Nâng cao năng lực kiểm soát hàng hóa trước, trong và sau thông quan

Nâng cao năng lực kiểm soát hàng hóa trước, trong và sau thông quan là mục tiêu mà ngành Hải quan hướng tới.

Tuy nhiên, mục tiêu này cũng là thách thức đòi hỏi ngành Hải quan phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất cán bộ công chức…

PV: Thưa ông, ngành Hải quan đã dự thảo Chiến lược phát triển hải quan giai đoạn 2021 - 2030, trong đó đặt ra mục tiêu phát triển hải quan số, hải quan thông minh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Với tư cách là chuyên gia kinh tế, tài chính, ông cảm nhận thế nào về bản dự thảo chiến lược này?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Trước hết tôi đánh giá cao những nỗ lực và thành quả phát triển của ngành Hải quan trong 10 năm trở lại đây và tinh thần đổi mới trong giai đoạn 10 năm tới nêu trong đề án chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Trong đó, tôi đánh giá cao mục tiêu của đề án trong việc phát triển công nghệ số vào hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) là ưu tiên hàng đầu để giảm thiểu các giấy tờ thủ tục; tránh tiếp xúc trực tiếp giữa nhân viên hải quan với doanh nghiệp (DN) XNK, hạn chế phát sinh tiêu cực trong quá trình hoạt động làm thủ tục hải quan. Đây là điểm quan trọng phù hợp với chủ trương phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số.

Đặc biệt đề án cũng đề cập đến các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thông quan hàng hóa đã giao về một đầu mối cho cơ quan hải quan thực thi, từ đó vừa tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý nói chung, cũng như cơ quan hải quan nói riêng trong việc kiểm tra thông quan hàng hóa XNK trong nền kinh tế quốc dân. Đồng thời, đó cũng là yêu cầu quản lý tập trung của cơ quan quản lý nhà nước, tháo gỡ được nút thắt vướng mắc của DN về thủ tục kiểm tra chuyên ngành phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 38/QĐ-TTg về đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu.

PV: Ông có đề cập đến việc cơ quan hải quan làm đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu sẽ mang lại lợi ích cho cả cơ quan nhà nước và DN, xin ông cho biết rõ hơn về vấn đề này?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Mục tiêu và lợi ích của việc này đã được nêu lên khá cụ thể tại Quyết định 38/QĐ-TTg về đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu. Đề án cũng đang được Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan khẩn trương cụ thể hóa.

Nâng cao năng lực giám sát hải quan đáp ứng xu thế phát triển mới

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, cơ quan hải quan cần tăng cường hiện đại hóa, chuyển từ việc giám sát hàng hóa thủ công sang kiểm tra giám sát hàng hóa tự động trên nền tảng ứng dụng thiết bị phương tiện hiện đại mang tính khoa học, phù hợp với xu thế mới.

Thời gian qua lực lượng hải quan đã có sự nỗ lực cao để chuyển mình, đáp ứng yêu cầu đề ra của Bộ Tài chính và Chính phủ. Tuy nhiên, năng lực, trình độ của cán bộ hải quan vẫn chưa đáp ứng yêu cầu mục tiêu tại đề án mới và còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

“Cơ quan hải quan cần quyết liệt hơn nữa trong việc nâng cao năng lực kiểm soát hàng hóa của cán bộ công chức từ khâu trước, trong và cả khâu kiểm tra sau thông quan để đáp ứng yêu cầu mục tiêu nêu ra tại đề án Chiến lược phát triển hải quan 2021 - 2030” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, tôi cũng nhấn mạnh thêm, hàng hóa đi qua cửa khẩu phải được kiểm tra, mà rõ ràng cần có một đầu mối và hải quan được giao quyền “gác cửa” nền kinh tế, kiểm soát hoạt động XNK, xuất nhập cảnh là đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển, tạo thuận lợi thương mại.

Tất nhiên để đảm bảo được nhiệm vụ đầu mối kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu, đòi hỏi cơ quan hải quan phải tự nêu cao tinh thần trách nhiệm và năng lực của cán bộ công chức và mối quan hệ giữa cơ quan hải quan với các bộ quản lý chuyên ngành, để từ đó có thể kiểm tra, giám sát hải quan đạt được hiệu quả cao nhất.

Rõ ràng nói về mặt thủ tục khi được giao về một đầu mối là cơ quan hải quan và được số hóa sẽ giúp giảm thiểu các khâu thủ tục và thời gian chờ đợi của DN. Qua đó cũng tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước có thể vừa giảm thiểu được giấy tờ, thời gian giải quyết hành chính vừa đảm bảo được tính chuẩn xác trong việc thực thi; tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả cơ quan quản lý và DN rất nhiều; đồng thời đảm bảo tính chặt chẽ trong kiểm tra, giám sát cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

Tất nhiên, có một điều cần lưu ý là cơ quan hải quan cũng phải thay đổi, nâng cao trình độ của cán bộ công chức đáp ứng phát triển của khoa học công nghệ, yêu cầu chuyển từ mô hình điện tử sang số hóa.

PV: Chiến lược phát triển hải quan giai đoạn 2021 - 2030 hướng tới việc mang lại lợi ích quốc gia trong phát triển kinh tế. Tuy vậy, một mình cơ quan hải quan đảm đương trọng trách là quá lớn, nên cần có sự hỗ trợ của các bên tham gia thưa ông?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Rõ ràng sự phát triển của ngành Hải quan trong 10 năm tới đề ra nhiều mục tiêu lớn, tạo thuận lợi thương mại thông qua cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành hàng hóa tại cửa khẩu, số hóa chứng từ XNK.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra, Tổng cục Hải quan cần có sự đầu tư mạnh mẽ về nhân lực vật lực để đáp ứng yêu cầu phát triển và kiểm tra, kiểm soát hàng hóa XNK, đặc biệt là cần có sự hợp tác quốc tế, sự tham gia của các bộ, ngành. Các bộ, ngành cũng cần quan tâm đến sự phát triển của cơ quan hải quan coi nhiệm vụ kiểm soát hàng hóa XNK và tạo thuận lợi thương mại là nhiệm vụ chung được Chính phủ giao và vì lợi ích quốc gia.

Một mình hải quan khó có thể bao quát hết được. Cơ quan hải quan cần có sự phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành trong việc cung cấp thông tin hàng hóa và thông tin giám định hàng hóa…, qua đó mới đảm bảo được yêu cầu kiểm soát chất lượng hàng hóa XNK và thông quan nhanh hàng hóa qua cửa khẩu. Đó cũng là thách thức đối với cơ quan hải quan trong việc số hóa hoạt động XNK.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cần sự chung tay vì lợi ích quốc gia

Dự thảo Chiến lược phát triển hải quan giai đoạn 2021 - 2030 đang được Bộ Tài chính công bố được đánh giá mang lại lợi ích tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp, lợi ích quốc gia và nhận được sự quan tâm chú ý của các chuyên gia kinh tế.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là một chiến lược có tầm bao quát, ảnh hưởng lớn đến các bộ, ngành. Riêng Bộ Công thương cũng được giao trọng trách điều hành giám sát hoạt động xuất nhập khẩu của hàng chục nghìn mặt hàng đòi hỏi phải kiểm tra chuyên ngành. Đó là chưa nói đến các ngành lớn quan trọng khác như nông nghiệp, y tế…

Để đề án đạt được hiệu quả cần có sự chung tay của các bộ, ngành; cần có sự phối kết hợp, tận tâm từ phía các bộ, ngành cùng hải quan thực hiện nhiệm vụ kiểm soát và thông quan hàng hóa XNK trên tinh thần trách nhiệm với quốc gia, nỗ lực, cộng tác tốt nhất sẽ đạt được hiệu quả cao.

Điển hình như mới đây đối với mặt hàng mía đường cho thấy, sự hợp tác hiệu quả giữa cơ quan hải quan và quản lý thị trường trong việc phát hiện và điều tra đề xuất giải pháp để Bộ Công thương đưa ra quyết định áp dụng thuế bán phá giá đối với mặt hàng đường nhập khẩu, qua đó đã chống buôn lậu hiệu quả, bảo vệ sản xuất trong nước. Kết quả này là sự hợp tác của nhiều ngành vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích của người sản xuất.

Hải Linh (thực hiện)