Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, Bộ đã đôn đốc các địa phương sớm thực hiện các giải pháp: Sớm ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự làm công tác giảm nghèo sau sắp xếp để bắt tay ngay vào công việc; tiếp tục chỉ đạo quyết liệt thực hiện hướng dẫn của cơ quan chủ Chương trình về việc triển khai thực hiện Chương trình năm 2025; thực hiện ngay việc giao kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương năm 2025, bố trí vốn đối ứng thực hiện Chương trình theo quy định.

Theo đó, tổng số vốn đầu tư phát triển đã thực hiện phân bổ hơn 3.056,3 tỷ đồng /3.200 tỷ đồng (còn lại hơn 143,6 tỷ đồng đang thực hiện điều chỉnh cho các địa phương tiếp tục bổ sung) và giảm kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương năm 2025 của 17 địa phương. Đến nay, 48/48 địa phương nhận ngân sách đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển cho các sở ngành và cơ sở.

Về kết quả triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tính đến hết tháng 6 năm 2025, cả nước đã có 16.855 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 1.262 sản phẩm so với cuối năm 2024), trong đó 76,2% sản phẩm 3 sao, 22,7% sản phẩm 4 sao, 126 sản phẩm 5 sao, còn lại là tiềm năng 5 sao. Có 9.822 chủ thể OCOP (tăng 1.348 chủ thể so với cuối năm 2024), trong đó có 32,9% là hợp tác xã, 25,3% là doanh nghiệp nhỏ, 33,5% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

Tổng số vốn sự nghiệp đã thực hiện phân bổ hơn 6.694,2 tỷ đồng/8.772,4 tỷ đồng (còn hơn 2.078,1 tỷ đồng sẽ điều chỉnh giảm do địa phương không còn nhu cầu). Do thời điểm giao vốn chậm (tháng 3/2025) các địa phương đang tiến hành phân bổ cho sở ngành và cơ sở.

Kết quả giải ngân đến thời điểm hiện nay: Vốn đầu tư phát triển ước khoảng 793,467 tỷ đồng, đạt 18% kế hoạch; vốn sự nghiệp khoảng 226,269 tỷ đồng, đạt 2,23%.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, đến hết tháng 6/2025, cả nước đã có 6.084/7.669 xã (79,3%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 1% so với cuối năm 2024); trong đó, có 2.567 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tăng 291 xã so với cuối năm 2024 và 743 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, tăng 193 xã so với cuối năm 2024.

Bình quân cả nước đạt 17,6 tiêu chí/xã; 07 huyện đã có xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và ra khỏi danh sách huyện “trắng xã nông thôn mới”; 329 đơn vị cấp huyện thuộc 60 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 51% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước.

Trong đó, đã có 48 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tăng 20 huyện so với cuối năm 2024; 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 19 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và 100% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới. Có 13 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đạt 87% mục tiêu cả giai đoạn 2021 - 2025 được giao).

Tổng kế hoạch vốn ngân sách trung ương giao thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2025 là 9.417 tỷ đồng, đã được cấp có thẩm quyền phân bổ, giao cho 47 tỉnh là 9.018,19 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành công tác phân bổ, giao dự toán kinh phí thực hiện theo quy định (còn lại 398,8 tỷ đồng chưa được cấp có thẩm quyền quyết định phân bổ), gồm:

Tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình năm 2025 (bao gồm cả các nguồn vốn kéo dài từ các năm trước chuyển sang thực hiện năm 2025): Vốn đầu tư công, ước giải ngân khoảng 4.285,511 tỷ đồng, đạt 23% kế hoạch; Vốn sự nghiệp, giải ngân được 130,885 tỷ đồng, đạt 3,56% so với dự toán được giao.