông vận tải, một số lĩnh vực trong kiểm tra chất lượng đã thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử, giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa của doanh nghiệp được thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, ở đây chúng ta cũng nhìn thấy sự khác nhau giữa mức độ thực hiện trực tuyến của các thủ tục. Điều đó cho thấy sự quan tâm khác nhau của các bộ, ngành trong việc cải cách hành chính, kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Điểm hạn chế là chúng tôi thấy chưa có sự đồng đều trong cải cách…

Nếu như báo cáo của VCCI có đánh giá là còn dư địa để cải cách, thì chúng tôi cho rằng còn rất nhiều dư địa có thể thay đổi. Nếu như có thể tiếp tục cắt giảm mạnh mẽ danh mục kiểm tra chuyên ngành thì đó là cải cách có tính đột phá, bởi số lượng các lô hàng xuất nhập khẩu phải thực hiện thủ tục sẽ giảm bớt rất nhiều.

Bên cạnh đó, có một điểm quan trọng được Chính phủ nhấn mạnh trong thời gian qua là yêu cầu các bộ, ngành cắt giảm danh mục mặt hàng phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành. Các bộ, ngành đã cắt giảm mạnh thủ tục kiểm tra chuyên ngành vào giai đoạn trước năm 2019, nhưng từ năm 2019 đến nay số lượng cắt giảm rất ít. Nếu như số lượng mặt hàng không cắt giảm thì doanh nghiệp vẫn phải thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Thời gian qua chỉ có lĩnh vực vực kiểm dịch động vật được cắt giảm đó là thủy sản xuất khẩu đông lạnh, còn hầu hết lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành của 13 bộ chưa thực sự thay đổi đáng kể trong cắt giảm danh mục mặt hàng.

Xét về phương thức mà các nước trên thế giới đang áp dụng cho việc quản lý kiểm tra chuyên ngành là quản lý về rủi ro. Nhưng mỗi lĩnh vực khác nhau, các bộ quản lý chuyên ngành cũng đã dần từng bước có quy định liên quan đến quản lý rủi ro, nhưng việc thực hiện ở mỗi thủ tục lại khác nhau, gần như chưa có sự thống nhất.

Kể cả khi thực hiện quản lý rủi ro này vẫn còn nhiều rào cản, khiến cho việc thực hiện chưa đạt được mục tiêu đề ra. Lĩnh vực an toàn thực phẩm thời gian qua đã đạt được sự đột phá điển hình trong cải cách kiểm tra chuyên ngành, nhưng chưa được áp dụng, nhân rộng trong các lĩnh vực khác... Đây là điểm hạn chế nhất trong thời gian vừa qua.

PV: có thể cho biết rõ hơn những thủ tục chuyên ngành và mặt hàng nào cần được cắt giảm kiểm tra mà vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước?

TS. Nguyễn Minh Thảo: Có 2 loại cần cắt giảm là thủ tục hành chính và danh mục hàng hóa. Trong bối cảnh hiện nay, có thể nói hoạt động của doanh nghiệp đang phục hồi, phát triển sau giai đoạn vô cùng khó khăn do chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19. Vì thế những nỗ lực cải cách cần được chú trọng hơn nhiều.

Trong danh mục hàng hóa, hiện nay có khoảng hơn 60.000 mặt hàng cần được rà soát kỹ, xem những mặt hàng đó có thực sự phải kiểm tra chuyên ngành hay không, hay có thể áp dụng các hình thức quản lý khác như hậu kiểm, quản lý rủi ro theo quy chuẩn kỹ thuật.

Còn rất nhiều dư địa để cải cách, đơn giản thủ tục kiểm tra chuyên ngành cho doanh nghiệp
Hoạt động bốc xếp hàng hóa nhập khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Hải Anh

Để thực hiện đơn giản thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, thời gian qua có nhiều bộ, ngành cũng đã triển khai hoạt động quản lý rủi ro, nhưng quản lý rủi ro không chỉ ở khâu tiền kiểm mà cần được áp dụng cả khẩu hậu kiểm.

Có nghĩa là khi doanh nghiệp đã thực hiện hoạt động có lịch sử sản xuất kinh doanh tốt, thì cơ quan quản lý xém xét giảm bớt tần xuất kiểm tra, nhưng đối với doanh nghiệp có hoạt động có dấu hiệu nghị ngờ thì sẽ đặt vấn đề phải kiểm tra.

PV: Xin cảm ơn bà!

Theo TS. Lê Minh Thảo, hệ thống công nghệ thông tin mặc dù đã có sự kết nối giữa các bộ, ngành nhưng hạ tầng còn nhiều hạn chế nên các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện kết nối và giải quyết thủ tục hành chính còn gặp khó khăn bởi tình trạng lỗi mạng, nghẽn mạng, lỗi kỹ thuật xảy ra phổ biến, đây là khó khăn lớn cho việc thực hiện thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, vẫn còn thực trạng một mặt hàng chịu sự kiểm tra từ 2 đến 3 cơ quan quản lý chuyên ngành và không có sự chia sẻ, kết nối giữa các cơ quan này dẫn tới việc mất thời gian, tăng chi phí làm thủ tục của doanh nghiệp. Hiện nay các bộ, ngành đã triển khai hoạt động số hóa thì việc nâng cao năng lực công nghệ thông tin giải quyết thủ tục hành chính cũng cần phải nâng lên đáp ứng chỉ đạo của Chính phủ, kỳ vọng của doanh nghiệp…