Đảm bảo thương mại thông suốt từ ngày đầu, tháng đầu năm mới
Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Văn Chung

Xuất khẩu tăng trưởng tích cực

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1/2024 ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 6,7% (tương ứng tăng 2,1 tỷ USD) so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2023, xuất khẩu tháng 1/2024 ước tăng 42% (tương ứng tăng 9,92 tỷ USD). Trong khi đó, nhập khẩu tháng 1/2024 ước đạt 30,65 tỷ USD, tăng 4,2% (tương ứng tăng 1,25 tỷ USD) so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2023, nhập khẩu tháng 1/2024 ước tăng 33,3% (tương ứng tăng 7,66 tỷ USD).

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1/2024 ước đạt 64,22 tỷ USD, tăng 5,5% (tương ứng tăng 3,35 tỷ USD) so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2023, tổng xuất nhập khẩu tháng 1/2024 ước tăng 37,7% (tương ứng tăng 17,58 tỷ USD). Như vậy, cán cân thương mại tháng 1/2024 ước xuất siêu 2,92 tỷ USD.

Thương mại thặng dư hơn 5,1 tỷ USD

Tính từ đầu năm đến 14/2/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 82,56 tỷ USD, tăng 17,1% (so với cùng kỳ năm 2023), với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt gần 43,83 tỷ USD, tăng 21,6% và nhập khẩu đạt 38,73 tỷ USD, tăng 12,4%. Cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư với con số xuất siêu hơn 5,1 tỷ USD.

Trong dịp nghỉ Tết Giáp Thìn năm 2024 (từ ngày 8 đến 14/2/2024), một số cửa khẩu quan trọng có hoạt động giao thương vẫn mở cửa. Theo đó, cả nước ghi nhận hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa, với gần 10.000 tờ khai đã được đăng ký tại 116 chi cục hải quan và tương đương thuộc 32 cục hải quan địa phương.

Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu trong dịp này đạt 1,41 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt 0,73 tỷ USD; nhập khẩu hàng hóa đạt 0,68 tỷ USD; xuất siêu 50 triệu USD.

Có 3 nhóm mặt hàng lớn nhất chiếm 82,3% tổng kim ngạch xuất khẩu dịp Tết Giáp Thìn là nhóm điện thoại các loại và linh kiện lớn nhất với 282,8 triệu USD, chiếm 38,7%; mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 263,6 triệu USD, chiếm 36,1%; mặt hàng máy móc, thiết bị đạt 54,4 triệu USD, chiếm 7,5%…

Ở chiều nhập khẩu, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có kim ngạch lớn nhất với 428,7 triệu USD, chiếm 63% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tiếp theo là nhóm mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 41,3 triệu USD, chiếm 6%, nhóm mặt hàng xăng dầu các loại đạt 41,3 triệu USD, chiếm 6%...

Khoảng 1 tuần tết, hàng hóa của Việt Nam đã xuất khẩu sang 77 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hoa Kỳ với 220,7 triệu USD, chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp theo là các thị trường: Trung Quốc với 186,9 triệu USD (chiếm 25,6%), Hàn Quốc với 71,2 triệu USD (chiếm gần 10%)...

Các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ 59 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó hàng hóa nhập khẩu nhiều nhất có xuất xứ từ Hàn Quốc với gần 239 triệu USD, chiếm 35,2% tổng kim ngạch nhập khẩu trong dịp Tết; hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc với 196,7 triệu USD (chiếm 29%), Campuchia từ 41,3 triệu USD (chiếm 6%), ...

Tiếp tục tạo thuận lợi thương mại

Chia sẻ vào những ngày đầu năm mới, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho hay, những nỗ lực của toàn ngành Hải quan đã giúp cho nền kinh tế trong nước tháng đầu năm 2024 đã có những dấu hiệu khởi sắc, xuất khẩu sau thời gian bị kìm hãm đã phục hồi khi nhu cầu thị trường thế giới tăng trở lại. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cũng tăng trưởng tốt.

Sự tăng trưởng này đã giúp cho tổng thu ngân sách của ngành Hải quan trong tháng 1 đạt 30.648 tỷ đồng, bằng 8,2% dự toán và tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Dù bắt đầu có những biểu hiện tích cực, song từ nay đến cuối năm 2024, dự báo khó khăn, thách thức còn rất lớn, khó lường. Đây là năm đột phá trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, là năm toàn ngành Hải quan triển khai cuộc “cách mạng lần thứ 2 về hiện đại hóa” hải quan, khối lượng công việc đặt ra là rất lớn, do đó lãnh đạo Tổng cục Hải quan quán triệt toàn ngành triển khai đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, giải pháp. Trong đó, cần tiếp tục tạo thuận lợi thương mại tối đa theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Luật Hải quan.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh vào việc tập trung hoàn thiện các nghị định như: nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử; nghị định sửa đổi Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; nghị định quy định thực hiện kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh hàng hóa, người và phương tiện vận tải theo cơ chế một cửa quốc gia…

Đồng thời, ưu tiên tăng cường quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp; tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan…

Đối với nhiệm vụ thu ngân sách, bám sát các chỉ tiêu về phát triển kinh tế-xã hội của đất nước để xây dựng các giải pháp thu ngân sách 2024 một cách hiệu quả, nỗ lực thu đạt và vượt chỉ tiêu dự toán được giao của cả năm.

ÔNG PHẠM XUÂN TRƯỜNG - TỔ TRƯỞNG TỔ CẢI CÁCH NGHIỆP VỤ HẢI QUAN (BAN CẢI CÁCH HIỆN ĐẠI HÓA HẢI QUAN - TỔNG CỤC HẢI QUAN):

Đảm bảo thương mại thông suốt từ ngày đầu, tháng đầu năm mới

Coi doanh nghiệp là đối tác tin cậy

Thời gian tới, ngành Hải quan sẽ đưa công tác phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp đi vào hiệu quả, thực chất.

Theo đó, các cục hải quan tỉnh, thành phố gắn các hoạt động đối tác hải quan - doanh nghiệp vào hoạt động nghiệp vụ thường xuyên, hàng ngày của đơn vị, luôn đồng hành cùng doanh nghiêp, coi doanh nghiệp là đối tác tin cậy.

Bên cạnh đó, các đơn vị luôn chủ động, đổi mới sáng tạo trong cách làm, cách thức tổ chức triển khai các hoạt động quan hệ đối tác phù hợp với tình hình, thực tế tại đơn vị; làm mới các hoạt động đối thoại, hợp tác để cộng đồng doanh nghiệp sẵn sàng tham gia hợp tác cùng cơ quan hải quan.

Đồng thời, cơ quan hải quan các cấp thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiêp trên địa bàn từ đó có các giải pháp phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp; chủ động phân tích, lựa chọn các vấn đề mang tính thời sự mà doanh nghiệp quan tâm để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời.

ÔNG JOHNATHAN HẠNH NGUYỄN - CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG THÀNH VIÊN TẬP ĐOÀN IPPG:

Đảm bảo thương mại thông suốt từ ngày đầu, tháng đầu năm mới

Mong muốn nhanh chóng thực hiện Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành

Để ngành Hải quan tiếp tục phát huy vai trò “người gác cửa nền kinh tế”, chúng tôi mong muốn ngành Hải quan có nhiều cải tiến, đột phá hơn nữa, đặc biệt lãnh đạo các cấp lưu tâm, xem xét tháo gỡ để hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, giúp đóng góp vào sự phát triển kinh tế trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Trong đó, chúng tôi mong muốn ngành Hải quan nhanh chóng thực hiện đề án cải thiện, cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, nhất là đối với những sản phẩm đã nổi tiếng trên thế giới; tăng tỷ lệ luồng xanh, giảm tỷ lệ luồng đỏ để doanh nghiệp nhanh chóng đưa hàng hóa ra thị trường sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, quan tâm đến đối tượng được hưởng chính sách miễn thuế và các chính sách đặc thù trong khu phi thuế quan. Đông Mai (ghi)