Doanh nghiệp nhà nước: Khẳng định vai trò dẫn dắt vì mục tiêu tăng trưởng 8,3 - 8,5%
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước sẽ góp phần vào mục tiêu tăng trưởng. Ảnh: Đức Thanh

Doanh nghiệp phấn đấu tăng trưởng bình quân trên 10%

Bộ Tài chính vừa tổ chức Hội nghị đánh giá công tác 6 tháng đầu năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của các doanh nghiệp do Bộ Tài chính làm cơ quan đại diện chủ sở hữu.

“Tô đậm” thêm vai trò của doanh nghiệp nhà nước

“Tôi mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục từng bước khẳng định mạnh mẽ hơn hình ảnh của doanh nghiệp nhà nước, vốn phần nào bị “phai nhạt” thời gian qua. Với thể chế được hoàn thiện, quản trị thay đổi, nguồn lực được đáp ứng kịp thời, cơ chế đánh giá đảm bảo, dứt khoát thời gian tới, vai trò của doanh nghiệp phải rõ nét hơn, hoạt động hiệu quả hơn”. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng

Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước Phùng Quốc Chí cho hay, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, các doanh nghiệp nhà nước đã duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, bám sát kế hoạch năm 2025. Nhiều chỉ tiêu sản lượng chủ yếu ước đạt 50 - 60% kế hoạch năm, với một số lĩnh vực tăng trưởng 5 - 15% so với cùng kỳ, cho thấy sự phục hồi và thích ứng tích cực của khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, với mục tiêu tăng trưởng cả nước được Chính phủ điều chỉnh lên 8,3% đến 8,5%, việc tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng các doanh nghiệp nhà nước với vai trò dẫn dắt trong 6 tháng cuối năm là rất cấp thiết. Do đó, cần có giải pháp và nhiệm vụ cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng sản lượng/doanh thu và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư của doanh nghiệp.

Trên cơ sở rà soát kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm và trao đổi với các doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã dự kiến mức tăng trưởng mới của các doanh nghiệp thuộc Bộ. Theo đó, có 7 doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng doanh thu/hoặc sản lượng trên 10% (như SCIC - 20%; EVN - 14%; PVN - 11%; TKV - 10%; VNPT - 10%; VRG - 10%; VEC - 10%). 13 doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng doanh thu/hoặc sản lượng từ 8% đến 10%.

Với mục tiêu này, doanh thu ước tính quy đổi của 20 doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính năm 2025 ước tính là 2,2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 10,16%.

Hành lang pháp lý thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng

Tại Hội nghị, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty đã bày tỏ sự thống nhất với báo cáo và khẳng định quyết tâm phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn như Bộ Tài chính yêu cầu. Cơ sở để đạt được điều này, theo các doanh nghiệp, là hầu hết các khó khăn, vướng mắc hiện nay đã được tháo gỡ với hàng loạt cơ chế, chính sách đã và đang được sửa đổi, ban hành.

Đặc biệt, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 68/2025/QH15) và các nghị định hướng dẫn luật theo tinh thần tăng cường phân cấp, tiếp tục cụ thể hóa các chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đang được Bộ Tài chính xây dựng và sẽ sớm được Chính phủ thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/8/2025. Đây là hành lang pháp lý mới, tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng cho doanh nghiệp nhà nước.

Cùng với đó, các nghị quyết của Trung ương về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đổi mới công tác xây dựng pháp luật cũng là cơ sở chính trị quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao hiệu quả cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, tại Hội nghị, các doanh nghiệp cũng trực tiếp kiến nghị về một số vấn đề cụ thể, đặc thù để tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông nguồn lực trong thời gian tới.

Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề xuất về giải pháp gỡ room tín dụng cho doanh nghiệp này khi đi vay vốn thực hiện các dự án. Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đề xuất sớm được cơ quan quản lý phê duyệt kế hoạch khai thác dài hạn. Tổng công ty Lương thực miền Bắc kiến nghị về chính sách thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động mua bán nông sản thô… Các kiến nghị của doanh nghiệp đã được lãnh đạo Bộ Tài chính lắng nghe và cho ý kiến chỉ đạo cụ thể.

Doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với các xu thế mới

Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đánh giá, mặc dù tình hình 6 tháng đầu năm diễn biến phức tạp, nhưng các doanh nghiệp thuộc Bộ đã chủ động đối phó và đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều dự án và công việc tồn đọng lâu năm đã được tháo gỡ, khơi thông, đây là tín hiệu khả quan cho thời gian tới.

Tuy nhiên, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm còn hết sức nặng nề, đặc biệt để góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước từ 8,3% đến 8,5% năm 2025. Trên cơ sở các nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng mới, các doanh nghiệp cần chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp.

“Đây không chỉ là câu chuyện của 6 tháng cuối năm, mà còn đặt ra cho chúng ta trong nhiều năm tới. Ví dụ, Petrolimex nếu không có xoay chuyển về chiến lược kinh doanh từ bây giờ thì chắc chắn sẽ khó khăn, bởi xu hướng hạn chế sử dụng xe xăng, tiêu thụ xăng dầu sẽ giảm. Chúng ta phải tính toán để có những đường đi nước bước, chiến lược mới”, Bộ trưởng yêu cầu.

Lưu ý chỉ tiêu giải ngân 6 tháng đầu năm còn thấp, Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm có tính lan tỏa để đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công và vốn doanh nghiệp. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP.

Đối với việc triển khai Luật số 68 và các nghị định hướng dẫn, Bộ trưởng yêu cầu Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước hoàn thiện nghị định hướng dẫn bám sát với thực tiễn doanh nghiệp.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Nội vụ để tham mưu cơ chế tiền lương cho người quản lý doanh nghiệp nhà nước, nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo và phù hợp với cơ chế quản trị tiên tiến, gắn với quan điểm đổi mới về tiền lương tại Luật số 68.

Đối với các kiến nghị của các tập đoàn, tổng công ty, Bộ trưởng yêu cầu rà soát và xử lý nhanh nhất có thể. Trong đó, đặc biệt lưu ý các yếu tố liên quan đến triển khai kế hoạch kinh doanh, kịch bản tăng trưởng, giải ngân vốn đầu tư công, vốn đầu tư của doanh nghiệp…

Doanh thu các doanh nghiệp ước đạt 1,07 triệu tỷ đồng

Theo báo cáo của Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước, về tình hình tài chính hợp nhất trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng doanh thu của các doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính ước đạt khoảng 1,07 triệu tỷ đồng, ước đạt 50,3% kế hoạch và bằng 100,3% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận trước thuế ước đạt 82,1 nghìn tỷ đồng, đạt 60,9% kế hoạch. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 102,7 nghìn tỷ đồng, đạt 54,6% kế hoạch. Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư phát triển mới đạt khoảng 40% kế hoạch, thấp hơn so với mục tiêu đề ra cho 6 tháng đầu năm.

Trong lĩnh vực đầu tư phát triển, nhiều dự án lớn, trọng điểm đã được đẩy nhanh tiến độ như Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, chuỗi dự án khí – điện Lô B – Ô Môn, Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, mở rộng kho LNG Thị Vải, Nhà máy lọc dầu Dung Quất và các dự án điện Long Phú 1, điện hạt nhân Ninh Thuận, LNG Quảng Trạch II. Trong lĩnh vực hàng không, Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã hoàn thành và đưa vào khai thác, đồng thời khởi công mới các dự án mở rộng tại Cảng hàng không Cà Mau, Vinh, Cát Bi, Đồng Hới.

Về xuất nhập khẩu, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, hoạt động xuất nhập khẩu của nhiều doanh nghiệp vẫn đạt kết quả tích cực. Điển hình, kim ngạch xuất nhập khẩu Vinachem ước đạt 436 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ. Về lương thực, xuất khẩu gạo của Vinafood1 ước đạt 703 nghìn tấn, bằng 71% kế hoạch năm, kim ngạch xuất khẩu Vinafood2 6 tháng ước đạt 191,7 triệu USD, hoàn thành 100% kế hoạch năm.