Đề xuất thay đổi phương thức quản lý xuất, nhập khẩu tại chỗ
Công chức hải quan kiểm tra sau thông quan kho hàng vải nhập khẩu. Ảnh Văn Tá.

Băn khoăn cơ sở pháp lý về xuất, nhập khẩu tại chỗ

Thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp (DN) về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Cơ quan soạn thảo kiến sẽ trình Chính phủ ban hành trong năm 2024, có hiệu lực từ đầu năm 2025, đồng bộ với việc cơ quan hải quan thực hiện dự án Hải quan số, Hải quan thông minh.

Tạo điều kiện trong quá trình chuyển tiếp

Ghi nhận phản hồi trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, các DN có kiến nghị rằng, trong trường hợp sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến loại hình xuất nhập khẩu tại chỗ thì cơ quan hải quan tạo điều kiện cho DN trong quá trình chuyển tiếp. Tổng cục Hải quan đã đưa ra các phương án thay thế khi bỏ quy định xuất, nhập khẩu tại chỗ tại Điều 35. Các DN kỳ vọng sẽ tiếp tục được tạo thuận lợi trong hoạt động này.

Dự thảo Nghị định đã được Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ 2 lần. Văn phòng Chính phủ cũng đã lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định. Tuy nhiên, do còn ý kiến của Bộ Công thương, Bộ Tư pháp về cơ sở pháp lý liên quan nội dung quy định tại Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ nên dự thảo Nghị định chưa được phê duyệt.

Qua rà soát, Tổng cục Hải quan nhận thấy, chỉ có Luật Thương mại năm 2005, Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định số 69/2018/NĐ-CP quy định DN Việt Nam nhận gia công cho thương nhân nước ngoài được thực hiện một số hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ như: xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị cho thuê hoặc cho mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu.

Luật Hải quan năm 2001 và các luật khác không quy định về hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ đối với hoạt động mua bán hàng hoá với thương nhân nước ngoài, nhưng được chỉ định giao nhận hàng hoá tại Việt Nam.

Tuy nhiên, căn cứ các văn bản dưới luật (nghị định, thông tư) nêu trên thì hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ đã được thực hiện từ năm 1998 đến nay, các văn bản về sau đều được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa, hoàn thiện để đảm bảo phù hợp với thực tiễn hoạt động thương mại, tạo thuận lợi cho giao thương hàng hoá.

Hơn thế nữa, đối với hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ, hàng hoá được mua bán trong nội địa, không có sự dịch chuyển hàng hoá ra khỏi biên giới Việt Nam, theo Tổng cục Hải quan, bản chất đây là hoạt động mua bán nội địa. Đối tượng quản lý của cơ quan hải quan chỉ có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Cơ quan hải quan không thực hiện thủ tục hải quan đối với hoạt động này, chuyển thành hoạt động mua bán nội địa do cơ quan thuế nội địa quản lý.

Những vấn đề này đặt ra yêu cầu cần thiết phải đánh giá tổng thể hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với bản chất.

Tiết kiệm khoảng 36 tỷ đồng/năm

Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, Tổng cục Hải quan đã nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các nước cũng như các chuẩn mực tại Công ước Kyoto. Kết quả là không có quy định hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ như quy định của Việt Nam.

Ngoài ra, khi rà soát các luật như Luật Thương mại, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất nhập khẩu đều không có quy định đối với hoạt động giao nhận hàng hóa trong chuỗi cung ứng giữa hai DN thông qua hoạt động gia công, hay sản xuất xuất khẩu thông qua mua bán giữa DN Việt Nam và thương nhân nước ngoài có hiện diện hoặc không hiện diện tại Việt Nam.

Theo ông Âu Anh Tuấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, để công tác quản lý nhà nước về hải quan được thống nhất, đúng bản chất giao dịch của hàng hoá, cơ quan soạn thảo đề xuất bãi bỏ toàn bộ Điều 35 tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP. Bởi theo đánh giá tác động, việc bãi bỏ Điều 35 Nghị định 08/2015/NĐ-CP là hợp lý và tạo thuận lợi cho cả DN và cơ quan hải quan.

Theo tính toán, nếu bãi bỏ quy định này, các DN có thể tiết kiệm được khoảng 36 tỷ đồng/năm lệ phí hải quan (tờ khai hải quan); cùng với đó là chi phí về thời gian và nguồn lực. Trong khi đó, các cơ quan hải quan sẽ tiết giảm nhiều thủ tục hành chính, thời gian, nhân lực để thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ.

Đáng chú ý, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho rằng, việc bãi bỏ Điều 35 Nghị định 08/2015/NĐ-CP không làm ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các DN thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định này. Bởi các DN có hoạt động nhập khẩu để gia công xuất khẩu và các DN chế xuất sẽ vẫn tiếp tục được thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ theo hướng dẫn tại Điều 86, Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

Chỉ riêng trường hợp các DN có hoạt động mua bán hàng hóa với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa tại Việt Nam thì mới phải đánh giá, phân loại để áp dụng các hình thức quản lý phù hợp.

Ngoài ra, chính sách ưu đãi thuế với hoạt động này cũng phải được xem lại một cách toàn diện. Bởi hiện tại một trong những điều kiện được miễn thuế đối với nguyên liệu đầu vào là phải có hoạt động xuất khẩu (xuất khẩu tại chỗ, xuất khẩu vào khu phi thuế quan, xuất khẩu ra nước ngoài). Để đảm bảo quyền lợi cho các DN, về lâu dài, cần sửa tổng thể các pháp luật liên quan, mà căn cơ nhất là sửa Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Thuế giá trị gia tăng, trong đó, sửa ở cấp nghị định quy định điều kiện để được miễn thuế./.