Dấu ấn lịch sử của “Xưởng in tiền di động” trên vùng đất Nam Bộ
Học sinh về nguồn ôn lại truyền thống tại Di tích Bia kỷ niệm Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ. Ảnh tư liệu

Ra đời Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ

Giấy bạc Cụ Hồ là cách gọi nôm na của người dân Việt Nam đối với đồng tiền tài chính của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, công việc kiến quốc, tổ chức sản xuất, lưu thông tiền tệ, trở nên bức bách đối với nhà nước cách mạng. Khi việc in và phát hành đồng tiền tài chính tại Bắc Bộ, Trung Bộ đã mang lại kết quả tích cực, Chính phủ chủ trương tiếp tục tổ chức in và phát hành Giấy bạc Tài chính Việt Nam ở Nam Bộ phục vụ cho thời kỳ kháng chiến. Trên cơ sở Sắc lệnh số 102/SL của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ được thành lập.

Từ năm 1946 đến năm 1952, việc in và phát hành giấy bạc Cụ Hồ ở miền Bắc và miền Trung khá thuận lợi, riêng Nam Bộ khó khăn hơn do xa Trung ương và chiến tranh lan rộng. Năm 1948, Chính phủ chỉ thị cho Cơ quan Ấn loát Trung ương đưa 4 đồng chí: Hồ Văn Thế, Hoàng Phương, Nguyễn Ðình Tâm và Nguyễn Ðình Thư từ Việt Bắc; 2 đồng chí Nguyễn Thực và Tống Lợi ở Sở Ấn loát Tài chính Trung Bộ từ Hà Tĩnh cùng với công nhân mang theo 500 khuôn mẫu vào Nam để tổ chức in tiền.

Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ được lập tại chiến khu bưng biền Ðồng Tháp Mười thuộc huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, do phái viên Chính phủ tại Nam bộ là kỹ sư Ngô Tấn Nhơn - Bộ trưởng Bộ Canh nông thời đó - trực tiếp làm Trưởng Ban, luật sư Nguyễn Thành Vĩnh làm Phó Ban và các đồng chí Kha Vạng Cân, họa sĩ Huỳnh Văn Gấm (đại biểu Quốc hội khóa I), Lê Văn Lưỡng (nguyên Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Nam bộ), Hồ Văn Thế (nguyên phái viên của Bộ Tài chính) làm ủy viên. Để an toàn trước mắt địch, Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ đổi tên là “Ban Trồng tỉa số 10” đóng tại rừng tràm Cái Bèo, chiến khu Ðồng Tháp Mười. Ðầu năm 1949, “Ban Trồng tỉa số 10” lập thêm phân ban mới tại Gò Bún, Kinh Dương, Văn Dương thuộc chiến khu Ðồng Tháp Mười.

Dấu ấn lịch sử của “Xưởng in tiền di động” trên vùng đất Nam Bộ
Một số mẫu giấy bạc và tiền tài chính in và phát hành tại Nam bộ. Ảnh tư liệu,

“Xưởng in tiền di động”

Việc in giấy bạc Tài chính giữa rừng tràm U Minh gặp vô vàn khó khăn, nhất là từ năm 1949, khi địch mở rộng đánh phá sâu vào nhiều nơi, nhiều lần bắn phá càn quét cơ sở cách mạng ở vùng căn cứ Ðồng Tháp Mười. Lúc này do yêu cầu của kháng chiến nên Ban Ấn loát đã tách một bộ phận là Phân ban B dời đến địa điểm mới là rừng U Minh để đảm bảo an toàn, bí mật. Ðể không bị lộ, Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ phải vận chuyển máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu theo các kênh, rạch, qua nhiều tỉnh miền Tây Nam bộ từ 1 - 2 tháng mới đến vùng Sác, U Minh, tỉnh Cà Mau. Giai đoạn này, nhiều cán bộ đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Đến căn cứ mới an toàn hơn nhưng việc in ấn lại khó khăn gấp nhiều lần do nền đất sình lầy máy móc dễ bị rung lắc. Đặc thù đất U Minh chỉ có một thứ nước màu nâu, việc sản xuất giấy bạc tưởng là bất lợi hóa ra là một lợi thế, giấy in ra giấy bạc có ngôi sao hình chìm màu nâu rất khó làm giả.

Sau khi nhập được một số máy móc, thiết bị, hóa chất mới của Nhật Bản quá cảnh qua Thái Lan về miền Tây Nam Bộ, các loại giấy bạc Cụ Hồ mệnh giá 1 đồng, 5 đồng, 20 đồng, 50 đồng cho đến 100 đồng được in ra với số lượng lớn, màu sắc sáng hơn, hình ảnh sắc sảo hơn.

Năm 1949, khu vực U Minh tỉnh Cà Mau liên tục bị địch ném bom, dùng xe lội nước càn quét các cơ sở cách mạng. Năm 1950 đến 1952, toàn bộ Phân ban B từ rừng U Minh chuyển sâu xuống rừng đước Năm Căn, sau đó bị lộ lại chuyển ngược về lại sông Cái Tàu rừng U Minh và liên tục di chuyển giữa rừng đước với rừng tràm trong làn bom đạn ngày đêm không ngớt. Hàng nghìn tấn thiết bị, vật tư của cơ sở in chủ yếu vận chuyển bằng ghe xuồng, cứ ngày nghỉ đêm di chuyển. Địch bắn phá, ta chia nhỏ cơ sở in tiền ra làm nhiều nơi, Phân ban D là một phần của Phân ban B mọc lên ở vùng Tân Đức, Đầm Dơi do đồng chí Nguyễn Thực - nguyên cán bộ lãnh đạo của cơ quan Ấn loát Tài chính Trung bộ được cử vào Nam tổ chức chỉ đạo in tiền.

Để có được những tờ giấy bạc Cụ Hồ lưu hành ở miền Nam thời ấy, cán bộ, công nhân viên Ấn loát đặc biệt Nam bộ đã nỗ lực lao động và sáng tạo, không quản mọi gian nguy. Số lượng cán bộ lúc đầu từ 100 rồi lên 200 người, lúc cao điểm có hơn 400 người ngày đêm làm việc, bất chấp gian khổ nắng mưa và bom đạn của quân thù. Đầu năm 1954, Xứ ủy Nam bộ chủ trương in và phát hành loại giấy bạc 200 đồng và 500 đồng. Đến giữa năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, lúc này giấy bạc 200 đồng đã in xong nhưng chưa kịp phát hành do thực hiện việc tập kết, chuyển quân. Riêng giấy bạc 500 đồng vẫn còn nằm trên bản vẽ.

Kết thúc một chặng đường, hoàn thành sứ mệnh lịch sử được giao phó, đồng tiền Nam Bộ - giấy bạc Cụ Hồ trong những tháng năm kháng chiến đã để lại một mốc son lịch sử quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với toàn dân tộc.

Khẳng định chủ quyền về kinh tế tài chính của quốc gia Việt Nam độc lập

Dù gặp nhiều khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị, khuôn mẫu và thiếu điện nhưng nhờ sự chủ đạo trực tiếp, sáng tạo của Ủy ban Kháng chiến hành chính và Sở Tài chính Nam bộ, Ban Ấn loát Nam Bộ đã vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi chủ trương in và phát hành Giấy bạc Tài chính ở Nam Bộ để tạo nguồn lực tài chính phục vụ đắc lực cho công cuộc kháng chiến của dân tộc, khẳng định chủ quyền về kinh tế tài chính của quốc gia Việt Nam độc lập.