Thứ trưởng Cao Anh Tuấn: Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác Ngành Tài chính từng bước đem lại những cải tiến tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp

PV: Xin ông cho biết định hướng xây dựng các chính sách về hải quan trong thời gian qua?

Đặt lợi ích của doanh nghiệp lên hàng đầu khi xây dựng chính sách hải quan
Ông Nguyễn Bắc Hải.

Ông Nguyễn Bắc Hải: Khi xây dựng để ban hành các chính sách mới, ngành Hải quan luôn rà soát, ghi nhận, đánh giá từ thực tế để xác định nhu cầu cấp thiết của việc ban hành chính sách đó và đánh giá cụ thể tác động của chính sách đến các mặt kinh tế - xã hội, đến các đối tượng chịu tác động của chính sách.

Chúng tôi luôn tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức xin ý kiến rộng rãi bằng nhiều hình thức với nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp.

Chính vì vậy, các chính sách do cơ quan hải quan đề xuất ban hành luôn được đánh giá là tương đối sát với thực tế và có tính khả thi cao.

Để chính sách sát với thực tế và dễ ứng dụng, chúng tôi luôn song hành việc xây dựng chính sách với việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao hiểu biết pháp luật cho doanh nghiệp cũng như cán bộ, công chức hải quan.

Về tiêu chí ban hành chính sách, ngành Hải quan đặt việc tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí, thời gian làm thủ tục cho doanh nghiệp lên hàng đầu mỗi khi bắt tay xây dựng, ban hành một chính sách mới.

Năm 2020 và 2021, Tổng cục Hải quan đã nghiên cứu, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 5% số quy định và 5% chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh; đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 19/29 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 22/52 thành phần hồ sơ của các thủ tục công nhận kho, bãi, cảng, cửa hàng miễn thuế.

Ở chiều ngược lại, dĩ nhiên các chính sách đó cũng phải được xây dựng một cách minh bạch, khách quan, là công cụ đảm bảo công tác quản lý của cơ quan hải quan.

Từ việc minh bạch khách quan đó, các cơ quan khác có cơ sở đối chiếu, giám sát hoạt động của cơ quan hải quan cũng như doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định pháp luật.

PV: Trong thời gian tới, ngành Hải quan có định hướng như thế nào trong việc xây dựng chính sách để hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp, thưa ông?

Ông Nguyễn Bắc Hải: Năm 2023 là năm đầu tiên ngành Hải quan thực hiện Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do đó, những chính sách mà ngành Hải quan đã và đang xây dựng đều hướng tới chuyển đổi hệ thống thông quan điện tử hiện nay sang hệ thống hải quan số, hải quan thông minh.

Cơ quan hải quan luôn tham vấn ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật. Ảnh: TH.
Cơ quan hải quan luôn tham vấn ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật. Ảnh: TH.

Trong định hướng xây dựng pháp luật của ngành Hải quan tập trung chủ yếu vào một số điểm.

Thứ nhất là tập trung hóa, hiện đại hóa và tự động hóa các quy trình nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Trong đó chú trọng vào việc tăng cường công tác kiểm tra trước, sau thông quan; giảm tỷ lệ kiểm tra trong quá trình thông quan để giúp giảm thời gian thông quan hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thứ hai là nâng cao hiệu quả công tác điều tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Thứ ba là xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp và thông minh trên cơ sở hoàn thiện cơ sở vật chất như máy soi, hệ thống camera giám sát, các hệ thống tin học phục vụ giám sát.

Thứ tư là tinh giản bộ máy gọn nhẹ, giảm các đầu mối trung gian, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức.

Thứ năm là tăng cường công tác hợp tác quốc tế, hội nhập để tiến tới hải quan hiện đại.

Cuối cùng là cố gắng tăng cường các hoạt động nhằm thu lại những đánh giá tích cực từ phía cộng đồng doanh nghiệp đối với hải quan.

PV: Xin ông cho biết cụ thể hơn một số chính sách mà ngành Hải quan đang triển khai trước mắt?

Ông Nguyễn Bắc Hải: Hiện nay, chúng tôi đã trình Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định về kiểm tra chuyên ngành theo hướng cải cách nhiều hơn so với hiện nay.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan đang tích cực cải cách thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan thông qua việc sửa đổi, bổ sung các văn bản gồm Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Nghị định 59/2018/NĐ-CP, Thông tư 38/2015/TT-BTC, Thông tư 39/2018/TT-BTC...

Tất cả những chính sách này kỳ vọng sẽ đổi mới nhiều hơn nữa công tác quản lý về hải quan, phục vụ tốt hơn cho hoạt động của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cơ quan hải quan các cấp thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại, một mặt để doanh nghiệp có điều kiện phản ánh những vướng mắc về cơ chế, chính sách quản lý xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan; tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ, công chức hải quan khi thi hành công vụ. Mặt khác, từ đối thoại, cơ quan hải quan nắm bắt thông tin, kịp thời xây dựng các văn bản hướng dẫn và triển khai thực hiện trong toàn ngành.

Hồng Vân (thực hiện)