PV: Ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022?

Dư địa thu ngân sách đã có những dịch chuyển tích cực
Đại biểu Lê Thanh Vân

Đại biểu Lê Thanh Vân: Trước những khó khăn chưa từng có sau 2 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, tác động của tình hình thế giới như: xung đột Nga và Ukraine, lạm phát, giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao…, nhưng với quyết sách đúng đắn, kịp thời, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, kinh tế đất nước đã có sự tăng tốc, tăng trưởng đạt cao hơn kỳ vọng.

Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, tốc độ tăng trưởng khá, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt kết quả tốt… Những kết quả đó được cử tri và nhân dân cả nước ghi nhận, đánh giá rất cao. Nếu như ban đầu, dự báo tăng trưởng của năm 2022 sẽ ở mức 6% - 6,5% thì 9 tháng năm 2022, tăng trưởng đã đạt hơn 8%. Kết quả này đã cho thấy Nghị quyết 43/2022/QH15 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã phát huy hiệu quả, vì mục tiêu kỳ vọng khi ban hành gói chính sách này là nhằm hỗ trợ tăng trưởng thêm từ 1,5% - 2%.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề nổi lên như: kết quả thực hiện chương trình phục hồi còn chậm, giải ngân vốn đầu tư công chậm, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia, giá cả tăng cao do giá xăng dầu tăng, tình trạng thiếu thuốc và trang thiết bị y tế do vướng mắc trong đấu thầu trong lĩnh vực y tế…

Về tình hình thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN), theo báo cáo của Chính phủ, tổng thu NSNN 9 tháng năm 2022 đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ. Chính phủ đánh giá thực hiện cả năm thu NSNN ước đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 14,3% so với dự toán (khoảng 202,4 nghìn tỷ đồng), tăng 2,9% so với thực hiện năm 2021; tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 17,2% GDP, trong đó từ thuế và phí đạt khoảng 13,9% GDP.

Tôi cho rằng, kết quả thu ngân sách năm nay là rất tích cực trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh cũng như ngân sách phải hỗ trợ số tiền rất lớn từ giãn, giảm nhiều khoản thuế phí, lệ phí.

Kết quả thu ngân sách năm nay là rất tích cực trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.
Kết quả thu ngân sách năm nay là rất tích cực trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.

PV: Như ông vừa nhận định, thu ngân sách năm nay đạt được là khá tích cực, nhưng nếu nhìn lại thời điểm cuối năm 2021 khi tính toán dự toán cho năm 2022, liệu chúng ta có thể đưa ra mức dự toán khả quan hơn hay không, thưa ông?

Đại biểu Lê Thanh Vân: Vừa qua cũng có ý kiến cho rằng, dự toán thu ngân sách là chưa sát thực tế, nhưng chúng ta phải nhìn nhận trong bối cảnh nền của năm 2021 là rất yếu để xây dựng dự toán cho năm 2022.

Phải thấy rằng, nếu không có Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 được coi là bước chuyển hướng chiến lược có ý nghĩa quyết định, tháo bỏ mọi biện pháp để phục hồi, nhờ đó thu NSNN tăng lên. Nếu chúng ta áp dụng những biện pháp mạnh để chống dịch Covid-19, thì chắc chắn thu NSNN thậm chí có thể dưới mức dự toán. Do đó, chúng ta phải đánh giá trong cái nhìn tổng thể của cả nền kinh tế trong một bối cảnh hết sức đặc thù của năm 2021.

Tôi cho rằng, tính phổ biến, dự báo của các khoản thu NSNN chỉ là ước lệ tương đối, tất nhiên dự báo càng chính xác thì việc kiểm soát hệ thống thu càng tốt. Nhưng việc kiểm soát hệ thống thu NSNN còn phụ thuộc vào khả năng dự báo kinh tế vĩ mô. Nhiều nước họ quản lý ngân sách theo mục tiêu.

Tăng trưởng cao tạo vị thế, động lực cho các năm tiếp theo

Ước cả năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, dự kiến là mức cao của thế giới, vượt mức chỉ tiêu phấn đấu và đạt chỉ tiêu theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ so với giai đoạn 2020 - 2021, tạo vị thế và động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của các năm tiếp theo.

PV: Bên cạnh việc triển khai chính sách tài khóa hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu ngân sách. Ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực này của Bộ Tài chính?

Đại biểu Lê Thanh Vân: Đúng vậy, thời gian qua, ngành Tài chính đã rất nỗ lực trong điều hành chính sách tài khóa triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhưng vẫn thực hiện một loạt các giải pháp nhằm tăng thu NSNN, như: chống thất thu thuế trong hoạt động chuyển nhượng bất động sản, 8 tháng đã tăng thu hơn 90% so với năm 2021; tăng thu trên nền tảng số với minh chứng là hàng loạt “ông lớn” là các nhà cung cấp nước ngoài đóng thuế với số tiền lên đến hơn 1.000 tỷ đồng; triển khai hóa đơn điện tử thí điểm và trên toàn quốc đã góp phần tăng thu cho NSNN.

Có thể nói, hoạt động thu NSNN năm 2022 có những tích cực hơn. Các khoản thu lâu nay chúng ta ít để ý đến, lần này chúng ta đã triển khai các giải pháp và tăng thu về cho ngân sách. Dư địa thu NSNN đã có những dịch chuyển khá tích cực, do đó đã hỗ trợ cho tăng thu NSNN, trong bối cảnh chúng ta vừa thoát khỏi đại dịch.

PV: Xin cảm ơn ông!

Chính sách tài khóa, tiền tệ phải linh hoạt

Trả lời câu hỏi về ý kiến lo ngại nhiều khó khăn sẽ dồn vào năm 2023 trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động; áp lực lạm phát gia tăng có thể ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu vĩ mô như tăng trưởng, lạm phát, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho biết, nếu nói khó khăn, phải tính đến cả khó khăn bên trong và bên ngoài.

Khó khăn nội tại, đó là đi liền với những thành quả chống tham nhũng tiêu cực là những hệ lụy tác động đến tâm lý xã hội, tâm lý nhà đầu tư, nếu chúng ta làm nghiêm về mặt pháp luật để xử các vụ vi phạm liên quan đến các vụ đại án bất động sản, ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp, thì có thể một mặt tích cực là lập lại kỷ cương, làm lành mạnh các quan hệ kinh tế. Nhưng mặt khác, nó lại tác động tiêu cực đến tâm lý, không chỉ đối với doanh nhân mà cả cán bộ công chức tại các cơ quan chức năng. Khó khăn thứ hai đó là, suốt 2 năm chúng ta chống dịch, đặc biệt năm 2021 chúng ta huy động nguồn lực xã hội rất lớn, thậm chí có khoản hỗ trợ từ phía Nhà nước thông qua các gói hỗ trợ doanh nghiệp, nên việc phục hồi phải có thời gian.

Bức tranh kinh tế vĩ mô theo báo cáo Chính phủ là tích cực, nhưng đó là tín hiệu ban đầu của quá trình phục hồi. Quá trình phục hồi và phát triển có 3 giai đoạn: phục hồi, lấy lại sự thăng bằng và lấy lại động lực phát triển. Chúng ta đang ở giai đoạn thứ nhất, đó là sự phục hồi. Do đó, dự báo sẽ còn nhiều những tồn tại, khó khăn, thách thức.

Có nhiều dấu hiệu dự báo suy thoái kinh tế toàn cầu có thể xảy ra; những nền kinh tế lớn đang chịu sự công phá lớn, như bão lãi suất, các nước OPEC đang hạn chế sản lượng khai thác dầu; xung đột Nga - Ukraine…, những yếu tố đó sẽ tác động rất lớn đến Việt Nam.

Do đó, chúng ta phải hết sức tỉnh táo trước tình hình, thận trọng trong xúc tiến với các hoạt động kinh tế và chọn lựa có chọn lọc để tận dụng những thời cơ cũng như hạn chế những tác động xấu tới việc thực hiện các mục tiêu đề ra.

Định hướng chung cho bức tranh ngân sách 2023, với tác động bên ngoài, chúng ta cần “phòng ngự” cho tốt, nghĩa là phải giữ được an ninh, an toàn về dự trữ quốc gia. Thứ hai, phải chuẩn bị tâm thế để phòng chống khủng hoảng về tài chính tiền tệ có thể tác động đến Việt Nam. Chính sách tài khóa và tiền tệ phải ăn khớp, phải linh hoạt và thắt chặt khi cần. Thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính để cắt giảm các khoản chi tiêu hành chính của cả hệ thống, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển. Thứ tư, phải thực hành tiết kiệm triệt để trong bộ máy hành chính. Thứ năm, duy trì nghiêm kỷ luật tài chính, đặc biệt chống thất thu ngân sách, đảm bảo các giải pháp đồng bộ để xử lý các vi phạm pháp luật trong thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước.