Hãng phim truyện Việt Nam - một trong những doanh nghiệp gây ra nhiều tranh cãi sau cổ phần hoá

Hãng phim truyện Việt Nam - một trong những doanh nghiệp gây ra nhiều tranh cãi sau cổ phần hoá.

Có quyền nhất định, chứ không đủ quyết định

Dư luận những ngày qua tiếp tục nóng lên trước sự tranh cãi nảy lửa ở VFS giữa lãnh đạo nhà đầu tư chiến lược - Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) và văn nghệ sĩ - những người đã gắn bó với hãng phim trước khi CPH. Báo chí tường thuật chỉ sau 3 tháng CPH, người lao động gần như mất hết quyền cơ bản khi bị chửi là Chí Phèo, đến cơ quan chỉ tốn điện... Chưa bàn đúng sai của các bên nhưng rõ ràng, mục tiêu để người lao động làm chủ DN đã không thực hiện được.

Theo chính sách CPH, người lao động trong DN có quyền tìm hiểu, lựa chọn ông chủ của mình (cổ đông chiến lược). Điều này đặc biệt quan trọng đối với các ngành nghề văn hóa – nghệ thuật - thể thao. Vì những ngành này, tài sản là con người, chất xám chứ không phải là cái nhà, cái cửa. Con người là tài sản thì tài sản ấy phải có người biết sử dụng. Nếu chọn ông chủ không biết sử dụng thì tình trạng cơm không lành, canh không ngọt là khó tránh và kết quả là DN không phát triển được. Vì thế, bao giờ cũng có buổi phổ biến quy trình CPH cho tập thể công nhân viên chức. Khi xác định giá trị DN xong lại tiếp tục phổ biến phương án CPH cho người lao động. Trong phương án đó nói rõ cổ đông là ai, thế mạnh của cổ đông là gì để người lao động cho ý kiến. Từ đó, đối chiếu với việc CPH VFS, một số chuyên gia cho rằng ở đây có trách nhiệm cả phía người lao động. Vì lúc CPH, họ có quyền tranh cãi, có ý kiến, nhưng đã không nói ngay để đến khi người khác đã nắm quyền các nghệ sĩ mới phản ánh thì khó cho cơ quan quản lý nhà nước, khó cho cả nhà đầu tư. Cùng với người lao động, tổ chức công đoàn cũng phải thể hiện tiếng nói trong việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động, bảo vệ cho quá trình CPH diễn ra đúng định hướng, đúng pháp luật.

Như vậy, có thể thấy người lao động có một số quyền nhất định, nhưng không đủ để quyết định. Khoản 3, Điều 6, Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần nêu rõ: “Ban Chỉ đạo CPH DN trình cơ quan có thẩm quyền quyết định... việc bán cổ phần lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược và tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược”. Rõ ràng, thẩm quyền ở đây thuộc về “ban chỉ đạo CPH và cơ quan có thẩm quyền”. Trong khi đó, cũng không có quy định nào nêu rõ phải có bao nhiêu phần trăm người lao động đồng ý ban chỉ đạo và cơ quan có thẩm quyền mới được chọn nhà đầu tư chiến lược. Điều này có nghĩa là ý kiến có thể không được ghi nhận cũng khó quy trách nhiệm cho đơn vị có quyền lựa chọn “ông chủ mới” trong trường hợp chọn nhầm, chọn sai...

Về quyền làm chủ sau khi CPH, hiện nay dù có chủ trương bán cổ phần ưu đãi cho người lao động và các tổ chức công đoàn. Theo báo cáo của Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), 9 tháng năm 2017, có 34 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH. Vốn điều lệ của 34 đơn vị là 25.873 tỷ đồng, bán cho người lao động 205 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 20 tỷ đồng. Tỷ lệ này là không cao so với cổ đông chiến lược, cổ đông nhà nước... Điều đáng quan tâm hơn là số thực sự sở hữu của người lao động có thể thấp hơn nhiều do không đủ tiềm lực tài chính để mua nên thường sang nhượng ngay để lấy tiền. Và như thế, quyền làm chủ của họ cũng xa dần.

Tiếp tục tăng quyền cho người lao động

Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, cùng một số quy định khác, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP đã sửa đổi một số quy định nhằm tăng thêm quyền cho người lao động. Theo quy định hiện hành, chỉ người lao động tại công ty mẹ được mua cổ phần ưu đãi khi CPH công ty mẹ. Dự thảo lần này điều chỉnh theo hướng người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của DN tại thời điểm công bố giá trị DN (bao gồm cả người lao động tại các công ty con do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ - DN cấp II - chưa được hưởng chính sách mua cổ phần ưu đãi tại các DN khác) được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực nhà nước. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định điều chỉnh theo hướng người lao động được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực nhà nước với giá bán bằng 60% giá trị một (01) cổ phần tính theo mệnh giá (10.000 đồng/cổ phần), phần giá trị ưu đãi này được trừ vào vốn nhà nước khi quyết toán và người lao động phải bỏ tiền để thanh toán 60% giá trị một cổ phần theo mệnh giá.

Không chỉ đối với CPH, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng có kiến nghị bổ sung việc bán ưu đãi cổ phần cho người lao động trong DN khi Nhà nước thực hiện thoái vốn nhà nước tại công ty cổ phần. Tuy nhiên, theo Cục Tài chính DN, việc này khó thực hiện vì quy định pháp luật hiện hành không cho phép. Theo đó, khoản 2 Điều 39 Luật số 69/2014/QH13 quy định: Việc chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán; việc chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán thực hiện đấu giá công khai. Trường hợp đấu giá công khai không thành công thì thực hiện chào bán cạnh tranh. Trường hợp chào bán cạnh tranh không thành công thì thực hiện theo phương thức thỏa thuận... Như vậy, việc đề xuất các nội dung ưu đãi đối với người lao động khi thực hiện thoái vốn nhà nước tại công ty cổ phần như kiến nghị của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam là chưa phù hợp với quy định của Luật số 69/2014/QH13.

Hà Minh