DATC linh hoạt, quyết liệt, sáng tạo hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2023
Nguồn: DATC Đồ họa: Văn Chung

Doanh thu đạt 123% kế hoạch

Theo báo cáo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của DATC diễn ra sáng 19/1, năm 2023, tổng doanh thu của DATC đạt 2.460 tỷ đồng, bằng 123% kế hoạch (Bộ Tài chính giao). Lợi nhuận trước thuế ước đạt 240 tỷ đồng, đạt 107% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước 165 tỷ đồng.

Đoàn kết, đồng lòng để phát triển

Chủ tịch HĐTV DATC Lê Hoàng Hải nhấn mạnh, một trong những giải pháp quan trọng để DATC vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian tới là sự đoàn kết, đồng lòng. Đó cũng chính là điều được nêu hàng đầu của phong trào thi đua mà Bộ Tài chính phát động là “đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo”…

Trong bối cảnh nền kinh tế luôn có nhiều biến động khó lường, thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt, chính sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm giữa các cá nhân, tập thể trong công ty, gắn liền với văn hóa dấn thân trong công việc sẽ là yếu tố hàng đầu giúp DATC phát triển bền vững, tiếp tục hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ Bộ, Chính phủ giao, Chủ tịch Lê Hoàng Hải khẳng định.

Trong năm hoạt động kinh doanh của DATC có phát sinh đột biến một số phương án có doanh số mua, doanh thu lớn, có phương án thực hiện thu nợ trước hạn đã góp phần để công ty hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh doanh. Đồng thời, công ty cũng được Bộ Tài chính chỉ đạo các cục, vụ có liên quan xây dựng, hoàn thiện về mặt thể chế, tạo tiền đề cho việc thực hiện các nhiệm vụ: phê duyệt Đề án cơ cấu lại DATC giai đoạn 2021-2025; Đề án chiến lược phát triển DATC giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch kinh doanh 5 năm giai đoạn 2021-2025… Bộ Tài chính cũng đã có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước đưa DATC là đối tượng điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi…

“Trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và thị trường tài chính nói riêng gặp nhiều khó khăn, kết quả đạt được là sự cố gắng nỗ lực và đầy quyết tâm của cả tập thể DATC, sự quan tâm và tạo điều kiện của Bộ Tài chính” - Phó Tổng giám đốc DATC Chu Ngọc Lâm khẳng định.

Cùng với thực hiện các hoạt động kinh doanh, việc thực hiện nhiệm vụ chính trị luôn được công ty đặt lên hàng đầu. Trong năm 2023, bám sát các nhiệm vụ chính trị được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính giao, DATC đã chủ động, tích cực, kịp thời báo cáo, kiến nghị giải pháp xử lý đối với các khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

Về hoạt động tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản loại trừ, trong các năm trở lại đây, tiến độ cổ phần hóa tại các bộ, địa phương còn chậm dẫn đến kết quả của hoạt động tiếp nhận có xu hướng ngày càng thấp. Cả năm 2023, cả nước không thực hiện cổ phần hóa được doanh nghiệp nào. Với phương châm phát sinh đến đâu, tiếp nhận đến đó, trong năm 2023, công ty đã hoàn thành thủ tục tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ tại 2 doanh nghiệp, với giá trị tiếp nhận là 78,2 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2004 đến 31/12/2023, công ty đã tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ của 2.726 doanh nghiệp, với giá trị tiếp nhận 6.287 tỷ đồng.

Mua và xử lý 9.756 tỷ đồng nợ xấu

Đối với hoạt động kinh doanh trọng tâm của DATC là mua, bán nợ và tài sản, ngay từ đầu năm, do đã dự báo trước được những diễn biến phức tạp, khó khăn của năm 2023 nên lãnh đạo công ty tập trung chỉ đạo, điều hành, quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt về mua bán xử lý nợ gắn với điều kiện, khả năng thực tế thanh toán nợ của khách nợ và để phù hợp với thực tế thanh toán, giúp các doanh nghiệp có cơ hội cơ cấu lại, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Được biết, DATC đã có sự thay đổi linh hoạt các phương thức mua và xử lý nợ để đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh. Sự linh hoạt này, kết hợp với việc xem xét lựa chọn chất lượng khoản nợ ngay từ khâu khảo sát, đánh giá khi xây dựng phương án đã giúp các đơn vị trong toàn công ty thực hiện thành công 12 phương án mua và xử lý nợ mới, trong đó nhiều phương án có giá trị rất lớn.

Kết quả năm 2023, DATC đã ký hợp đồng mua và xử lý 8.227 tỷ đồng và 63,2 triệu USD (tương đương khoảng 9.756 tỷ đồng) nợ xấu của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.

Doanh thu từ hoạt động mua bán xử lý nợ và tài sản là 2.264 tỷ đồng, đạt 125% kế hoạch (bằng 154% so với thực hiện năm 2022). Trong năm, công ty phát sinh một số phương án xử lý nợ có quy mô lớn, đóng góp vào kết quả chung của toàn công ty, đồng thời có một số phương án lớn đang thực hiện gối đầu cho năm sau.

Hiện nay các phương án mua bán nợ thường có giá trị lớn, tính phức tạp cao nên yêu cầu về tiến độ xử lý và quản trị rủi ro cao hơn để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của phương án. Điều này càng đặt ra cho DATC nhiều thách thức để đổi mới, sáng tạo trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm phù hợp với tình hình mới.

Bên cạnh những mặt đã hoàn thành tốt, lãnh đạo công ty cũng thẳng thắn nhìn nhận những mặt tồn tại cần phải khắc phục trong năm tới như đổi mới, nâng cao chất lượng công tác phân giao kế hoạch, công tác đào tạo, gắn việc trả lương với hiệu quả kinh doanh, công tác phối hợp giữa các đơn vị…

Tại hội nghị, đại diện các đơn vị, phòng ban trong công ty đã phát biểu, trình bày về kết quả tình hình hoạt động năm vừa qua, cũng như đóng góp các ý kiến, giải pháp cho việc đạt được các mục tiêu năm tới. Đại diện các cục, vụ của Bộ Tài chính tham dự hội nghị cũng đã trao đổi làm rõ về các vấn đề được nêu, khẳng định sự hỗ trợ, đồng hành để công ty tiếp tục hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động của DATC

Để thực hiện ngày càng tốt hơn các nhiệm vụ được giao và kế hoạch 2024 cũng như các năm tới, DATC đã đề xuất, kiến nghị tới Bộ Tài chính và các Cục/Vụ liên quan của Bộ Tài chính một số vấn đề cụ thể về chính sách đang là mối quan tâm hàng đầu của công ty.

Cụ thể, DATC đề nghị nghiên cứu đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung của dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 129/2020/NĐ-CP về chức năng nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động của DATC trong giai đoạn tới.

Đồng thời, Bộ Tài chính có giải pháp hoặc báo cáo Chính phủ có giải pháp để tháo gỡ những bất cập cho DATC khi tham gia thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ tái cơ cấu về tài chính cho Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC).

DATC cũng đề nghị được hỗ trợ và chỉ dẫn các công việc phát sinh khi xử lý số trái phiếu DATC trong nước giai đoạn 1 và hối phiếu DATC đến hạn; bố trí nguồn trả nợ trái phiếu DATC, hướng dẫn DATC thực hiện quyền chủ nợ khi phá sản SBIC.

Liên quan đến các luật vừa được thông qua, DATC đề xuất Bộ Tài chính tiếp tục có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước đối với các quy định có liên quan đến hoạt động của DATC khi xây dựng, ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); có ý kiến với Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với các quy định có liên quan đến hoạt động của DATC khi xây dựng, ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật đất đai (sửa đổi).

Trên cơ sở chủ trương bổ sung vốn điều lệ đã được Bộ Tài chính chấp thuận, DATC đề xuất được phép nghiên cứu, báo cáo đề án tăng vốn để đủ nguồn lực hoạt động trong thời kỳ mới theo cơ chế đặc thù phù hợp tính chất của hoạt động mua và xử lý nợ.

Mặt khác, DATC cũng mong muốn được chấp thuận cho thí điểm xử lý nợ các dự án sử dụng vốn nhà nước kém hiệu quả thông qua DATC để tăng khả năng thu hồi vốn cho Nhà nước.