DN logistics còn thiếu và yếu
Phát biểu tại hội thảo "Ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động logistics", diễn ra sáng 9/11, tại Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể của nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, ở các nước, logistics là ngành có sự phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hoạt động giao lưu thương mại.
“Thực tế cho thấy, phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải… cũng đang là nhu cầu đặt ra rất cấp bách đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, nước ta cũng được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics”, ông Hải nói.
Trình bày tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Thế Tuân, Giảng viên Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải cho biết, hiện nay ở nước ta có khoảng hơn 3.000 DN hoạt động về logistics, với quy mô về vốn khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm, chiếm gần 21% GDP của cả nước, tốc độ tăng trưởng trung bình 14 – 16%/năm.
Tuy nhiên, thị trường logistics vẫn còn tồn tại nhiều thách thức, bất cập. Mặc dù có nhiều DN tham gia vào hoạt động này nhưng cơ bản vẫn thực hiện theo phương thức nhỏ lẻ và thiếu tính kết nối, nguồn nhân lực không được đào tạo bài bản, chủ yếu làm dịch vụ ở các chuỗi cung ứng nhỏ, thiếu chuyên nghiệp...
“Các DN logistics mới chỉ cung cấp một số dịch vụ như dịch vụ kho bãi, vận tải hàng hóa, giao nhận hàng hóa, bốc xếp, dịch vụ phân loại, đóng gói bao bì, lưu kho... Đa số DN trong lĩnh vực có quy mô nhỏ và vừa nên hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu kinh nghiệm, tư duy quản trị kém, vốn và công nghệ còn yếu”, ông Tuân phân tích.
Thêm vào đó, vấn đề thể chế đặt ra nhiều thách thức to lớn để có thể tiếp cận chuẩn luật pháp quốc tế, trong bối cảnh chính sách về logistics chưa nhất quán, rõ ràng, thiếu đồng bộ, chưa tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ hiệu quả cho ngành logistics phát triển. Đó là còn chưa kể đến chi phí kinh doanh không chính thức cao, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải còn yếu kém…
Cần liên kết và nhanh chóng ứng dụng CNTT
Trước thực trạng nêu trên, bàn về giải pháp phát triển ngành logistics của Việt Nam, theo các chuyên gia, các DN logistics cần có sự đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, tăng khả năng cạnh tranh trong thời gian tới.
Nhu cầu phục vụ quy mô xuất nhập khẩu và bán lẻ hàng hóa ngày càng lớn với khối lượng hàng hóa qua cảng biển dự kiến tăng lên 900 triệu đến 1 tỷ tấn vào năm 2030, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics Việt Nam trong thời gian tới.
“Nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh của các DN dịch vụ logistics là đòi hỏi cấp bách đang đặt ra đối với nước ta. DN phải nâng cao khả năng của mình trong việc đáp ứng yêu cầu về thời gian, chất lượng và giá cả dịch vụ logistics nhằm nhanh chóng tham gia hiệu quả vào hệ thống logistics toàn cầu”, ông Hải khẳng định.
Hiện nay, nước ta đã tham gia ký kết rất nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới, tạo ra nhiều dư địa cho các DN cung cấp dịch vụ logistics phát triển. Theo đó, các chuyên gia cho rằng, DN cần đầu tư đào tạo có hệ thống nguồn nhân lực có kinh nghiệm và được trang bị đầy đủ những kiến thức chuyên môn, am hiểu luật pháp trong nước và quốc tế về logistics.
Bên cạnh đó, DN cần liên doanh, liên kết, kết nối với nhau để vừa tạo ra nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp và mở rộng hệ thống kho bãi và các dịch vụ hỗ trợ khác, vừa mở rộng mạng lưới dịch vụ.
Ngoài ra, Nhà nước cần có các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho DN về cơ chế thông thoáng, thuận lợi và các chính sách hỗ trợ để DN ngành logistics phát triển vững mạnh, thông qua đó phát triển nền thương mại – xuất nhập khẩu nói chung, nền kinh tế nói riêng./.
Tố Uyên