Doanh nghiệp chưa tuân thủ quy định về thủ tục ngừng, nghỉ hoạt động

Theo ông Ngô Đình Hùng – Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa, công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế nói chung và công tác giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng trên địa bàn luôn được cục thuế quan tâm, việc giải quyết hoàn thuế được thực hiện đúng quy định của pháp luật, không có hồ sơ hoàn thuế chậm thời gian; việc phân loại hồ sơ hoàn thuế trước kiểm tra sau hoặc kiểm tra trước hoàn thuế sau chặt chẽ đúng đối tượng và trường hợp hoàn. Vì vậy, công tác giải quyết hoàn thuế đạt được kết quả tốt. Kiểm toán Nhà nước kiểm toán hằng năm và kiểm toán theo chuyên đề không có kiến nghị phải thu hồi hoàn thuế.

Cục Thuế Thanh Hóa: Doanh nghiệp ngừng nghỉ không đóng mã số thuế ảnh hưởng đến rà soát hồ sơ hoàn thuế
Công chức thuế hướng dẫn người nộp thuế cài đặt ứng dụng eTax Mobile. Ảnh: CT

Lãnh đạo Cục Thuế Thanh Hóa thông tin, năm 2020, trên địa bàn có 3.603 doanh nghiệp thành lập mới, năm 2021 có 3.853 doanh nghiệp thành lập mới, 6 tháng đầu năm 2022, có 1.667 doanh nghiệp thành lập mới. Bên cạnh những mặt tích cực về kinh tế xã hội thì số doanh nghiệp thành lập mới cũng có những vấn đề phát sinh trong quá trình quản lý như tỷ lệ đóng góp cho nguồn thu ngân sách nhà nước chưa cao, tỷ lệ doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh (có doanh thu) trong năm thấp.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp mới thành lập chỉ trong một thời gian ngắn đã xin ngừng hoạt động, đóng mã số thuế; thậm chí có nhiều doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ các quy định về hồ sơ, thủ tục ngừng nghỉ, đóng mã số thuế, mà khi cơ quan thuế xác minh thông tin thì doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký gây, khó khăn cho công tác quản lý nhà nước nói chung và quản lý thuế nói riêng. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật thành lập doanh nghiệp để thực hiện hành vi mua bán hóa đơn, trốn lậu thuế.

6 tháng đầu năm 2022, Cục Thuế Thanh Hóa ban hành quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng cho 85 hồ sơ, số thuế đã hoàn là 1.719 tỷ đồng. Trong đó, hoàn thuế giá trị gia tăng đối với dự án đầu tư 5 hồ sơ, số thuế đã hoàn 410 tỷ đồng, hầu hết hồ sơ được giải quyết đúng hạn.

Xuất phát từ yêu cầu thực tế đó, lãnh đạo Cục Thuế Thanh Hóa cho rằng, việc tăng cường rà soát dữ liệu người nộp thuế phải được quan tâm chú trọng hơn. Theo đó, để kiểm soát thông tin người nộp thuế, cục thuế đã chỉ đạo các phòng thanh tra – kiểm tra và chi cục thuế tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật sau đăng ký doanh nghiệp đối với doanh nghiệp mới thành lập, thông qua công tác rà soát kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế để đánh giá tính phù hợp hoặc không phù hợp đối với việc đăng ký vốn, góp vốn, sử dụng hóa và thực tế hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp.

Căn cứ kết quả kiểm tra rà soát, trường hợp nếu người nộp thuế có vi phạm về thuế thì xử lý theo quy định của pháp luật về thuế, trường hợp người nộp thuế có vi phạm về kế toán, góp vốn điều lệ (lĩnh vực đăng ký kinh doanh) thì có văn bản kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền như: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư xử phạt vi phạm hành chính theo các quy định.

Đặc biệt, để tăng cường công tác quản lý thuế đối với người nộp thuế chia tách doanh nghiệp nhưng còn nợ thuế; doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, cục thuế đã ban hành công văn hướng dẫn cách thức tra cứu và cập nhật thông tin người nộp thuế (trong đó hướng dẫn công chức thuế khai thác đối với doanh nghiệp được tách và bị tách để thực hiện quản lý thuế ngay khi được phân công quản lý doanh nghiệp; không để tình trạng doanh nghiệp nợ thuế tách doanh nghiệp, chuyển tài sản sang doanh nghiệp mới để tránh thuế; cập nhật kịp thời thông tin cảnh báo gửi cơ quan đăng ký kinh doanh đối với người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký).

Cần liên thông kiểm soát trạng thái hoạt động của doanh nghiệp

Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa cũng cho biết có thực trạng thông tin về “trạng thái hoạt động” của người nộp thuế trên Hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) không đồng nhất với thông tin về “tình trạng doanh nghiệp” trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Thống kê của Cục Thuế Thanh Hóa cho thấy, tính đến thời điểm ngày 30/4/2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 11.681 doanh nghiệp thông tin về “trạng thái hoạt động” không đồng nhất với thông tin về “tình trạng doanh nghiệp”. Ngoài ra, trên địa bàn có 1.276 doanh nghiệp trùng địa chỉ trụ sở; 4.403 doanh nghiệp trùng người đại diện pháp luật.

Theo đó, Cục Thuế Thanh Hóa đã có công văn đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư khi nhận được thông báo và tiếp nhận cảnh báo từ cơ quan thuế đối với trường hợp người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đăng ký có biện pháp thực hiện ghi nhận, cập nhật kịp thời “tình trạng doanh nghiệp” không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký theo thông báo và cảnh báo của cơ quan thuế vào Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; đồng thời từ chối các giao dịch của doanh nghiệp ngay khi có thông báo và cảnh báo của cơ quan thuế, điều này góp phần hạn chế rủi ro khi doanh nghiệp đang ở trạng thái không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế nhưng vẫn thực hiện các giao dịch tại cơ quan đăng ký kinh doanh.

Cùng với đó, cục thuế chỉ đạo kịp thời các phòng quản lý rà soát, đôn đốc, yêu cầu các đơn vị hành chính, sự nghiệp khi thay đổi người đại diện pháp luật phải bổ sung thông tin đăng ký thuế kịp thời, theo quy định của pháp luật.

Ngoài nhiệm vụ đã triển khai, Cục Thuế Thanh Hóa đề nghị Tổng cục Thuế sớm nâng cấp ứng dụng TMS để khi công chức thuế cập nhật cảnh báo gửi cơ quan đăng ký kinh doanh đối với người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký thì công chức thuế có thể tra cứu được các doanh nghiệp đã được cập nhật cảnh báo trên ứng dụng TMS. Đồng thời phối hợp với Bộ Kế hoạch – Đầu tư (Cục đăng ký kinh doanh) khắc phục tình trạng cơ quan thuế nhập cảnh báo gửi cơ quan đăng ký kinh doanh đối với người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ thì Sở Kế hoạch – Đầu tư không nhận được giao dịch từ cơ quan thuế truyền sang./.