Nhiều công trình trọng điểm đưa vào khai thác

Tại báo cáo thực hiện Nghị quyết 74/2022/QH15 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ Tài chính đã nêu rõ tình hình đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án công trình trọng điểm sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác, sớm đưa vào khai thác, sử dụng các dự án đã hoàn thành nhiều năm, góp phần thực hành tiết kiệm, không để lãng phí.

Đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí
Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 hiện đã hoàn thành và đưa vào khai thác 6/11 dự án thành phần dài 425 km.

Ngay từ đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án sử dụng vốn đầu tư công để bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án.

Thời gian qua, đã có nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, chấn chỉnh, phê bình được ban hành, đồng thời yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, xây dựng kế hoạch thi công gắn với từng mốc thời gian cụ thể làm cơ sở theo dõi, chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thanh toán cho nhà thầu. Đồng thời, các văn bản yêu cầu các nhà thầu huy động tối đa các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, nhưng tuyệt đối không vì tiến độ mà đánh đổi chất lượng.

Cũng theo Bộ Tài chính, thời gian qua đã tăng cường, chủ động thực hiện công tác kiểm tra hiện trường các dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành Giao thông vận tải để đôn đốc tiến độ, phát hiện kịp thời các khiếm khuyết, bất cập trong công tác tổ chức thi công, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục.

Có thể đơn cử như: Bộ Giao thông vận tải đã nghiệm thu công trình xây dựng để đưa vào khai thác sử dụng 4 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (Mai Sơn - QL45, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây): phối hợp với Chủ đầu tư dự án hoàn thành đưa vào khai thác Nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không Phú Bài.

Bộ Giao thông vận tải cũng đã thường xuyên đôn đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam triển khai thi công dự án nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không Điện Biên, Cát Bi, Cảng HKQT Long Thành. Đã cơ bản hoàn thành từng phần và bàn giao đưa vào khai thác sử dụng theo kế hoạch 2 dự án (Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh; Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang).

Ngoài ra, đã khởi công 3 dự án (Cải tạo nâng cấp đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh đoạn Hà Nội - Vinh, đoạn Vinh - Nha Trang và cải tạo các ga trên các tuyến đường sắt phía Bắc); phối hợp với UBND TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội và Bến Thành - Suối Tiên.

Phấn đấu hết năm 2023 giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95%

Vào trung tuần tháng 3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí
Nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không Phú Bài đi vào hoạt động với công suất 5 triệu khách mỗi năm.

Bộ Tài chính đã ban hành văn bản để tăng cường quản lý, thanh toán để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Định kỳ tổng hợp, báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSNN hàng tháng của các bộ, cơ quan trung ương. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề xuất các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế chi đầu tư phát triển 11 tháng năm 2023 ước đạt khoảng 461 nghìn tỷ đồng, bằng 63,4% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; tăng 36,3% (khoảng 122,7 nghìn tỷ đồng) so cùng kỳ.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 511/TB-VPCP kết luận của Thường trực Chính phủ tại hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Theo đó, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hết niên độ ngân sách năm 2023, trong khi khối lượng vốn chưa giải ngân còn khá lớn. Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, nêu cao tinh thần trách nhiệm vì nước vì dân; quyết tâm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn được giao.

Quan điểm chỉ đạo của Thường trực Chính phủ là quán triệt nghiêm túc, triển khai quyết liệt, hiệu quả các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các nghị quyết, kết luận của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công.

Đồng thời, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp, các ngành; đẩy mạnh giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Trong bối cảnh khó khăn, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm sinh kế cho người dân, nâng cao đời sống của nhân dân./.

Đầu tư công cần "bung" ra mạnh mẽ hơn nữa

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, tham góp ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua. Có ý kiến cho rằng, vốn đầu tư công là nguồn lực, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao nhất của năm 2023, đầu tư công cần “bung ra” mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, để tăng tổng cầu của nền kinh tế.

Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục có giải pháp quyết liệt hơn nữa tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, nhất là công tác giải phòng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, giải ngân vốn đầu tư công; cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư, giải ngân; rà soát, đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư công và có chế tài cụ thể, xác định rõ quyền và trách nhiệm của cơ quan giám sát để kịp thời ngăn chặn các khoản đầu tư vào các dự án không hiệu quả, chưa cần thiết và gây lãng phí.

Bên cạnh đó, cần chủ động rà soát để điều chuyển vốn sớm ngay từ đầu năm theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, còn thiếu vốn theo quy định; đẩy nhanh các thủ tục đầu tư dự án.