Phối hợp xác minh thông tin giao dịch thực tế từ các cơ quan công chứng

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa về tăng cường chống thất thu thuế trong hoạt động chuyển nhượng bất động sản (BĐS) trên địa bàn, Cục Thuế Thanh Hóa đã ban hành công văn đề nghị các phòng công chứng trên địa bàn cung cấp thông tin, dữ liệu (từ 1/1/2021) về các hợp đồng công chứng theo quyết định của UBND tỉnh.

Đồng thời, đơn vị cũng rà soát các trường hợp cho, tặng, chuyển nhượng BĐS, thuê tài sản..., nhưng chưa làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu tài sản (nộp lệ phí trước bạ) để chỉ đạo các chi cục thuế tham mưu cho UBND cấp huyện chỉ đạo các phòng, ban, UBND cấp xã phối hợp để đôn đốc, thông báo cho chủ tài sản làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu và kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ đúng quy định.

Ông Mai Đình Tú cho hay, tháng 7/2021, cục thuế và sở tư pháp đã tổ chức hội nghị và thống nhất sẽ đề nghị các phòng công chứng cung cấp danh sách chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế về đất đai đã qua công chứng gửi cục thuế.

Cục Thuế Thanh Hóa: Triển khai nhiều biện pháp chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản
Ảnh minh họa TL

Kết quả quý III/2021, có 13/51 phòng công chứng gửi dữ liệu về cục thuế; quý IV/2021 có 5/51 phòng công chứng gửi dữ liệu. Qua công tác tổng hợp, phân tích đánh giá các hợp đồng đã công chứng quý III, quý IV/2021 do các tổ chức công chứng gửi về, có 199 hồ sơ công chứng, đã kê khai nộp thuế 68 hồ sơ, chưa đăng ký và kê khai nộp thuế là 131 hồ sơ (chiếm 65,8%).

Ngoài ra, Cục Thuế Thanh Hóa và Hiệp hội Công chứng tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức họp bàn và thống nhất: Các phòng công chứng cung cấp cho cục thuế dữ liệu danh sách các hợp đồng chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế về đất đai để phục vụ công tác quản lý thuế. Thời hạn cung cấp trước ngày 31/5/2022. Sau khi có dữ liệu đầy đủ, cục thuế sẽ tiến hành lọc các trường hợp đã công chức nhưng chưa làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu (nộp lệ phí trước bạ) để chỉ đạo toàn ngành xử lý theo quy định.

Mới đây, Cục Thuế Thanh Hóa đã gửi thư ngỏ đến các tổ chức, người nộp thuế trên địa bàn, khuyến nghị khi phát sinh các giao dịch mua, bán, chuyển nhượng BĐS người nộp thuế cần thực hiện đầy đủ, kịp thời, chính xác các thủ tục theo quy định; đặc biệt là việc ghi giá chuyển nhượng BĐS trên hợp đồng mua bán, chuyển nhượng cũng như khi khai các nghĩa vụ thuế phát sinh nhằm bảo vệ chính quyền lợi của người mua và người bán BĐS…

Lập phương án công khai giá chuyển nhượng bất động sản

Ngoài việc phối hợp xác minh thông tin giao dịch thực tế hoạt động chuyển nhượng BĐS, Cục Thuế Thanh Hóa còn lập phương án công khai giá chuyển nhượng BĐS. Cụ thể, cục thuế chỉ đạo bộ phận công nghệ thông tin tiến hành thu thập dữ liệu về các giao dịch BĐS trên phần mềm quản lý trước bạ nhà đất của ngành. Sắp xếp và phân nhóm các BĐS cùng phường/xã/ khu vực, cùng đường/phố/thôn/xóm, cùng khu đô thị/mặt bằng quy hoạch để công khai giá giao dịch của 3 tháng gần nhất (dự kiến công khai 3 giao dịch cao nhất của mỗi loại hình đất, nhà và đất, đất ở và đất vườn).

Thông tin giao dịch nêu trên sẽ được cập nhật định kỳ vào ngày 5 hàng tháng trên phần mềm quản lý điều hành của cục thuế (modul riêng về giá giao dịch BĐS) để bộ phận trước bạ nhà đất tham khảo (người nộp thuế khi đến giao dịch cũng có thể được tham khảo các thông tin này). Phần mềm cũng sẽ cảnh báo các giao dịch đã hoàn thành tính lệ phí trước bạ nhà đất nhưng có giá thấp hơn so với giá giao dịch cao nhất của 3 tháng gần nhất.

Số liệu thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2022 của Cục Thuế Thanh Hóa cho thấy, thu lệ phí trước bạ được 357 tỷ đồng, đạt 40% dự toán, bằng 120,1% so với cùng kỳ; thu lệ phí trước bạ nhà đất tăng 80,4% so với cùng kỳ; thu thuế bảo vệ môi trường được 709 tỷ đồng, đạt 61,7% dự toán, bằng 162,6% so với cùng kỳ. Thu tiền sử dụng đất được 5.212 tỷ đồng, đạt 94,8% dự toán, bằng 290,1% so với cùng kỳ; thu tiền cho thuê mặt đất được 236 tỷ đồng, đạt 41,5% dự toán, bằng 123,3% so với cùng kỳ.../.

Sau khi hoàn thành xây dựng phần mềm ứng dụng và cơ sở dữ liệu giao dịch BĐS nêu trên, cục thuế sẽ ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về nghiệp vụ và quy trình cho các chi cục thuế khai thác, sử dụng nhằm phát huy hiệu quả của thông tin giao dịch BĐS nêu trên.

Ông Mai Đình Tú chia sẻ thêm, từ năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định triển khai “Đề án về giám sát khai thuế đối với doanh nghiệp có hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn”. Trong quá trình thực hiện, Cục Thuế Thanh Hóa đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố để đánh giá và điều chỉnh các đối tượng thuộc diện đưa vào giám sát theo đề án.

Hàng tháng, căn cứ vào thông tin thu thập từ bên ngoài, các mỏ tài nguyên có tương đồng về trữ lượng, công suất khai thác; mức độ đầu tư máy móc thiết bị; kết quả sản lượng giám sát, đối chiếu với sản lượng khai thuế…, để đánh giá mức độ rủi ro của từng doanh nghiệp có hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản.

Đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về khai thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, cục thuế yêu cầu các phòng thanh tra – kiểm tra, chi cục thuế chỉ đạo cán bộ kiểm tra hồ sơ khai thuế thông báo cho người nộp thuế giải trình bổ sung tại trụ sở cơ quan thuế.

Đồng thời, cục thuế phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để có số liệu khai thác tài nguyên khoáng sản, chi tiết từng loại tài nguyên, khoáng sản để cung cấp số liệu khai thác tài nguyên cho các phồng thanh tra - kiểm tra, chi cục thuế có liên quan phục vụ công tác kiểm tra hồ sơ khai thuế (cung cấp về các phòng, chi cục trước ngày 10/4 hàng năm); thường xuyên cập nhật tình hình các mỏ mới được đưa vào hoạt động khai thác, các mỏ đã được chuyển nhượng vào phần mềm GMS, điều chỉnh thông tin các mỏ trên phần mềm theo đúng giấy phép.

Ngoài ra, Cục Thuế Thanh Hóa yêu cầu các phòng, chi cục thuế lựa chọn người nộp thuế có rủi ro cao báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xác định trữ lượng khai thác phục vụ quản lý thuế theo công văn của cục thuế. Trong đó, yêu cầu các phòng, chi cục thuế phải chỉ đạo các bộ phận, cán bộ phân tích, lựa chọn các doanh nghiệp khai thác tài nguyên có rủi ro cao (trọng tâm là các doanh nghiệp có sản lượng khai thuế thấp hơn công suất cấp phép và doanh nghiệp có nhiều chủng loại tài nguyên khai thác chưa phù hợp với giấy phép (đá, cát...) gửi báo cáo về cục thuế trước ngày 11/5/2022./.