Doanh nông Việt Nam cần ứng dụng các nền tảng số để truyền tải thông điệp nhân văn
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ tại chương trình.

Đó là thông điệp của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại Chương trình gặp mặt đầu xuân Giáp Thìn 2024 với chủ đề “Từ tư duy kinh tế trải nghiệm hướng tới nấc thang giá trị cao hơn trong chuỗi ngành hàng nông sản Việt” do Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 17/2.

Để thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao giá trị cho ngành hàng nông sản, xu hướng chuyển đổi trong tư duy kinh tế đã bắt đầu thu hút sự chú ý: Tư duy kinh tế trải nghiệm - bàn về khái niệm này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan gợi mở tầm quan trọng của sự hiểu biết sâu sắc về nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng.

Theo ông Lê Minh Hoan, đối với ngành nông nghiệp, cách tiếp cận này không chỉ tập trung tăng cường sản xuất mà còn chú trọng đến việc cải thiện chất lượng dinh dưỡng, cũng như giá trị xã hội của sản phẩm. Theo đó, trải nghiệm có thể là không gian mua sắm, thiết kế nhãn hiệu, câu chuyện về nguồn gốc nguyên liệu…

Kết thúc năm 2023, nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế. Trong đó, xuất siêu các mặt hàng nông sản đạt kỷ lục 11 tỷ USD, chiếm gần 50% thặng dư của cả nền kinh tế.

Đồng thời, người tiêu dùng thông minh ngày nay thường ưa chuộng các ý tưởng mới. Đa phần người mua hàng đều ý thức được về chuỗi sản xuất, cũng như hậu quả của lựa chọn tiêu dùng. Nhiều người sẵn sàng chi trả khoản tiền cao hơn cho thực phẩm có nguồn gốc hợp lý, phát thải thấp, qua đó chung tay bảo vệ trái đất.

Vị tư lệnh ngành nông nghiệp nhấn mạnh, để đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh, thân thiện môi trường, doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam cần xây dựng chuỗi giá trị nông sản có trách nhiệm và giá trị xã hội, ứng dụng các nền tảng số để truyền tải thông điệp nhân văn.

Doanh nông Việt Nam cần ứng dụng các nền tảng số để truyền tải thông điệp nhân văn
Việc lồng ghép các yếu tố văn hóa, xã hội để tạo ra giá trị cao hơn cho nông sản.

Đặc biệt, việc lồng ghép các yếu tố văn hóa, xã hội để tạo ra giá trị cao hơn cho nông sản đã trở thành một xu hướng thiết yếu. Điển hình, HTX Chè Thịnh An (Sông Cầu, Thái Nguyên) có định hướng phát triển bài bản thương hiệu sản phẩm. Với định hướng phát triển bài bản thương hiệu sản phẩm, HTX Chè Thịnh An đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Đại học Ngoại thương, Trường Cao đẳng Du lịch… để làm du lịch trải nghiệm nghề chè. Từ đó, mong muốn tạo ra nguồn thu nhập kép, có sản phẩm chè an toàn để bán và có cả khách du lịch. Người dân thay đổi sang sản xuất các sản phẩm an toàn có giá trị cao hơn.

Bên cạnh đó, Công ty Ba Thức Food thu về doanh thu gần 5 tỷ đồng chỉ trong 1 tháng Tết Nguyên đán Giáp Thìn - tăng 3 lần so với những tháng thông thường nhờ bán sản phẩm OCOP khô bò trên sàn thương mại điện tử TikTok. Thay đổi phương thức bán hàng, tiếp cận xu hướng video ngắn gọn và bắt kịp xu hướng về bao bì là những yếu tố mang lại thành công cho doanh nghiệp này trong dịp Tết 2024.

Doanh nông trẻ Phan Minh Thức - Giám đốc sáng lập Ba Thức Food cho hay: "Chúng tôi xây dựng chiến lược truyền thông trên TikTok để kể câu chuyện sản phẩm. Ngoài ra, các video ngắn còn truyền tải những hình ảnh thực tế, làm minh bạch quy trình sản xuất thực phẩm, tạo niềm tin của người tiêu dùng".

Ông Nguyễn Lâm Thanh - Giám đốc Chính sách của TikTok Việt Nam gửi gắm kỳ vọng ở các chủ thể "mỗi xã một sản phẩm" mong các nhà sản xuất, hợp tác xã sẽ tận dụng sức mạnh của công nghệ 4.0. Đây cũng là một trong những trọng tâm về chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp, sử dụng không gian kinh tế hiện đại và các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng.../.