TTCN KBNN

Cán bộ KBNN đóng gói tiền theo quy cách. Ảnh: Vân Hà

Việc chấp hành chính sách chế độ quy định của các đơn vị nói chung chưa được tốt, việc chi sai chế độ vẫn xảy ra, gây lãng phí tiền và tài sản của nhà nước. Trước thực tế đó, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã được Chính phủ, Bộ Tài chính giao thêm nhiệm vụ mới, thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (TTCN), nhằm giám sát hiệu quả hoạt động chi tiêu NSNN. Phóng viên TBTCVN đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Quốc Vinh- Phó Tổng giám đốc KBNN về vấn đề này.

PV: Bộ Tài chính vừa thông qua Quy chế hoạt động thanh tra chuyên ngành KBNN. Tới đây, TTCN Kho bạc sẽ hoạt động như thế nào và đối tượng nào sẽ được hướng đến, thưa ông?

Công cụ giám sát hiệu quả hoạt động chi tiêu NSNN
Theo lộ trình triển khai, năm 2015 hệ thống KBNN sẽ tiến hành thí điểm công tác TTCN trong nội bộ hệ thống, qua thí điểm sẽ sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm để kịp thời bổ sung hoàn thiện Quy chế, Quy trình TTCN đảm bảo cho hoạt động TTCN KBNN đạt được hiệu quả và yêu cầu khi triển khai chính thức từ năm 2016"   Ông Trần Quốc Vinh, Phó Tổng giám đốc KBNN

Ông Trần Quốc Vinh: Ngày 24/9/2014, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 2456/QĐ-BTC về việc ban hành Quy chế hoạt động TTCN KBNN.

Ngày 16/9/2014 Tổng Giám đốc KBNN ký ban hành Quyết định số 777/QĐ-KBNN về việc ban hành Quy trình TTCN KBNN. Theo đó, ngoài việc tiếp tục duy trì thực hiện nhiệm vụ kiểm tra nội bộ trong hệ thống, KBNN còn có chức năng TTCN đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng NSNN (thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về các khoản chi NSNN thực hiện tại hệ thống KBNN, việc chấp hành các quy định của pháp luật của các quỹ tài chính do KBNN quản lý và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của KBNN; đồng thời theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra).

Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề và đòi hỏi cao về trình độ năng lực công chức, về trách nhiệm thực thi công vụ, vì hiện tại biên chế thanh tra của toàn hệ thống KBNN chỉ có hơn 300 cán bộ nhưng theo số liệu thống kê tại thời điểm 31/5/2014 thì số lượng đơn vị giao dịch qua hệ thống KBNN là 118.123 đơn vị, số tài khoản giao dịch trong hệ thống KBNN là 422.352 tài khoản; số dự án đầu tư XDCB qua KBNN kiểm soát chi đang thực hiện 171.458 dự án.

PV: Từ trước đến nay, KBNN thực hiện nhiệm vụ thanh tra nội bộ, nay thêm một nhiệm vụ mới là TTCN. Vậy, KBNN có gặp những khó khăn gì không?

Ông Trần Quốc Vinh: Trong nhiều năm qua công tác thanh tra kiểm tra của KBNN đã được lãnh đạo KBNN các cấp rất quan tâm, luôn coi thanh tra, kiểm tra là công cụ giám sát mọi hoạt động nghiệp vụ, giúp cho công tác quản lý điều hành các hoạt động của KBNN đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả.

Công tác thanh tra, kiểm tra cũng đã thực sự giúp cho lãnh đạo các cấp nhìn nhận đánh giá đúng thực trạng công tác quản lý điều hành; công tác chấp hành quy chế, quy trình; thực hiện cải cách hành chính đáp ứng các yêu cầu về công khai, minh bạch và thực hiện quy chế dân chủở cơ sở, từ đó đưa ra các quyết định xử lý một cách kịp thời, chính xác.

Tuy vậy, TTCN như quy định hiện nay lại là một chức năng, nhiệm vụ hoàn toàn mới của hệ thống KBNN. Do đó, để triển khai thực hiện nhiệm vụ này, KBNN cũng gặp phải một số khó khăn như: Các đơn vị sử dụng ngân sách từ trung ương đến địa phương hiện tại là rất lớn và nằm trên địa bàn các xã, phường, quận, huyện, thành phố trong khi đó tổ chức bộ máy và công chức thanh tra chuyên ngành của hệ thống KBNN chỉ có ở trung ương (Vụ Thanh tra) và ở cấp tỉnh (Phòng Thanh tra, kiểm tra).

Hơn nữa, các loại hình đơn vị sử dụng NSNN cũng rất đa dạng, có đơn vị NSNN được đảm bảo tài trợ 100%, có đơn vị NSNN chỉ tài trợ một phần, có đơn vị hoạt động đặc thù nên chi tiêu ngân sách được sử dụng từ nhiều nguồn hỗn hợp hoặc có những khoản chi phải đảm bảo những nguyên tắc bí mật nhất định, điều đó đặt ra yêu cầu công chức làm công tác thanh tra phải có kiến thức sâu rộng, am hiểu chính xác và đầy đủ về các quy định của pháp luật.

Ngoài ra, khi thực hiện chức năng mới rất cần phải có sự chấp hành và tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật, các quyết định và chỉ đạo của Chính phủ về thanh tra nói chung và thanh tra chuyên ngành KBNN nói riêng, thống nhất nhận thức về mục đích, hiệu quả của công tác thanh tra chuyên ngành KBNN ở cả các đơn vị sử dụng ngân sách và các đơn vị KBNN.

Đặc biệt, từ trước đến nay hoạt động thanh tra của KBNN chỉ tập trung thanh tra, kiểm tra nội bộ trong hệ thống KBNN, chưa thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đối với các đơn vị ngoài hệ thống KBNN. Do vậy việc chuẩn bị đồng bộ về cơ chế, chính sách, về tổ chức nhân sự và lực lượng cho công tác thanh tra chuyên ngành cần phải được triển khai theo một lộ trình và kế hoạch rất chi tiết và cụ thể….

PV: KBNN đã có những bước chuẩn bị như thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ TTCN được Chính phủ và Bộ Tài chính tin tưởng giao phó, thưa ông?

Ông Trần Quốc Vinh: Từ nhiều năm gần đây, KBNN đã đặc biệt chú trọng tới công tác này. Đặc biệt, trong năm 2014, KBNN đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác TTCN KBNN nhằm phổ biến quán triệt những nhiệm vụ và nội dung cơ bản của các văn bản đến toàn thể đội ngũ làm công tác thanh tra trong hệ thống. Theo lộ trình triển khai, trong năm 2015, KBNN đang tiến hành thí điểm công tác TTCN trong nội bộ hệ thống, qua thí điểm sẽ sơ kết đánh giá rút kinh nghiệm để kịp thời bổ sung hoàn thiện quy chế, quy trình TTCN đảm bảo cho hoạt động TTCN KBNN đạt được hiệu quả và yêu cầu khi triển khai chính thức từ năm 2016.

Để làm tốt chức năng nhiệm vụ mới này, hệ thống KBNN xác định cần phải có sự chuẩn bị kỹ về nhân sự, năng lực trình độ cho công chức TTCN cũng như những kinh nghiệm khi tiến hành thanh tra.

Ngoài việc rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy và cán bộ, ngay từ năm 2010, KBNN đã phối hợp với Trường Cán bộ Thanh tra Chính phủ tổ chức đào tạo nghiệp vụ thanh tra viên cho công chức làm công tác thanh tra (năm 2011 và 2013 đã tổ chức 2 lớp đào tạo cho 164 công chức; năm 2015 đào tạo cho 198 công chức).

Qua các khóa đào tạo, các học viên được học tập, nghiên cứu bồi dưỡng một cách có hệ thống với các chuyên đề về kiến thức pháp luật cần thiết cho công chức thanh tra như Luật Thanh tra, quy trình một cuộc thanh tra, cũng như kỹ năng phát hiện, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình kiểm tra.

Hệ thống KBNN cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền về việc KBNN thực hiện chức năng TTCN tới các đơn vị KBNN và các đơn vị sử dụng NSNN. Ngoài việc KBNN phối hợp với các cơ quan truyền thông tại Trung ương để tuyên truyền về hoạt động TTCN, KBNN các tỉnh, thành phố cũng đã chủ động phối hợp với sở tài chính, các cơ quan truyền thông ở địa phương để tuyên truyền về hoạt động này và xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực KBNN đến các cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN thông qua chuyên trang, chuyên mục trên các báo, đài truyền hình địa phương; hội nghị khách hàng; hội nghị triển khai giao dự toán; hội nghị giao ban của UBND địa phương.

Bên cạnh đó, KBNN cũng đã và đang triển khai một số công việc có liên quan đến công tác hậu cần phục vụ hoạt động TTCN bao gồm cả việc xây dựng dự toán hoạt động cho các đoàn thanh tra, trang phục, biển hiệu, thẻ, chế độ đãi ngộ và trang bị tài sản phương tiện làm việc cho công chức thực hiện chức năng TTCN.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hạnh Thảo