Đảm bảo quyền lợi của khách hàng khi doanh nghiệp phá sản
Nguồn tiền nhàn rỗi của quỹ dùng mua trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh: Hà Phan

Chi trả tối đa 90% mức trách nhiệm của doanh nghiệp

Nghị định nêu rõ, quỹ được sử dụng để trả tiền bảo hiểm, giá trị hoàn lại; trả tiền bồi thường bảo hiểm; hoàn phí bảo hiểm theo quy định tại hợp đồng bảo hiểm theo đề nghị của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài mất khả năng thanh toán, doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản và thực hiện một lần đối với mỗi hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm, trả giá trị hoàn lại, trả tiền bồi thường bảo hiểm hoặc hoàn phí bảo hiểm…

Theo quy định mới, nếu doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phá sản hoặc mất khả năng thanh toán, quỹ sẽ chi trả tối đa 90% mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, nhưng không quá 200 triệu đồng/người được bảo hiểm/hợp đồng.

Tương tự, đối với hợp đồng bảo hiểm sức khỏe, quỹ chi trả tối đa 90% mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài nhưng không quá 200 triệu đồng /người được bảo hiểm/hợp đồng.

Đối với hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ, cụ thể hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, quỹ chi trả tối đa mức trách nhiệm của doanh nghiệp thuộc phạm vi bảo hiểm theo quy định pháp luật hiện hành. Ngoài ra, các hợp đồng bảo hiểm thuộc các nghiệp vụ bảo hiểm khác theo quy định pháp luật, quỹ chi trả tối đa 80% mức trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng.

Mức trách nhiệm đối với hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài gồm quyền lợi bảo hiểm được hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và phí bảo hiểm đã đóng tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm.

Nguồn tiền nhàn rỗi của quỹ chỉ được đầu tư tại Việt Nam

Nghị định cũng nêu rõ: Nguồn tiền nhàn rỗi của quỹ chỉ được thực hiện đầu tư tại Việt Nam để mua trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp được chính phủ bảo lãnh, gửi tiền tại các ngân hàng thương mại. Trong thời hạn 3 năm kể từ ngày Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực thi hành, toàn bộ số dư của Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm được thực hiện đầu tư tại Việt Nam để mua trái phiếu chính phủ.

Bộ Tài chính tự thực hiện hoặc ủy thác cho một tổ chức thực hiện đầu tư nguồn tiền nhàn rỗi của quỹ và tổ chức này phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thực hiện hoạt động nhận ủy thác đầu tư phù hợp với nội dung nhận ủy thác đầu tư. Trường hợp cần sử dụng quỹ, Bộ Tài chính sẽ thành lập hội đồng xem xét chi trả bảo hiểm theo quy định.

Các đối tượng được quỹ chi trả phải có tên trong bảng danh sách

Nghị định quy định, các đối tượng được quỹ chi trả tiền bảo hiểm, giá trị hoàn lại, trả tiền bồi thường bảo hiểm… phải có tên trong bảng thống kê danh sách kèm theo hồ sơ đã được Bộ Tài chính phê duyệt. Đồng thời, các đối tượng có các giấy tờ chứng minh quyền lợi hợp pháp đối với các khoản tiền chi trả của quỹ như: Thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, hợp đồng bảo hiểm…

Về thủ tục chi trả từ quỹ, nghị đinh nêu rõ, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phá sản hoặc mất khả năng thanh toán gửi Bộ Tài chính 1 bộ hồ sơ gồm: văn bản đề nghị sử dụng quỹ; văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về phương án phân chia giá trị tài sản của doanh nghiệp đối với trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản; bảng thống kê danh sách người được bảo hiểm và các hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm, giá trị hoàn lại…

Theo đó, trong vòng 14 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ của doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ thành lập hội đồng xem xét chi trả bảo hiểm theo quy định. Trong thời hạn 150 ngày, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ, hội đồng sẽ kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ yêu cầu chi trả tiền bảo hiểm, giá trị hoàn lại…, đồng thời xây dựng phương án chi trả tiền bảo hiểm.

Sau khi phương án chi trả tiền bảo hiểm được Bộ Tài chính phê duyệt, trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Tài chính chấp nhận phương án chi trả bảo hiểm, hội đồng sẽ thông báo công khai việc chi trả cho người được bảo hiểm trên các báo hàng ngày, đồng thời niêm yết danh sách các đối tượng được chi trả; nội dung thông báo phải nêu rõ địa điểm, thời gian, phương thức chi trả tiền của Quỹ”.

“Các đối tượng được quỹ chi trả tiền bảo hiểm, giá trị hoàn lại, trả tiền bồi thường bảo hiểm… phải có tên trong bảng thống kê danh sách kèm theo hồ sơ đã được Bộ Tài chính phê duyệt. Đồng thời, các đối tượng có các giấy tờ chứng minh quyền lợi hợp pháp đối với các khoản tiền chi trả của quỹ như: thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, hợp đồng bảo hiểm…” - nghị định quy định.

Tiền chậm nộp quỹ sẽ được tính bằng 0,03%/ngày

Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài còn nợ Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm, nghị định quy định doanh nghiệp phải chịu số tiền chậm nộp quỹ với mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm nộp quỹ và thời gian tính tiền chậm nộp quỹ được tính liên tục kể từ ngày nghị định này có hiệu lực đến ngày liền kề trước ngày số tiền được nộp vào ngân sách. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải hoàn thành việc nộp số tiền còn nợ quỹ và số tiền chậm nộp trước ngày 1/1/2024.