Nỗ lực xanh hoá khu công nghiệp

Tại diễn đàn "Thúc đẩy phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam", do VCCI tổ chức ngày 28/3, bà Vương Thị Minh Hiếu cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, trong thời gian qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rất nỗ lực để phát triển các mô hình khu công nghiệp mới, theo định hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và đã thể chế hóa mô hình này tại các văn bản pháp quy.

Còn nhiều dư địa để phát triển công nghiệp xanh, bền vững
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Hải Anh

Cấp bách triển khai sản xuất xanh
Việt Nam có 16 hiệp định thương mại (FTA) đã ký kết và 3 FTA đang đàm phán. Trong các FTA này, những yêu cầu về chuỗi ngành hàng, chuỗi giá trị và các khâu về sản xuất xanh sạch rất quan trọng, để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào thị trường khó tính. Đây là nhiệm vụ cấp bách mà Chính phủ đề ra.

Hiện nay, cả nước có khoảng 418 khu công nghiệp đã được thành lập, trong đó có 298 khu công nghiệp đi vào hoạt động, với tổng diện tích khoảng 92,2 nghìn ha. Vì vậy, dư địa để phát triển các khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp bền vững là rất lớn. Trong khi đó, Chính phủ cũng đã có sự quan tâm đặc biệt cho phát triển kinh tế xanh.

Tại diễn đàn, các nhà hoạch định chính sách cho biết, Chính phủ quy định mô hình khu kinh tế có nhiều chức năng bao gồm cả khu công nghiệp. Do đó, việc phát triển đồng bộ, phát triển xanh trong hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế sẽ có những đóng góp tích cực và đáng kể vào nỗ lực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.

Đặc biệt, Chiến lược quốc gia về phát triển xanh giai đoạn 2021-2030, cũng như cam kết của Chính phủ tại COP26 là những yêu cầu cấp bách đặt ra đối với khu vực sản xuất công nghiệp để phát triển theo hướng xanh, bền vững.

Theo xu hướng này, mô hình khu công nghiệp truyền thống sẽ được thay đổi và phát triển theo hướng bền vững, tiệm cận với yêu cầu quốc tế. Nguyên lý của việc phát triển các khu công nghiệp bền vững bắt đầu từ sinh thái công nghiệp, chuyển đổi mô hình sản xuất theo nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn.

Giải pháp cụ thể cho sản xuất xanh, công nghiệp xanh

Phát triển công nghiệp xanh, bền vững là xu thế tất yếu trên thế giới hiện nay và Việt Nam không thể tách khỏi tiến trình phát triển này.

Còn nhiều dư địa để phát triển công nghiệp xanh, bền vững

Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh - điển hình cho việc coi trọng môi trường sản xuất xanh, bền vững. Ảnh: CTV

Trên thực tế, trong quá trình nghiên cứu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham khảo một số mô hình khu công nghiệp xanh ở các khu vực như châu Âu, Mỹ và các quốc gia phát triển tại Đông Bắc Á.

Gần với Việt Nam là ví dụ của thành phố Kawasaki tại Nhật Bản, một thành phố công nghiệp rất lớn. Chỉ trong 10 năm họ đã thực sự chuyển mình từ thành phố công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi ô nhiễm sang thành phố xanh, sạch thông qua việc tái chế, tái sử dụng và thực hiện kinh tế tuần hoàn mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, đặc biệt những ngành nghề sản xuất phục vụ tiêu dùng.

Chia sẻ về giải pháp sản xuất xanh, bền vững có thể áp dụng tại nước ta, bà Vương Thị Minh Hiếu cho rằng, doanh nghiệp, ban quản trị khu công nghiệp cần hướng tới việc kết nối các khu công nghiệp với cộng đồng dân cư xung quanh và tập trung vào việc phát triển thành phố, đô thị theo hướng bền vững. Trong đó nhấn mạnh vào việc sử dụng quản lý tốt rác thải, tái sử dụng, cũng như nâng cao trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng sản xuất công nghiệp.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Việt Nam, với sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế, một số khu công nghiệp đã triển khai phát triển khu công nghiệp sinh thái, tương tự như mô hình Hàn Quốc tại các tỉnh thành phố như: Hải Dương, Hải Phòng, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh.... Quá trình triển khai hiện nay vẫn đang tiếp tục và dự kiến giai đoạn này sẽ kết thúc vào năm 2024, để tiếp tục thực hiện giai đoạn 3 tại một số tỉnh thành phố khác.

Trong những năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có hợp tác với một số tổ chức quốc tế như World Bank và gần đây là kết hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu trong việc thiết kế một số dự án hỗ trợ nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái trên toàn quốc. Đây là một trong những điển hình của khu công nghiệp tư nhân trong việc chủ động thực hiện cam kết quốc tế về phát triển bền vững của Chính phủ.