Cục Thuế Phú Yên vào cuộc gỡ vướng trong triển khai thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tiếp Đoàn Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN Tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung bộ, duyên hải Trung bộ

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh là chủ trương nhất quán trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, nhất là những năm gần đây, nhiệm vụ phấn đấu để nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu về biển. Phú Yên là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển.

Trưởng Ban Kinh tế trung ương đánh giá, sau khi đi khảo sát và chứng kiến các hoạt động tại Cảng Vũng Rô; công tác chuẩn đầu tư xây dựng Cảng Bãi Gốc; hoạt động của Khu Công nghiệp Hoà Hiệp; hệ thống giao thông, kết cấu hạ tầng… cho thấy, Phú Yên đã rất nỗ lực, tích cực thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển và đang đi đúng hướng.

Trưởng Ban Kinh tế trung ương Trần Tuấn
Trưởng Ban Kinh tế trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại cuộc làm việc

Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm được, đồng chí Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, trước những yêu cầu đặt ra đối với việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, nhất là các mục tiêu mà Đại hội XIII đã đề ra, đòi hỏi Phú Yên phải có những đột phá trong thời gian tới. Vì vậy, đồng chí Trần Tuấn Anh mong muốn các bộ, ngành, đặc biệt là tỉnh Phú Yên phân tích, đánh giá về những khó khăn, tồn tại, hạn chế; nguyên nhân khách quan, chủ quan, kể cả nhận thức để phát triển kinh tế biển; đặt phát triển kinh tế biển trong bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay; trong liên kết phát triển vùng; trong biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường biển; thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số hoá về biển, đảo; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế…

Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 36- NQ/TW, Bí thư tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương cho biết, qua gần 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Phú Yên có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là vùng ven biển và các ngành kinh tế biển, kinh tế gắn liền với biển.

Cụ thể: Tỉnh Phú Yên đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, các chương trình hành động và kế hoạch thực hiện nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế biển; tập trung rà soát, thống nhất, tích hợp toàn bộ quy hoạch ngành vào quy hoạch tỉnh, trong đó chú ý về quy hoạch các địa phương ven biển, định hướng liên kết phát triển kinh tế liên vùng, liên tỉnh; từng bước củng cố và hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hiện đại hóa các ngành kinh tế biển quan trọng đột phá như: Ngành thủy sản, du lịch, vận tải biển, năng lượng… đặc biệt là Khu kinh tế trọng điểm Nam Phú Yên.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW cũng còn không ít tồn tại, hạn chế. Việc triển khai, thực hiện các văn bản chỉ đạo, chương trình, kế hoạch của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Việc triển khai rà soát, tích hợp quy hoạch tỉnh còn chậm nên khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư. Cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển đảo chưa đầy đủ, thiếu nhiều thông tin cần thiết để phục vụ cho lập kế hoạch sử dụng không gian biển, kế hoạch quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường vùng bờ; các ngành kinh tế biển quan trọng, đột phá, công nghiệp ven biển, khu kinh tế của tỉnh khai thác kém hiệu quả, chưa xứng tầm với tiềm năng hiện có của tỉnh…

Trưởng Ban Kinh tế trung ương Trần Tuấn
Trưởng Ban Kinh tế trung ương Trần Tuấn Anh và đoàn làm việc tại cảng Bãi Gốc.

Phát biểu thảo luận tại buổi làm việc, hầu hết các thành viên trong Đoàn Giám sát nhất trí và đánh giá cao Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Tỉnh ủy Phú Yên, đồng thời cũng tham gia nhiều ý kiến, chỉ ra được những hạn chế, khó khăn trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá cao công tác chuẩn bị, xây dựng báo cáo đã bám sát đề cương giám sát, nhất là sự vào cuộc, triển khai quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao của Tỉnh uỷ Phú Yên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW.

Đồng tình với 6 nhóm giải pháp của tỉnh Phú Yên, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng lưu ý tỉnh Phú Yên nên quan tâm một số tiềm năng, lợi thế của Phú Yên về biển, phát triển du lịch, cần phát triển hài hòa giữa phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch.

Đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Phú Yên không chỉ chú ý đến lợi thế tĩnh mà còn lợi thế động, nhất là liên kết phát triển vùng; yêu cầu Phú Yên tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa định hướng phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong thời gian tới; đặt ra những yêu cầu, định hướng phát triển trong bối cảnh phát triển công nghiệp 4.0, bối cảnh trong nước và quốc tế.

Đồng chí cũng lưu ý về công tác đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người dân, làm tốt công tác an sinh xã hội; quan tâm hơn đến phát triển giao thông để đáp ứng khả năng tăng công suất của cảng Vũng Rô, cảng Bãi Gốc… tạo thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế./.