Kinh nghiệm DATC qua hơn 20 năm trong lĩnh vực xử lý nợ và tài sản
Mới đây, tại trụ sở Công ty, DATC đã có buổi làm việc chuyên môn với Đoàn công tác do ông Mauricio Jaramillo-Jassir – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Colombia làm Trưởng đoàn. Cùng tham gia đoàn công tác có bà Camila Pole Flórez - Đại sứ Colombia tại Việt Nam và các thành viên đại diện Đại sứ quán Colombia, Trưởng đại diện Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC).
Đón tiếp đoàn có ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, ông Phạm Mạnh Thường – Tổng Giám đốc DATC, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị DATC.
![]() |
DATC đã có buổi làm việc chuyên môn với Đoàn công tác. |
Tại buổi làm việc ngày 16/4, Tổng Giám đốc DATC đã giới thiệu tổng quan về mô hình hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của Công ty. Trong hơn 20 năm hình thành và phát triển, DATC luôn thể hiện vai trò là công cụ quan trọng của Chính phủ trong lĩnh vực xử lý nợ và tài sản, hỗ trợ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sở hữu, tái cơ cấu doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Từ kinh nghiệm đã có và năng lực được tích lũy qua hơn 20 năm, DATC đang có kế hoạch phối hợp Thanh tra Bộ Tài chính thực hiện chương trình nghiên cứu về các giải pháp nâng cao hiệu quả, quản lý, bảo quản, khai thác và xử lý tài sản hình thành trước, trong và sau quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án kinh tế, buôn lậu, tham nhũng, tiêu cực để đề xuất, khuyến nghị cơ chế chính sách cho các cơ quan nhà nước. |
Đặc biệt, DATC đã được Chính phủ, Bộ Tài chính tin tưởng giao thực hiện xử lý nợ để hỗ trợ cổ phần hóa, tái cơ cấu nhiều Tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp Nhà nước. Qua đó, hỗ trợ phục hồi hoạt động cho các doanh nghiệp mất cân đối tài chính, đưa các tài sản, dự án trở lại hoạt động bình thường, tránh lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực của xã hội, tạo việc làm và an sinh xã hội cho nhiều địa phương trên cả nước.
Cũng theo ông Phạm Mạnh Thường cũng cho biết, thời gian vừa qua, Việt Nam đang đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng và các hành vi buôn lậu, hàng giả và các vụ án kinh tế... Từ đó, có tình trạng các tài sản liên quan chưa được bảo quản, sử dụng, khai thác gây lãng phí, thất thu cho Nhà nước và xã hội.
Việc tận dụng, khai thác tài sản tạm giữ hay thu hồi từ các vụ án là rất quan trọng để các tài sản này không rơi vào tình trạng “ngủ đông” mà được tiếp tục chuyển hóa thành nguồn lực hữu ích cho phát triển kinh tế xã hội.
Mô hình tiên tiến về quản lý tài sản thu hồi của Colombia
Là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong xử lý tài sản liên quan đến các vụ án, đặc biệt là các vụ án ma túy, kinh tế, tham nhũng, Columbia nhiều năm qua đã đẩy mạnh cải cách hành chính, pháp luật và hệ thống tư pháp nhằm nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng. Một trong những nội dung trọng tâm là xây dựng cơ chế minh bạch và hiệu quả để xử lý khối lượng lớn tài sản bị tịch thu, tăng cường nguồn thu cho Nhà nước thay vì để chúng thất thoát hoặc bị bỏ hoang. Nước này đã thành lập các cơ quan chuyên trách trong việc quản lý tài sản thu hồi, kết hợp giữa tư pháp, hành chính và các công cụ tài chính - kế toán hiện đại.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Columbia Mauricio Jaramillo-Jassir, Columbia đã phối hợp chặt chẽ với UNODC để phát triển khung pháp lý và cơ chế thực thi hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm. Ngay cả khi các vụ án đang trong giai đoạn điều tra, các tài sản bị phong tỏa vẫn được giao cho doanh nghiệp chuyên trách quản lý và khai thác, đảm bảo giá trị tài sản được duy trì và tạo ra nguồn thu cho Nhà nước.
“Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với DATC thông qua các chương trình tập huấn, hội thảo đào tạo, khảo sát mô hình… để hỗ trợ DATC cũng như Việt Nam hoàn thiện cơ chế xử lý tài sản công” - ông Mauricio Jaramillo-Jassir chia sẻ.
Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm đến công tác xử lý tài sản từ các vụ án, vụ việc
Tại cuộc làm việc, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Nguyễn Thanh Bình chia sẻ, Việt Nam đang hoàn thiện hệ thống pháp lý và cơ chế thực thi trong lĩnh vực xử lý tài sản liên quan các vụ án, vụ việc.
“Hiện Bộ Tài chính đang rất quan tâm đến công tác xử lý tài sản thu hồi từ các vụ án, đặc biệt là các vụ án tham nhũng. Phía Việt Nam rất mong muốn nhận được sự tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm của Colombia về cơ chế chính sách, hành lang pháp lý để thu hồi được tài sản, đưa vào khai thác sử dụng, các trường hợp đã được xử lý thành công, mang lại nguồn thu cho Nhà nước” - ông Nguyễn Thanh Bình cho hay.
![]() |
DATC và đoàn công tác Colombia đã thống nhất sẽ tiếp tục duy trì kênh trao đổi và chia sẻ thông tin về lĩnh vực xử lý tài sản công. |
Kết thúc buổi làm việc, DATC và đoàn công tác Colombia đã thống nhất sẽ tiếp tục duy trì kênh trao đổi và chia sẻ thông tin về lĩnh vực xử lý tài sản công. Tổng Giám đốc DATC cho biết sẽ báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền để tổ chức các chương trình trao đổi chuyên đề, hợp tác nghiên cứu, đào tạo giữa DATC và các cơ quan chức năng của Colombia
Đoàn công tác Colombia đánh giá cao đề xuất của DATC và cho biết sẽ báo cáo kết quả buổi làm việc với cơ quan chức năng tại Colombia thúc đẩy việc xây dựng một cơ chế hợp tác chính thức, thiết thực và lâu dài giữa hai bên.
Buổi làm việc do DATC tổ chức không chỉ là dịp để DATC học hỏi kinh nghiệm quốc tế về quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản xã hội mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược của DATC trong việc nâng cao năng lực chuyên môn và mở rộng hoạt động. Sự kiện đã góp phần khẳng định vai trò tích cực của DATC trong việc đổi mới, ứng dụng kinh nghiệm quốc tế vào thực tiễn tại Việt Nam và chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực xử lý tài sản, góp phần hạn chế lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực của xã hội. |