Xăng tăng giá, thực phẩm biến động do giá rét miền Bắc

Những ngày này, miền Bắc đang trong đợt rét đậm, rét hại kéo dài, nguồn cung rau bị hạn chế nên giá rau củ theo nhau tăng chóng mặt, có loại tăng giá gấp đôi, thậm chí tăng gấp 3 lần ngày thường. “Rau xanh đắt hơn thịt cá” là cụm từ được các bà nội chợ nhắc đến những ngày gần đây.

Tại Hà Nội, nhiều loại rau xanh tăng giá mạnh như bắp cải tăng giá từ 7.000 - 8.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg, rau cải 30.000 đồng/bó, súp lơ xanh 50.000 đồng/kg; các loại rau mùi như hành, ngò, rau thơm tăng cao, khoảng 50.000 đồng/kg... Các mặt hàng gia vị như gừng, chanh, sả, lá tía tô… tăng mạnh. Giá chanh từ 20.000 đồng lên 30.000 - 35.000 đồng/kg, gừng tăng lên 40.000 - 50.000 đồng/kg, sả từ 10.000 - 12.000 đồng lên 35.000 đồng/kg, tía tô 20.000 - 25.000 đồng/kg…

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn    		  				     Đồ họa: Hồng Vân
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồ họa: Hồng Vân

Trên thực tế, giá rau xanh phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Khi thời tiết thuận lợi, nguồn cung dồi dào, giá rau sẽ “rẻ như cho”, song nếu rét đậm, rét hại, giá rau sẽ tăng “nhiệt” từng ngày. Còn loại quả như cà chua cũng không thể chín nổi, nên nguồn cung khan hiếm, giá sẽ tăng gấp đôi, gấp ba lần ngày thường.

Không chỉ mặt hàng rau, giá thịt lợn, cá, tôm tại chợ dân sinh cũng tăng nhẹ. Giá thịt nạc vai lên tới 150.000 đồng/kg, thịt sấn cũng ở mức 100.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng so với trước. Giá thịt bò cũng ở mức cao từ 250.000 - 300.000 đồng/kg, tùy loại. Giá gà ta nguyên lông cũng tăng 10.000 đồng/kg, bán ra ở mức 130.000 - 150.000 đồng/kg.

Cùng diễn biến “nóng” theo giá thực phẩm, rau xanh, giá xăng dầu liên tiếp tăng trong thời gian qua, lập “đỉnh” mới từ năm 2014 đến nay khiến giá cả một số dịch vụ vận tải cũng rục rịch tăng. Đáng lo nhất, xăng dầu là mặt hàng đầu vào của nền kinh tế, trước hết là giá dịch vụ vận tải sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Giá xăng dầu còn tác động vào vòng 2 đó là các ngành sản xuất có sử dụng xăng dầu, như: khai thác than, khai thác dầu, hoặc sử dụng nhiều trong sản xuất các mặt hàng chịu sự ảnh hưởng của giá xăng dầu.

Dự báo CPI tăng khoảng 0,2%

Giá xăng dầu tăng sẽ lan tỏa góp phần tăng nhiều mặt hàng trong nền kinh tế. Theo dự đoán của giới chuyên gia, CPI tháng 2 có thể tăng khoảng 0,2% so với tháng trước.

Về giá cả hàng hóa nói chung, theo nhận định của Bộ Tài chính, thời điểm sau Tết Nguyên đán, dự báo nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trong nước vẫn dồi dào, đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Nhiều áp lực lạm phát năm 2022

Tổng cục Thống kê nhận định, năm 2022, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng lên, lạm phát sẽ chịu tác động của vấn đề tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới như xăng dầu, than và giá cước vận chuyển. Việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao, tạo áp lực cho lạm phát.

Đối với mặt hàng thiết yếu là lương thực, thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước rất dồi dào, phong phú, chất lượng ổn định. Nguồn cung trong nước hiện rất dồi dào. Lượng thủy sản tháng 1/2022 ước đạt 589,9 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn bò tăng khoảng 0,9%; tổng đàn lợn tăng 1,8% (đạt trên 28 triệu con); tổng đàn gia cầm tăng khoảng 1,9%... Thông tin từ bộ này cho biết, các nguồn cung về thịt gia súc, gia cầm các loại, mặt hàng thủy, hải sản, số lượng trứng, sữa, trái cây… đủ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu nên không có sự thiếu hụt.

Để kiểm soát lạm phát từ đầu năm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp, kiểm soát lạm phát.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá theo dõi, nắm bắt tổng hợp tình hình thực hiện các nội dung; tiếp tục cập nhật diễn biến tình hình giá cả trong các tháng trước và sau tết để hoàn thiện, điều chỉnh các kịch bản điều hành giá cho phù hợp, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá quý I/2022 sắp tới theo đúng quy định.

Đối với giá một số mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, Phó Thủ tướng đề nghị thận trọng trong điều hành. Đối với mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân. Chuyên gia kinh tế cho rằng áp lực lạm phát trong năm 2022 là hiện hữu, nhưng không quá lo ngại và dự báo trong tầm kiểm soát theo mục tiêu đã đề ra.

Ngay từ cuối năm ngoái, giới chuyên gia đã dự đoán, áp lực lạm phát trong năm 2022 là hiện hữu do nguy cơ “nhập khẩu lạm phát” từ các nguyên nhiên vật liệu. Động thái tăng giá xăng trong 5 kỳ điều hành vừa qua là minh chứng rõ nhất.

Kinh tế hồi phục gây sức ép lên lạm phát

Không chỉ mặt hàng xăng dầu mà giá nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng sẽ tác động vào giá thực phẩm. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở được tính trong CPI cũng sẽ tăng theo giá nguyên liệu dùng trong xây dựng. Cùng với đó, giá dịch vụ giáo dục tăng trở lại do một số địa phương kết thúc thời gian được miễn, giảm học phí năm học 2021 - 2022 và ảnh hưởng của việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ giáo dục trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Ngoài ra, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí tăng trở lại cũng tác động không nhỏ tới CPI chung. Đó là những yếu tố mà cơ quan quản lý cần phải tính toán trong điều hành.

Tại hội thảo nhận định về tình hình giá cả năm 2022, các chuyên gia kinh tế cho rằng dự báo lạm phát năm 2022 vẫn trong tầm kiểm soát theo mục tiêu của Chính phủ, CPI sẽ ở mức từ 2 - 3,7% thấp hơn so với mục tiêu dưới 4%. Ông Nguyễn Bá Minh - Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) cho biết qua nghiên cứu, dự báo CPI bình quân năm 2022 sẽ tăng là từ 2% đến 3%, dưới chỉ tiêu Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, kiểm soát lạm phát năm 2022 là không dễ dàng. Bởi theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, kinh tế thế giới đã và dần phục hồi, giá cả hàng hóa đang có xu hướng gia tăng. Bên cạnh đó, khả năng điều chỉnh các mặt hàng do Nhà nước quản lý như giá điện, nước, y tế, giáo dục có thể xảy ra, tạo áp lực tăng lạm phát đáng kể đối với Việt Nam.

Để giúp kiềm chế lạm phát tăng cao trong năm 2022, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam. Đặc biệt, cần đánh giá, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn, nhất là diễn biến giá của các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas để có chính sách phù hợp.