Chỉ số giá tiêu dùng giảm là tín hiệu mừng
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2023 giảm 0,34% so với tháng 3/2023 (khu vực thành thị giảm 0,41%; khu vực nông thôn giảm 0,27%). Nếu so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 4/2023 tăng 2,81%. So với tháng 12/2022, CPI tháng 4/2023 tăng 0,39%. Lạm phát cơ bản tháng 4/2023 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 4,56% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,84%).
CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2023 tăng 3,84% so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu do chỉ số giá nhóm giáo dục, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch, giá các mặt hàng thực phẩm, giá điện sinh hoạt, giá gạo trong nước tăng. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 7 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước; 4 nhóm hàng tăng giá. Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 4 tháng đầu năm 2023 giảm 12,22% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 6,73% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Trong dịp nghỉ lễ dài vừa qua, giá cả hàng hóa thiết yếu cơ bản ổn định. Tại nhiều địa phương, sức mua giảm do người dân đi du lịch, về quê. Tại một chợ đầu mối Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) sức mua giảm, lượng hàng hóa bán ra đã giảm 1/2 so với ngày thường. Tổng sản lượng nông sản, thực phẩm nhập về chợ đầu mối ngày thường trung bình khoảng 2.300 tấn, nhưng trong 3 ngày nghỉ lễ vừa qua sản lượng nhập về chợ đã giảm 30% so với các ngày thường. Do cầu giảm và cung cũng giảm, nên giá hàng hóa tại chợ đầu mối đi ngang và giá cả không tăng.
Nguồn: Tổng cục Thống kê Đồ họa: Văn Chung |
Tại một số chợ truyền thống tại TP. Hà Nội cũng tương tự, hoạt động kinh doanh có phần giảm sút. Nhiều gian hàng trong chợ đóng cửa, một số chợ cóc tạm thời ngừng hoạt động trong dịp nghỉ lễ khiến cho hàng hóa khan hiếm, đặc biệt là rau xanh. Các mặt hàng thực phẩm phổ biến trong thực đơn gia đình như thịt lợn, thịt gà, rau xanh… có xu hướng tăng nhẹ. Nhiều loại rau xanh vụ hè như rau muống, mồng tơi, rau cải... số lượng không có nhiều, nhưng nhu cầu tăng cao. Giá thành rau củ tăng nhẹ, dao động từ 5% - 10%. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống đều được điều chỉnh theo chiều hướng tăng lên. Tuy nhiên, mức tăng không quá cao, dao động từ 10% - 15%.
Khác với các chợ truyền thống, tại các siêu thị tại TP. Hà Nội như: AEON, BigC, GO!, Winmart... hầu hết các mặt hàng đều dồi dào, phong phú chủng loại, không có tình trạng khan hiếm với mức giá ổn định trong kỳ nghỉ lễ. Các siêu thị đều áp dụng các chương trình khuyến mại, giảm giá trước cả kỳ nghỉ lễ nhằm đẩy mạnh sức mua của người tiêu dùng. Đặc biệt, mặt hàng thực phẩm thiết yếu được giảm giá lên tới 49%, các mặt hàng nông sản Việt cũng được các trợ giá để nhiều người tiêu dùng có thể mua sắm.
Tiềm ẩn nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá
Từ nay đến cuối năm, theo Bộ Tài chính, còn nhiều yếu tố đan xen làm tăng/giảm áp lực lên mặt bằng giá. Theo đó, giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý, như: Giá dịch vụ giáo dục khi kết thúc thời gian được miễn, giảm học phí dự kiến sẽ tăng trong năm học mới 2023 - 2024 theo lộ trình.
Tổng cục Thống kê ước tính nhóm dịch vụ giáo dục sẽ làm CPI năm 2023 tăng khoảng 0,82 - 1,09%. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc nhóm dịch vụ sự nghiệp công thực hiện lộ trình thị trường, năm 2023 Tổng cục Thống kê ước điều chỉnh giá dịch vụ y tế tác động làm CPI chung tăng khoảng 0,16 - 0,25%. Bên cạnh đó, giá điện, giá sách giáo khoa, giá dịch vụ vận chuyển hàng không... dự kiến có thể điều chỉnh theo lộ trình, gây áp lực lên mặt bằng giá những tháng còn lại của năm.
Còn dư địa để kiểm soát lạm phát Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định chỉ số giá tiêu dùng (CPI) các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước, thì trong 9 tháng còn lại, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 0,52% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 4,5%. |
Tuy nhiên, cũng còn một số yếu tố giảm áp lực lên mặt bằng giá, như: nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trên thị trường hiện vẫn dồi dào. Triển vọng kinh tế thế giới chậm lại và lạm phát toàn cầu có thể hạ nhiệt trong năm 2023, giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh “nhập khẩu lạm phát”, đồng thời giúp cải thiện yếu tố tâm lý, kỳ vọng, hỗ trợ kiểm soát lạm phát năm 2023.
Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 9 tháng còn lại, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 0,52% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2023 khoảng 4,5%.
Trong chỉ đạo mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiên quyết điều hành giữ lạm phát theo mục tiêu, phấn đấu thấp hơn kế hoạch đề ra. Đặc biệt lưu ý đến công tác xây dựng kịch bản điều hành giá, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ, ngành cần rà soát số liệu, dự báo chính xác số liệu đầu vào để xây dựng các kịch bản, từ đó có giải pháp điều hành giá phù hợp, nhất là các mặt hàng quan trọng, thiết yếu, như: xăng dầu, điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục…
Kiểm soát giá hàng hóa thiết yếu, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng Theo Bộ Tài chính, Luật Giá đang được sửa đổi nhằm kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Luật Giá (sửa đổi) hiện đã trình Quốc hội cho ý kiến và dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp tháng 5 tới đây. Dự thảo luật đã xác định rõ ranh giới, mức độ, phạm vi, biện pháp điều tiết của Nhà nước đối với thị trường trên cơ sở tôn trọng quy luật thị trường, khắc phục những tác động tiêu cực của thị trường, nhưng đồng thời vẫn phải bảo đảm quyền tự định đoạt, tự do kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp tục đổi mới để làm tăng tính cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, tránh can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính. Bên cạnh đó, phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, nhất là đối tượng yếu thế nhưng không bao cấp; khắc phục những vướng mắc về thể chế, những lỗ hổng chính sách; những bất hợp lý của hệ thống pháp luật đang cản trở quá trình phát triển; tạo sự minh bạch trong quản lý nhà nước về giá, công khai thông tin doanh nghiệp; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Theo Bộ Tài chính, trên cơ sở những định hướng nêu trên, Luật Giá (sửa đổi) đã cụ thể hóa nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến việc ổn định giá cả hàng hóa, dịch vụ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là người dân nghèo. Trước hết, tại quy định về nguyên tắc quản lý, điều tiết giá của Nhà nước đã khẳng định, việc Nhà nước thực hiện quản lý, điều tiết giá trên cơ sở cơ chế thị trường phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; bảo đảm công khai, minh bạch, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật; qua đó, bảo vệ hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và Nhà nước. Bên cạnh đó, công tác quản lý giá cũng phải góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; thúc đẩy xã hội hóa hoạt động cung cấp dịch vụ công; có chính sách về giá phù hợp với khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và các trường hợp theo quy định tại luật khác có liên quan. Những nguyên tắc này đảm bảo xuyên suốt tất cả các biện pháp quản lý, điều tiết giá của Nhà nước quy định tại luật và hoạt động quản lý nhà nước về giá của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. |