trần du lịch

Đại biểu Trần Du Lịch.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.Hồ Chí Minh) thẳng thắn nêu quan điểm khi bàn về chuyện phân cấp, phân quyền trong dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương bên lề kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII.

* Một nội dung rất lớn được đề cập trong dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương là sự phân cấp, phân quyền nhằm tăng hiệu quả quản lý Nhà nước. Ông đánh giá thế nào về nội dung này trong 2 dự Luật?

- Dự Luật hiện đã cụ thể tương đối nhiều vấn đề, đã tiếp thu ý kiến từ kỳ họp trước. Ví dụ như: Chế định rõ mô hình tổ chức từng loại chính quyền; đưa một số điều khoản quy định có cơ chế phân cấp, phân quyền và ủy quyền. Tôi cho đây là điểm tiến bộ.

Tuy nhiên, yêu cầu muốn làm rõ để giải quyết tình hình hiện nay là minh bạch quyền và trách nhiệm từng cấp chính quyền thì chưa rõ. Trong này mới nêu sẽ quy định ở luật chuyên ngành hoặc Chính phủ sẽ phân cấp.

Nói chung chung chính quyền cấp xã, thị trấn tới quận, huyện, tỉnh thành đều có một câu giống nhau về quyền và nhiệm vụ là “tổ chức thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn”. Như vậy ông xã thi hành khác ông tỉnh chỗ nào? Chính phủ thi hành ra sao?

Luật cần cụ thể hơn để khi đọc luật chính quyền cấp tỉnh biết mình có quyền gì theo luật định, huyện, xã biết mình có quyền gì? Đây là vướng mắc rất lớn trong quản lý Nhà nước, là hệ quả dẫn tới sự chồng chéo về công vụ và tình trạng quá tải ở cấp cơ sở.

Chúng ta phải làm rõ những nét cơ bản về quyền và trách nhiệm của cấp xã khác cấp huyện, cấp tỉnh khác với Chính phủ. Cái đó 2 dự Luật chưa làm được.

* Ông từng nhấn mạnh Luật phải quy định để khi đi vào cuộc sống đừng biến “phó” thành một cấp?

- Đúng vậy, giờ dự luật đề xuất quy định khung số lượng phó để hạn chế bớt, nhưng muốn bớt nữa thì phải thay cơ chế trách nhiệm.

Đơn cử, ở dưới địa phương có công việc gì, cấp phó phải mất thời gian xử lý sau đó trình lên cấp trưởng trực tiếp. Cấp trưởng trực tiếp lại mất thời gian nghiên cứu rồi lại trình lên phó phụ trách cấp trên. Cấp phó cấp trên tiếp tục mất thời gian nghiên cứu rồi trình lên cấp trưởng của mình. Cấp trưởng này lại mất thời gian nữa mới trình lên được cấp phó phụ trách ở cơ quan cấp trên nữa… nên mất rất nhiều thời gian xử lý công việc.

Hay ở Sở Tài nguyên Môi trường, họ quản lý môi trường ở một thành phố thì tất cả trách nhiệm quản lý về tài nguyên môi trường là ông Giám đốc Sở phải chịu trách nhiệm chứ không phải đẩy lên ông Phó Chủ tịch Thành phố phụ trách.

Nếu làm được điều này thì ta nâng được trách nhiệm của ông Sở không đẩy việc lên Ủy ban và không có chuyện ông Phó Chủ tịch tỉnh biến thành một cấp. Như vậy bao nhiêu phó cũng không đủ.

Tôi cho rằng, trách nhiệm phải thuộc về người đứng đầu, đừng nói tôi không biết, không có chuyện đó, nếu ở các Bộ thì Bộ trưởng chịu trách nhiệm.

* Ông từng bày tỏ rõ quan điểm là chúng ta đã có những đột phá về thể chế kinh tế qua Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp thì cũng nên có bước tiến mạnh hơn trong dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương?

- Tôi rất thông cảm với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là trong điều kiện hiện nay về một số vấn đề tôi và một số đại biểu nêu chưa thực thi được, mà còn phải tiếp tục nghiên cứu. Cái mà chúng tôi muốn đề nghị là phải cải cách Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương trên một số lĩnh vực. Trong đó, quyền và trách nhiệm phải rõ ràng. Khi đọc luật người ta biết cái nào là Chính phủ, cái nào là địa phương.

Ở đây tôi muốn nói chúng ta bị một suy nghĩ "Chúng ta cần một nền hành chính thống nhất nhưng hiện nay lại quản lý theo kiểu đồng nhất".

Ví dụ một tỉnh 3 triệu dân khác tỉnh 1 triệu dân. Cái này từ thời phong kiến người ta cũng phân biệt rồi. Tỉnh lớn có ông Tổng đốc, tỉnh nhỏ có ông Tuần phủ. Nhưng chúng ta tổ chức đồng hóa, thành ra tỉnh này có sở này, ngành kia thì địa phương khác cũng y như vậy. Khi tổ chức mô hình quản lý mà đồng nhất không tính đặc điểm cũng giống như một loại lưới muốn bắt mọi loại cá.

Dường như quan điểm của ta thống nhất là đồng nhất. Đây là vấn đề cần xem xét lại.

* Mục tiêu rất lớn đặt ra khi xây dựng 2 dự án Luật này là xây dựng một chính phủ dân chủ, hiện đại thì phải công khai cho người dân kiểm tra, đảm bảo minh bạch. Điều này thể hiện như thế nào trong nội dung 2 dự Luật?

- Đó là điểm tương đối tiến bộ trong dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương: Tăng minh bạch, vai trò giám sát của dân, tôi cho là điểm tiến bộ. Nhưng muốn minh bạch, muốn rõ trách nhiệm thì phải xác định quyền và trách nhiệm minh bạch hơn mới dễ giám sát. Còn không rất khó làm.

* Về nhiệm vụ phòng chống tham nhũng có ý kiến cho rằng chưa được làm rõ trong 2 dự án Luật. Quan điểm của ông thì sao?

- Về cơ chế, trong dự Luật Phòng Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ là công cụ để xử lý vấn đề này. Còn hiện nay ta có cả ban chỉ đạo, Luật Phòng chống tham nhũng… Đó là nhiệm vụ quan trọng, tập trung nhưng chúng ta cũng không thể mang hết nội dung đó vào các luật này.

Tổ chức chính phủ là phổ biến chức năng, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, bộ máy chính phủ. Còn từng nhiệm vụ cụ thể ở luật khác. Còn quyết tâm hay không là ở việc làm chứ không phải đưa thêm vào luật này là chống tham nhũng được.

* Xin cảm ơn ông!

Sáng ngày 1/6, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Phiên họp chiều 1/6, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Hồng Chi (ghi)