Ngừng làm thủ tục thông quan, hoãn xuất cảnh

Từ thông tin nợ thuế chây ỳ được cơ quan thuế TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, hàng loạt doanh nghiệp (DN) đã bị các chi cục hải quan thuộc Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh ra quyết định ngưng làm thủ tục thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Mới đây nhất là trường hợp của Công ty TNHH Dệt may xuất khẩu An Linh (26 đường S9, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, mã số thuế 0302453648) bị Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan trong thời hạn 1 năm kể từ ngày 20/10/2022, do nợ thuế trên 13 tỷ đồng. Đây là lần thứ 2 công ty này bị cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan bởi trước đó cả năm (13/10/2021), Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư cũng đã có quyết định tương tự nhưng đến nay, DN vẫn không thực hiện nghĩa vụ thuế cho Nhà nước.

Trước khi có quyết định ngừng làm thủ tục thông quan lần 2 đối với Công ty TNHH Dệt may xuất khẩu An Linh, nhiều DN trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nợ thuế chây ỳ với số tiền lớn cũng đã bị Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư phối hợp với cơ quan thuế cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan trên toàn quốc.

Lãnh đạo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh ký kết quy chế hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật. Ảnh: Đỗ Doãn
Lãnh đạo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh ký kết quy chế hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật. Ảnh: Đỗ Doãn

Cụ thể như: Công ty cổ phần Thế Kỷ Mới (150 Pasteur, phường Bến Nghé, quận 1, mã số thuế 0302538098) nợ trên 6,4 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thắng Long (557 Nguyễn Tri Phương, phường 14, quận 10, mã số thuế 0301383162) nợ 5,9 tỷ đồng; Công ty cổ phần Ngọc Hải (116/58/75 Hoàng Hoa Thám, phường 12, quận Tân Bình, mã số thuế 0301952549) nợ 15,3 tỷ đồng; Công ty cổ phần Cơ điện Hoàng Hưng (tầng 8, tòa nhà Golden King, 15 Nguyễn Lương Bằng, phường Tân Phú, quận 7) nợ 10,7 tỷ đồng…

Trong khi đó, sau 9 tháng năm 2022, Chi cục Hải quan Quản lý hàng gia công (Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh) đã thực hiện thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật của 65 DN nợ thuế. Mới đây nhất là tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Nhật Lâm và người đại diện Công ty TNHH MTV May mặc Nguyễn Giang (trụ sở 2836, Phan Thế Hiển, phường 7, quận 8)… do không thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước dù đã được đôn đốc, nhắc nhở.

Ngoài việc cưỡng chế bằng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công còn thực hiện nhiều biện pháp cưỡng chế DN nợ thuế theo quy định, như ban hành gần 200 lượt thông báo trích tiền từ tài khoản DN tại ngân hàng, đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh...

Nhiều vướng mắc phát sinh từ thực tiễn cần xử lý

Theo chia sẻ của lãnh đạo Chi cục Hải quan Quản lý hàng gia công, để thu hồi, xử lý nợ thuế, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp đốc thu, chủ động nghiên cứu hồ sơ, tìm giải pháp thu nợ và thu được những khoản nợ khó thu.

So với thời điểm cuối năm 2021, số hồ sơ nợ thuế đã giảm 30 trường hợp, tương ứng với mức nợ thuế được thu hồi gần 2,5 tỷ đồng. Trong số khoảng 400 bộ hồ sơ còn lại, mỗi bộ hồ sơ là một khoản nợ khác nhau, với hàng chục loại chứng từ, kết quả xác minh qua nhiều giai đoạn nợ thuế gắn với những chính sách khác nhau..., nên việc theo dõi, đốc thu khá phức tạp và khó có kết quả tốt.

Cưỡng chế doanh nghiệp nợ thuế gần 100 tỷ đồng

Xét đề nghị của Chi cục Thuế quận 1 (Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh), Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư đã ban hành quyết định cưỡng chế Công ty cổ phần Đầu tư Cái Mép với hình thức tạm ngừng làm thủ tục thông quan hàng hóa, do công ty nợ thuế chây ỳ lên đến 99,8 tỷ đồng.

Quyết định có hiệu lực thi hành trong thời hạn 1 năm kể từ ngày ban hành, hoặc chấm dứt hiệu lực khi tiền thuế nợ được nộp đủ vào ngân sách nhà nước.

Từ ghi nhận thực tế công tác đốc thu tại các chi cục thuộc Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, dễ dàng nhận thấy việc thực hiện thu hồi nợ đọng thuế theo quy trình hướng dẫn có một số vướng mắc cần tháo gỡ. Cụ thể như, Luật Quản lý thuế hiện hành quy định 7 biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ, nhưng cơ quan hải quan thường chỉ thực hiện được 4 biện pháp cưỡng chế có hiệu quả. Đó là trích tiền từ tài khoản, dừng làm thủ tục hải quan, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN. Những biện pháp cưỡng chế còn lại thì chưa thực hiện được gồm: khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập, kê biên, bán đấu giá tài sản. Nguyên nhân là bởi rất khó xác định được thông tin về các khoản thu nhập, tài sản của DN phục vụ cưỡng chế.

Cũng từ thực tế phát sinh trong công tác thu hồi nợ thuế, đối với trường hợp người nộp thuế nợ thuế nhưng không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh và cũng không xác định được địa chỉ hoạt động mới, để việc thu nợ hiệu quả hơn, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh kiến nghị: đến UBND, công an phường, xã để xác nhận tình trạng của DN; đến địa chỉ thường trú của người đại diện pháp luật để đôn đốc, trường hợp không gặp được người đại diện pháp luật thì đến UBND, công an phường, xã để xác nhận tình trạng của người đại diện pháp luật (quy định hiện tại là phối hợp với các cơ quan có liên quan như: Sở Công an, Cục Thuế thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư... để xác minh, truy tìm).