Cụm di tích chiến thắng La Ngà trải dài trên 9km qua các xã Phú Ngọc, Ngọc Định và Phú Hiệp, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai được Bộ Văn hóa xếp hạng di tíchlịch sử cấp quốc gia từ năm 1986. Đây là nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của quân và dân miền Đông Nam Bộ trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp; nơi chứng kiến tinh thần dũng cảm, ngoan cường, mưu trí của bộ đội ta, với vũ khí thô sơ và lực lượng mỏng đã tiêu diệt đoàn xe quân sự Pháp gồm 59 chiếc, 150 tên địch (có 25 sĩ quan) trong đó có hai đại tá.

Chiến thắng La Ngà đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của lực lượng vũ trang miền Đông cả về chiến lược và chiến thuật, đã đập tan tham vọng của đối phương, phá luận điệu xuyên tạc của địch và cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân ta.

Hơn 75 năm trôi qua, di tích vẫn mang đến cho khách tham quan những cảm xúc tự hào về một trận đánh táo bạo, hùng tráng. Toàn đoàn PV GAS đã tưởng nhớ trước Tượng đài La Ngà - biểu tượng thiêng liêng của đất nước, khắc ghi công lao to lớn của chiến sĩ đồng bào đã hy sinh góp phần làm nên chiến công vang dội “Chiến thắng La Ngà”.

Di tích chiến thắng La Ngà và Vườn quốc gia Cát Tiên - Hành trình về nguồn ý nghĩa và sâu lắng
Toàn đoàn chiêm ngưỡng sự kỳ vĩ của Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, trong đó đặc biệt là cây Gõ Bác Đồng - cây cổ thụ 700 tuổi.

Trong thời kỳ chiến tranh, vùng đất bây giờ là Vườn quốc gia Cát Tiên đã là một phần của căn cứ địa chiến khu Đ rộng lớn, cũng gánh chịu biết bao trận bom đạn của kẻ thù, nhưng may mắn là không bị tàn phá nhiều, nhất là ít bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học. Do vậy, tính nguyên sinh của rừng được nhanh chóng phục hồi.

Từ năm 1976, khu rừng được Chính phủ đưa vào diện bảo tồn; trở thành rừng cấm với diện tích 31.000ha, thuộc địa phận huyện Tân Phú, Đồng Nai.

Tháng 2/1998, Vườn quốc gia Cát Tiên được thành lập, với diện tích được nâng lên trên 70 ha. Năm 2001, Vườn quốc gia Cát Tiên được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thứ 411 của thế giới và là khu dự trữ sinh quyển thứ 2 của Việt Nam. Năm 2005, khu đất ngập nước Bàu Sấu của Vườn cũng được công nhận đưa vào danh sách các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế. Đây là khu đất ngập nước thứ 1.499 của thế giới và thứ hai của Việt Nam.

Đoàn về nguồn PV GAS đã tới tham quan Vườn quốc gia Cát Tiên, đi trên con đường các chiến sĩ cách mạng đã từng đi; chiêm ngưỡng sự kỳ vĩ của những cây đại thụ trong rừng Nam Cát Tiên, trong đó đặc biệt là cây Gõ Bác Đồng - cây cổ thụ 700 tuổi được coi là báu vật của rừng Nam Cát Tiên, được đặt theo tên của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi Người tới thăm Vườn quốc gia vào năm 1988.

Qua hành trình về nguồn, tập thể đảng viên và quần chúng 2 Chi bộ đã được hiểu thêm về truyền thống lịch sử của dân tộc, bồi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào về ý chí đấu tranh kiên cường của nhân dân, sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; nâng cao hiệu quả của quá trình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Chi bộ.

Với chủ đề của hành trình “Cùng nhau chúng ta là Rừng”, 2 Chi bộ đã thể hiện sự thống nhất ý chí cao, tôn vinh ý nghĩa chuyến đi như một chương trình kết nối, tạo động lực hăng say làm việc, tăng cường giao lưu, hợp tác và sự gắn bó giữa các cá nhân, bộ phận, đơn vị trong PV GAS, góp phần cùng chung tay xây dựng PV GAS phát triển bền vững.

Từ đây, 2 Chi bộ cũng tăng cường nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện phương châm hành động của Đảng bộ PV GAS “Đoàn kết - Đổi mới - Chuyên nghiệp - Hành động”, kết hợp nhuần nhuyễn cùng với phương châm hành động của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hiệu quả”./.