Hà Nội: Kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 sang năm 2023 Đà Nẵng: Giải ngân vốn đầu tư công tháng 1/2023 đạt thấp Năm 2023: Giải ngân ít nhất 95% trong tổng vốn đầu tư công hơn 700 nghìn tỷ đồng

Hầu hết các dự án lớn đã hoàn thiện thủ tục, giao đủ vốn

Sáng 21/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 được Quốc hội quyết nghị là 711.684,386 tỷ đồng. Trong đó, số vốn chưa phân bổ chi tiết là 4.640,188 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương (NSTW).

Căn cứ số vốn 707.044,198 tỷ đồng đã được Quốc hội phân bổ chi tiết cho từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn là 707.044,198 tỷ đồng, bằng 100% số vốn Quốc hội quyết nghị.

Đã giao hơn 707 nghìn tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì diễn ra sáng 21/2. Ảnh: Nhật Bắc/VGP

Đến hết ngày 17/2/2023, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án là 595.616,003 tỷ đồng, đạt 84,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, bao gồm: vốn NSTW là 305.950.525 tỷ đồng, đạt 84,1%, vốn NSĐP là 289.665,478 tỷ đồng, đạt 84,4%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2023 có những thuận lợi hơn so với các năm 2021, 2022 do hầu hết các dự án lớn đã hoàn thiện thủ tục, giao đủ vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Tuy nhiên, năm 2023 cũng là năm có nhiều khó khăn, thách thức như: Khối lượng công việc nhiều hơn, ngoài việc điều hành kế hoạch năm của các dự án đã có trong trung hạn, các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện, giải ngân dự án thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá giữa kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Quy mô vốn đầu tư công năm 2023 tăng khoảng 23% (khoảng 130 nghìn tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 250 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021 (năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025), trong đó lượng vốn chương trình mục tiêu quốc gia rất lớn (bao gồm kế hoạch năm 2023 và toàn bộ số vốn năm 2022 chưa giải ngân được Quốc hội cho phép chuyển sang năm 2023).

Bên cạnh đó, các yếu tố như giá cả nguyên nhiên vật liệu dự báo biến động khó lường, tác động trực tiếp đến hoạt động đầu tư xây dựng, thi công của các nhà thầu và cũng có thể tác động không thuận đến công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Nhận diện tổng thể những vướng mắc trong triển khai dự án để tìm hướng tháo gỡ

Với những thuận lợi, khó khăn nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần tập trung phân tích thấu đáo, khách quan tình hình đã được chỉ ra trong năm 2022 và các năm trước, vận dụng những bài học kinh nghiệm để thống nhất đưa ra các giải pháp cùng triển khai thực hiện.

Tại các phiên họp Chính phủ tháng 7, 8 năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo các vướng mắc trong quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư công liên quan đến 7 lĩnh vực (đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công).

Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, quản lý ngành lĩnh vực rà soát tất cả các vướng mắc liên quan đến lĩnh vực được phân công quản lý. Trên cơ sở đó, tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực thi pháp luật, tổ chức lấy ý kiến nhất là các đối tượng chịu tác động của chính sách, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi cho phù hợp yêu cầu thực tiễn.

Đã giao hơn 707 nghìn tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái điều hành phần thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc/VGP

Để nhận diện một cách tổng thể hơn những vướng mắc khi thực hiện dự án đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo bổ sung vướng mắc liên quan đến toàn bộ giai đoạn thực hiện một dự án đầu tư công.

Thứ nhất, ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư (chuẩn bị dự án), vướng mắc chủ yếu liên quan đến: việc lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại các địa phương còn chậm, ảnh hưởng không chỉ đến các dự án của địa phương mà còn đến các dự án của trung ương trên địa bàn. Đây cũng chính là một trong các lý do một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị điều chỉnh, thay thế dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã báo cáo Quốc hội bằng một dự án mới.

Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất lúa đối với dự án có yêu cầu chuyển đổi còn phức tạp, phải xin nhiều cấp, ý kiến nhiều bộ, ngành, chưa tạo chủ động cho các địa phương.

Cụ thể như liên quan đến lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 30 Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định: Dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, có diện tích chuyển đổi thuộc thẩm quyền chấp thuận của HĐND tỉnh theo quy định của pháp luật đất đai thuộc danh mục dự án đầu tư nhóm II, phải đánh giá tác động môi trường. Như vậy, việc thu hồi, chuyển đổi mục đích 1m2 đất lúa cũng phải lập báo cáo ĐTM là không cần thiết, nhất là đối với dự án giao thông nông thôn.

Thứ hai, ở giai đoạn thực hiện dự án, nhiều dự án đã vướng ngay khâu đầu tiên, đó là công tác giải phóng mặt bằng, trong đó vướng mắc chủ yếu liên quan đến xác định nguồn gốc đất, kiểm kê, kê khai để phân loại đất đền bù, lựa chọn các vị trí để lập quy hoạch, hoàn thiện thủ tục xây dựng khu tái định cư, xây dựng phương án bồi thường bảo đảm đúng quy định của pháp luật cũng như hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người dân, quy trình thủ tục trình phê duyệt phương án bồi thường…

Khi dự án được giao mặt bằng đến khâu thi công khó khăn về nguyên, nhiên vật liệu, thủ tục cấp phép khai thác mỏ, bãi đỗ thải, việc cập nhật, điều chỉnh, công bố giá và chỉ số giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng tại một số địa phương còn chậm, chưa phù hợp diễn biến giá thị trường,... năng lực của một số nhà thầu còn hạn chế,...

Thứ ba, giai đoạn kết thúc dự án gồm các công việc như quyết toán hợp đồng, quyết toán dự án hoàn thành, bàn giao công trình,... Ở giai đoạn này, vướng mắc liên quan đến việc chấp hành kỷ luật về thời gian lập báo cáo quyết toán gửi cơ quan thẩm tra phê duyệt quyết toán của một số chủ đầu tư, tồn tại nhiều dự án do quyết toán chậm, hồ sơ để quá lâu nên một số nhà thầu đã giải thể, không thu hồi được công nợ không tất toán được.../.