Đánh thuế thấp sẽ gây nhiều hệ lụy xã hội
Theo Bộ Tài chính, bia và rượu đã được tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo lộ trình từ năm 2016 đến 2018. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh. Thuế với rượu, bia ở Việt Nam theo tính toán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước tỷ lệ thuế chiếm 40 - 85% giá bán lẻ.
Tại Việt Nam, rượu, bia xếp thứ 5 trong 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu và gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng như tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình... Do vậy, Bộ Tài chính cho rằng việc sử dụng rượu, bia cần được tiếp tục kiểm soát hơn nữa.
Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, thuốc lá nhận được nhiều đồng thuận. Ảnh: TL |
Góp ý vào dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi) được Bộ Tài chính xây dựng, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, thuế TTĐB góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng của xã hội, điều tiết thu nhập của người tiêu dùng và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Ông Tuấn cho rằng, một sắc thuế TTĐB tốt thì ngoài các mục tiêu trên còn cần tính tới các yếu tố như tính khả thi, tính tuân thủ, cạnh tranh bình đẳng, tính tin cậy, dự báo trước được và phù hợp với thông lệ quốc tế.
“Tăng thuế TTĐB với rượu, bia và thuốc lá nhằm hạn chế sử dụng sản phẩm có hại là rất đáng hoan nghênh. Lộ trình tăng thuế cần xem xét tính phù hợp để các doanh nghiệp điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh, vừa ổn định sản xuất, vừa đóng góp nguồn thu cho Nhà nước” - ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.
Đồng thuận với quan điểm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá là cần thiết, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc áp thuế TTĐB với rượu, bia, thuốc lá cao hơn hiện nay sẽ không ảnh hưởng quá lớn tới doanh nghiệp sản xuất, chỉ làm tăng giá sản phẩm, nhằm định hướng tiêu dùng...
Việt Nam là nước có mức thuế TTĐB đối với thuốc lá thấp gần nhất trong khu vực ASEAN (chỉ cao hơn Campuchia, Lào và Myanmar) và rất thấp so với các nước trong khu vực như Brunei 81%, Thái Lan 70%, Singapore 69%... Thuế với thuốc lá thấp làm giá thuốc lá rẻ. Giá thuốc lá rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo, giảm hiệu quả của công tác phòng chống tác hại của thuốc lá. |
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, đề xuất tăng thuế hoàn toàn hợp lý và đáng lẽ phải thực hiện từ lâu. Đây là giải pháp trực tiếp làm giảm lượng tiêu thụ những loại hàng hóa không có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng.
"Hiện mức thuế tiêu thụ đặc biệt với các loại bia, rượu, thuốc lá của Việt Nam còn quá thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Cụ thể, thuế TTĐB với thuốc lá ở Việt Nam hiện đang áp dụng, tỷ lệ ở mức 75% tính trên giá xuất xưởng (giá bán ra của nhà sản xuất hay nhập khẩu). Tỷ lệ này tính theo giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 38,85%" - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh dẫn chứng.
Hiện nay rượu, bia, mức áp thuế TTĐB cũng ở mức thấp, chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước, tỷ lệ thuế chiếm 40-50%. “Yêu cầu cần phải sửa đổi, bổ sung thuế TTĐB để giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế tiêu dùng hàng hoá có hại cho sức khoẻ” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Hạn chế hàng hóa gây hại sức khỏe bằng công cụ thuế
Đề xuất tăng thuế TTĐB đối với rượu, bia, thuốc lá được giới luật sư và chuyên gia quốc tế đồng thuận đánh giá cao. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội, sức khỏe, nguồn nhân lực.
Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), bản chất của việc đánh thuế TTĐB là để Nhà nước điều tiết thu nhập của người tiêu dùng vào ngân sách một cách công bằng, hợp lý; từ đó đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước; đồng thời thực hiện chức năng hướng dẫn, điều chỉnh việc sản xuất kinh doanh đối với các hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ, chưa thật cần thiết cho nhu cầu xã hội.
"Rượu, bia, thuốc lá là các mặt hàng có lượng tiêu thụ cao trong xã hội, tuy nhiên lại là các mặt hàng có hại cho sức khỏe, tiềm ẩn nhiều rủi ro đến sức khỏe con người, an ninh trật tự xã hội. Trong thời gian vừa qua có rất nhiều các vụ việc xảy ra liên quan đến việc sử dụng rượu, bia. Vì thế, Nhà nước cần tăng cường quản lý, kiểm soát một cách tập trung, chặt chẽ đối với loại hàng hóa này thông qua việc tăng thuế" - luật sư Hùng chia sẻ.
Tăng thuế TTĐB vởi rượu, bia, thuốc lá nhận được nhiều đồng thuận. Ảnh: TL |
Ông Patricio V. Marquez - nguyên chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho rằng, ngày càng có nhiều sự đồng thuận tại các quốc gia phát triển, trong đó có Việt Nam về sự cần thiết của chính phủ trong việc tăng cường kiểm soát thuốc lá để bảo vệ người dân khỏi những nguy cơ sức khỏe liên quan đến việc sử dụng thuốc lá.
Ước tính có 40.000 người chết sớm mỗi năm ở Việt Nam do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Ở Việt Nam, cũng như ở các quốc gia khác trên thế giới, các bệnh liên quan đến hút thuốc gây thiệt hại hàng triệu đô la mỗi năm, cả về chi phí y tế trực tiếp và thiệt hại về năng suất, gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho các hộ gia đình và chính phủ.
Theo ông Patricio V. Marquez, cải cách thuế thuốc lá được đề xuất ở Việt Nam, được coi là một phần của cải cách tài khóa rộng lớn hơn, qua đó đạt được lợi ích tăng thu ngân sách, hạn chế gây hại cho sức khỏe người dân...
Hiện nay rượu, bia, mức áp thuế TTĐB cũng ở mức thấp, chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước, tỷ lệ thuế chiếm 40-50%. “Yêu cầu cần phải sửa đổi, bổ sung thuế TTĐB để giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế tiêu dùng hàng hoá có hại cho sức khoẻ” – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh. |