Sáng 23/5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025.
Linh hoạt bội chi để hỗ trợ tăng trưởng
Đánh giá chung, các đại biểu thống nhất với các báo cáo trình bày tại Kỳ họp và đánh giá cao những kết quả đạt được trong năm 2024 cũng như những tháng đầu năm 2025. Năm 2024, dù tình hình khó khăn, thiên tai bão lũ nặng nề nhưng chúng ta đã đạt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội đề ra. Những tháng đầu năm 2025, GDP quý I tăng trưởng cao nhất trong 6 năm gần đây, với 09 tỉnh, thành đạt mức tăng trên 10%. FDI thực hiện đạt 6,74 tỷ USD, trong khi vốn đăng ký tăng 39,7%, cho thấy lòng tin quốc tế vào môi trường đầu tư của Việt Nam.
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) phát biểu tại tổ. Ảnh: Khánh Duy |
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) nhận xét, nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi tốt, niềm tin thị trường cao, năng lực sản xuất dần khôi phục. Cải cách thể chế được thực hiện quyết liệt, tinh giản bộ máy giúp nâng cao hiệu lực điều hành.
Tuy nhiên, đại biểu cũng nêu những thách thức khi tác động của chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ, nguy cơ ảnh hưởng mạnh đến hàng hóa xuất khẩu. Giải ngân đầu tư công còn thấp (quý I chỉ đạt 9,53%), thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp phục hồi chậm. Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng 12,9%, chủ yếu ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng cao, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh thế giới biến động nhanh, khó lường và đầy cạnh tranh, các đại biểu cũng kiến nghị nhiều giải pháp cụ thể.
Đối với chính sách tài khóa và tiền tệ, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị cho phép điều chỉnh linh hoạt bội chi ngân sách nhà nước trong khung từ 4 đến 4,5% GDP trong giai đoạn 2025 - 2026 để đẩy mạnh đầu tư công và hỗ trợ tăng trưởng. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ hiệu quả chi, đặc biệt là giảm chi thường xuyên để tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển. Về tiền tệ, cần duy trì mặt bằng lãi suất cho vay dưới 7%/năm đối với doanh nghiệp, điều hành linh hoạt tỷ giá và tăng trưởng tiến dụng vào các lĩnh vực ưu tiên.
Trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) quan tâm các giải pháp ứng phó chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ. Để sớm tăng mua hàng hóa của Hoa Kỳ, đại biểu đề nghị Quốc hội trao quyền cho Thủ tướng quyết định việc miễn thủ tục đấu thầu, cho phép chỉ định thầu đối với các gói thầu mua sắm công hoặc chỉ định nhà đầu tư các dự án. Điều này, theo đại biểu, sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh được tốc độ cải thiện chênh lệch thương mại với Hoa Kỳ.
Đồng thời, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, Chính phủ quyết liệt hơn trong việc kiểm soát nguồn gốc hàng hoá và phải minh bạch quy trình này, tăng niềm tin cho các đối tác thương mại.
Đối với các rào cản kỹ thuật, rào cản phi thuế quan, đại biểu đề nghị tập trung tạo thuận lợi tối đa cho cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Nhân cơ hội này, rà soát xem chúng ta đang có những rào cản kỹ thuật, rào cản phi thuế quan nào bất hợp lý, tác động tiêu cực đến cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài thì gỡ bỏ luôn.
Về lâu dài, đại biểu đề nghị Quốc hội đưa vấn đề hợp tác kinh tế quốc tế vào chương trình giám sát; sau đó, có thể ra một Nghị quyết của Quốc hội về định hướng hợp tác kinh tế quốc tế của Việt Nam.
"Sốt ruột" với việc cải thiện môi trường kinh doanh
Bên cạnh đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng bày tỏ “rất sốt ruột” với việc cải thiện môi trường kinh doanh - vấn đề mà đại biểu cho là mang tính chất quyết định với tăng trưởng.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) phát biểu tại tổ. |
Theo đại biểu, các Nghị quyết số 57, Nghị quyết số 66, Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị đã có những yêu cầu rất rõ về vấn đề này. Song, tình trạng các doanh nghiệp phản ánh vướng mắc bất cập trong môi trường kinh doanh vẫn rất nhiều, và thậm chí ngày càng đi vào những vấn đề khó. “Nếu chúng ta không chấp nhận một cuộc cách mạng trong môi trường kinh doanh thì tôi e là những cải thiện nho nhỏ sẽ không mang lại kết quả đáng kể” - đại biểu nhận xét.
Phân tích rõ hơn, đại biểu cho rằng, nếu không có đột phá về môi trường kinh doanh thì chắc chắn mục tiêu tăng trưởng dài hạn hai con số trong hai thập kỷ tiếp theo không thể đạt được. Thậm chí, nếu cứ giữ mục tiêu tăng trưởng cao trong các năm 2026, 2027 mà sử dụng các biện pháp về tài khoá, tiền tệ thì rủi ro vĩ mô rất lớn.
Trong khi đó, các báo cáo của VCCI vẫn cho thấy các dự án đầu tư phải qua “rừng thủ tục”, việc tiếp cận đất đai ngày càng khó khăn. “Với tình trạng rừng thủ tục, núi thủ tục như vậy, chúng ta không thể huy động được đủ đầu tư tư nhân để phục vụ tăng trưởng” - đại biểu thẳng thắn.
Do đó, theo đại biểu, tháo gỡ khó khăn cho dự án đầu tư phải được coi là trọng tâm của trọng tâm khi muốn đặt mục tiêu tăng trưởng cao liên tục nhiều năm. Đại biểu đề nghị Chính phủ quyết liệt hơn nữa, lập tổ công tác gồm nhiều chuyên gia kinh tế và pháp luật để đề xuất tháo gỡ, đơn giản hoá thủ tục về đầu tư dự án, tập trung vào việc cắt giảm, hợp nhất hoặc liên thông thủ tục hành chính.
Về góc độ thể chế, đại biểu Dương Khắc Mai nhận xét, dù đã có cải tiến, việc sửa đổi cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính còn chậm, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Một số thủ tục mới ban hành còn tiềm ẩn nguy cơ làm tăng thủ tục hành chính. Hiện nay, tư duy xây dựng pháp luật vẫn còn thiên về quản lý hơn là kiến tạo phát triển, một số quy định pháp luật và cơ chế, chính sách chậm được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, và công tác phân cấp, phân quyền còn gặp vướng mắc.
Do đó, đại biểu đề nghị, cần tập trung nghiên cứu, đưa ra các giải pháp căn cơ, định hướng trong công tác xây dựng pháp luật để tháo gỡ các điểm nghẽn, biến thể chế từ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” thành “đột phá của đột phá”, như kỳ vọng của Quốc hội và nhân dân.
Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đại biểu đề xuất, Quốc hội nên ban hành nhiều luật theo mô hình một luật sửa nhiều luật hoặc một luật được sửa đổi, bổ sung bởi nhiều luật liên quan, kéo theo đó là các văn bản hướng dẫn thi hành cũng cần được sửa đổi, bổ sung đồng bộ./.