PV: Thưa ông, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP với các chỉ đạo cụ thể về tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là liên quan đến những vấn đề như thủ tục pháp lý, lãi suất, thuế… Từ góc độ đại diện doanh nghiệp, ông đánh giá thế nào về các giải pháp này?

Doanh nghiệp mong các giải pháp hỗ trợ sớm đi vào thực tế
Ông Nguyễn Quốc Hiệp

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Chúng tôi rất đồng tình với những giải pháp, chỉ đạo được nêu tại nghị quyết. Thời gian vừa qua, khi đánh giá thấy tình hình kinh tế đang gặp khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm trong việc nhận diện, đánh giá tình hình và tìm giải pháp tháo gỡ. Điều đó thể hiện qua một loạt các văn bản, chỉ đạo điều hành được xây dựng, ban hành đồng bộ, kịp thời về tiền tệ, tài chính, pháp lý và nhiều giải pháp đã được nêu cụ thể tại Nghị quyết 50.

Các doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá rất cao sự cố gắng, quyết tâm của Chính phủ. Tuy nhiên, chúng ta cũng hiểu rằng những khó khăn này không phải là vấn đề một nghị quyết hay nghị định có thể tháo gỡ được, vì đó là nhiều khó khăn đồng bộ của thị trường. Sau những công điện, nghị quyết đã ban hành, điều quan trọng là tổ chức thực hiện, cơ chế kiểm tra như thế nào để hiện thực hóa các giải pháp đó, mà điều này cần có thời gian.

PV: Vậy theo ông, để triển khai hiệu quả các giải pháp này trên thực tế, từ đó thực sự tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì cần làm gì?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhận diện đúng, trúng những vấn đề khó của thị trường và kịp thời có chủ trương, giải pháp để tháo gỡ. Song ở từng vấn đề, cách thức tháo gỡ cần có những bước đi cụ thể hơn nữa.

Chẳng hạn như về Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội (NOXH) cho người thu nhập thấp, đây là chính sách rất thiết thực, đúng mong muốn của người dân. Nhưng để có 1 triệu căn từ nay đến 2030 thì còn một chặng đường dài và cần những chỉ tiêu cụ thể để triển khai.

Đơn cử như chỉ tiêu đất quy hoạch NOXH ở đâu, tỉnh nào, diện tích bao nhiêu, ai chịu trách nhiệm… chứ không chỉ là lo có 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà vay. Vốn chỉ là một phần, quan trọng là có dự án, dự án ở đâu, làm như nào, thể chế nào cho cả chủ đầu tư và người mua… có như vậy thì chỉ tiêu 1 triệu căn NOXH mới thành hiện thực.

Hay như về tháo gỡ khó khăn trong phòng cháy chữa cháy (PCCC), Chính phủ đã nêu rõ Bộ Công an, Bộ Xây dựng có nhiệm vụ gì. Song việc điều chỉnh tiêu chuẩn 06 mà các doanh nghiệp xây dựng đang vướng khó có thể hoàn thành trước 30/4 như Công điện của Thủ tướng yêu cầu, bởi cần có thời gian và biện pháp cụ thể hơn nữa.

Doanh nghiệp mong các giải pháp hỗ trợ sớm đi vào thực tế
Nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Với lĩnh vực bất động sản, Thủ tướng đã lập tổ công tác về tháo gỡ khó khăn cho các dự án, nhưng khó khăn của các dự án bất động sản thì rất đa dạng. Có dự án ách tắc cả chục năm vì giải phóng mặt bằng, có dự án vướng về thủ tục PCCC, có dự án vướng về thủ tục đất đai, về vốn…

Tất cả những điều này, nếu tổ công tác xuống tận địa bàn, đưa ra giải pháp cụ thể cho vài tỉnh, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm thì tốt hơn chờ các tỉnh báo cáo. Chủ trương có tổ công tác rất hợp lý, nhưng giải pháp để tổ công tác có hiệu lực thì cần bổ sung.

PV: Bên cạnh tổ công tác ở trung ương, tại Nghị quyết 50, Chính phủ đã yêu cầu các địa phương thành lập tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm tổ trưởng để tháo gỡ ngay khó khăn, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp trên địa bàn. Ông có đề xuất gì để mô hình phát huy hiệu quả?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Chủ trương này là đúng đắn, nhưng để có tác dụng thiết thực thì như tôi đã nói ở trên, quan trọng vẫn là tổ chức thực hiện. Theo tôi, nên có cơ chế thí điểm ở một số tỉnh đang có nhiều vướng mắc nhất. Lấy ví dụ như ở lĩnh vực bất động sản, có thể chọn 5 tỉnh, thành, nơi có nhiều dự án ách tắc nhất để yêu cầu báo cáo cụ thể về số lượng, nguyên nhân.

Trên cơ sở đó, đưa ra giải pháp thí điểm cho áp dụng ngay ở một vài địa bàn. Từ đó, rút kinh nghiệm thực tế để các tỉnh, thành khác có thể mạnh dạn áp dụng. Bên cạnh đó, phải có đánh giá tổng kết kịp thời, sau mỗi tháng, hay 3 tháng, tổ công tác đã làm được gì, chưa làm được gì để rút kinh nghiệm. Làm liên tục như vậy trong năm 2023 thì may ra những khó khăn mới giải quyết được.

PV: Mặc dù còn phải chờ những bước đi cụ thể hơn nữa, nhưng với một loạt những chỉ đạo đã được Chính phủ đưa ra gần đây và đặc biệt là những giải pháp tại Nghị quyết 50, ông nhận định thế nào về triển vọng sản xuất, kinh doanh thời gian tới, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng?

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Khó khăn của doanh nghiệp thì rất nhiều, rất đa dạng. Nếu ngay từ giờ khẳng định thị trường sẽ như thế nào thì còn sớm, nhưng những tín hiệu từ cơ quan điều hành, từ các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là hết sức tích cực. Do đó, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản, xây dựng nói riêng rất kỳ vọng là từ đây, vướng mắc về cơ chế sẽ được tháo gỡ dần, dù không thể trong một sớm một chiều.

Trong lĩnh vực bất động sản, một ngành rất quan trọng với nền kinh tế, 60 - 70% vướng mắc là về pháp lý. Trong năm 2022 và 2023, chúng ta đang sửa đồng loạt nhiều luật liên quan đến các ngành kinh tế, đặc biệt là bất động sản. Do đó, tâm lý chung của các doanh nghiệp là đang chờ đợi xem chính sách pháp luật tới đây sẽ thay đổi như thế nào, chặt hơn hay mở hơn, để từ đó quyết định các chiến lược đầu tư.

Tôi được biết, nhiều doanh nghiệp đang chờ đợi để cân nhắc quyết định đầu tư các dự án lớn. Vì thế, việc sửa đổi, bổ sung các chính sách tới đây là rất quan trọng để quyết định xu hướng của hoạt động sản xuất, kinh doanh thời gian tới.

PV: Xin cảm ơn ông!

Doanh nghiệp xây dựng mong được tháo gỡ vướng mắc về pháp lý

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, mỗi ngành nghề có những khó khăn khác nhau, cần có sự tháo gỡ khác nhau. Như với lĩnh vực xây dựng, thị trường bất động sản đóng băng, tín dụng siết chặt, cùng với nhiều vướng mắc trong pháp lý đã khiến các doanh nghiệp lao đao, một số doanh nghiệp trong top 10 của ngành thậm chí có nguy cơ đình trệ, phá sản. Điều này khiến sức cạnh tranh của ngành xây dựng đang yếu dần.

Do đó, các doanh nghiệp đều mong mỏi sớm được tháo gỡ các khó khăn về pháp lý để có điều kiện đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Được biết, VACC đã có kiến nghị với Thủ tướng và nhiều bộ, ngành về giải pháp về tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho ngành xây dựng.