dịch vụ du lịch

Nghề dịch vụ là một trong những nghề mà thị trường lao động nước ngoài đang cần. Ảnh: Bùi Tư

Để đạt được mục tiêu này, theo ông Nguyễn Gia Liêm-Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), cần thực hiện những giải pháp đồng bộ, trong đó có việc đào tạo kỹ lưỡng về ý thức, kỷ luật cho người lao động trước khi đưa đi làm việc ở nước ngoài.

PV: Được biết, năm 2019 là năm đạt kỷ lục số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài từ trước đến nay, vậy kết quả cụ thể là như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Gia Liêm: Năm 2019 là năm có số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cao nhất từ trước tới nay, đạt 152.350 người lao động (trong đó có 54.700 người lao động nữ), tăng thêm 6,8% so với năm 2018 (142.860 người). Phần lớn người lao động đến làm việc ở các thị trường có thu nhập khá cao như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Rumani, chiếm 97,06% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm.

Nguyễn Gia Liêm
      Ông Nguyễn Gia Liêm

Cùng với đó, đội ngũ các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ngày càng tăng cả về lượng và chất, đóng góp rất lớn và quan trọng vào kết quả đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài nói trên.

PV: Thưa ông, bên cạnh những thuận lợi như ông vừa nói, hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài gặp phải những khó khăn, thách thức gì, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay?

Ông Nguyễn Gia Liêm: Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng còn gặp một số khó khăn, thách thức.

Trước hết là tình hình kinh tế thế giới nhìn chung tích cực, tuy nhiên tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn. Căng thẳng và xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn diễn ra gay gắt nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc, được đẩy lên cấp độ mới… đã tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế xã hội của các nước trong khu vực và trên thế giới, trong đó có những nước, thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam.

Bên cạnh đó, khủng hoảng chính trị, quân sự tại một số nước khu vực Trung Đông, Bắc Phi trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến an ninh, an toàn cho lao động Việt Nam tại các nước này, cũng như tác động tiêu cực đến việc hợp tác cung ứng và tiếp nhận lao động ta đến khu vực này.

Ngoài ra, việc cung ứng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chịu sự canh tranh gay gắt về chất lượng nguồn nhân lực giữa các nước. Thêm vào đó là sự hạn chế về trình độ kỹ năng, tay nghề, ngoại ngữ và ý thức tổ chức kỷ luật cũng là những khó khăn, thách thức đối với lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, trong đó tình trạng vi phạm pháp luật, hợp đồng của một bộ phận người lao động là những trở ngại ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát triển và mở rộng thị trường lao động ngoài nước cho lao động của chúng ta từ trước đến nay và thời gian tới.

PV: Được biết năm 2020, mục tiêu của Bộ LĐ-TB&XH sẽ đưa 130.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ LĐ-TB&XH có những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Gia Liêm: Để có thể tiếp tục mở rộng thị trường lao động mới, ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước hiện nay, cần tập trung thực hiện một số các giải pháp.

Trước mắt cần tập trung triển khai các thỏa thuận hợp tác với các nước, thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam. Đồng thời tiếp tục thúc đẩy, đàm phán ký kết mới, gia hạn hoặc sửa đổi các thỏa thuận hợp tác lao động với các nước như Liên bang Nga, Hàn Quốc và một số nước Đông Âu và các nước khác. Đặc biệt, quan tâm đến việc đàm phán ký kết hợp tác với CHLB Đức về tiếp nhận lao động có nghề.

Bên cạnh đó, cần tranh thủ mối quan hệ hợp tác tốt hiện nay giữa Việt Nam với các nước, tình hình phát triển kinh tế ổn định của các nước và khu vực, chính sách, pháp luật và nhu cầu đối với lao động nước ngoài để tận dụng thời cơ, cơ hội đưa lao động Việt Nam đến làm việc ở các thị trường có thu nhập khá, điều kiện làm việc tốt và đảm bảo an ninh, an toàn cho người lao động.

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển chọn, đào tạo người lao động trước khi đi đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo yêu cầu của bên tiếp nhận nước ngoài, đồng thời phối hợp quản lý và hỗ trợ người lao động, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, bảo vệ quyền lợi của người lao động trong thời gian ở nước ngoài.

Đặc biệt, cần phối hợp triển khai thực hiện các biện pháp đồng bộ, từ việc tuyển chọn đúng đối tượng lao động đi làm việc ở nước ngoài, đào tạo kỹ lưỡng người lao động nêu cao ý thức trách nhiệm cá nhân với cộng đồng, đất nước; có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp hành vi vi phạm của doanh nghiệp, người lao động nhằm hạn chế và ngăn ngừa tình trạng doanh nghiệp, người lao động vi phạm pháp luật, hợp đồng ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước nói chung và lĩnh vực này nói riêng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bùi Tư (thực hiện)