Hà Nội sẽ được phép thí điểm lập quỹ đầu tư mạo hiểm từ ngân sách nhà nước Cần thiết có chế độ thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô Hà Nội được quyết dự án đường sắt đô thị mô hình TOD sử dụng ngân sách thành phố

Đây là đánh giá của đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), tại phiên họp sáng 26/3 của Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5.

Bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa Thủ đô

Theo đại biểu, Nghị quyết số 15-NQ/TW đề ra mục tiêu: Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Nghị quyết số 30-NQ/TW về yêu cầu: Phát triển Thủ đô xứng tầm với truyền thống ngàn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội, thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hoá của cả nước.

Đưa văn hóa vào vị trí xứng đáng trong xây dựng và phát triển Thủ đô

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn)

Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ngoài cơ chế đặc thù về cho phép áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hóa (Khoản 1 Điều 39) và quy định về phát triển khu thương mại và văn hóa thì các quy định của dự thảo cơ bản kế thừa quy định Điều 11 của Luật Thủ đô hiện hành, thiên về phát triển "phần cứng" chưa có nhiều quy định thúc đẩy "phần mềm" của văn hóa; chưa có quy định cụ thể để đạt mục tiêu: xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam như được xác đinh tại Điều 21.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa lưu ý dự thảo luật hiện chủ yếu tập trung quy định đầu vào của cơ chế thử nghiệm mà chưa có quy định về đầu ra như: Việc rút khỏi cơ chế thử nghiệm đang thế nào? Hậu quả pháp lý khi kết thúc cơ chế thử nghiệm ra sao? Vì vậy, đề nghị xem xét bổ sung các quy định này trong dự thảo luật.

Vì vậy, đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu để xác định được nét riêng, nét đặc trưng của văn hoá Thủ đô; đặt văn hóa vào vị trí xứng đáng trong xây dựng và phát triển Thủ đô. Từ đó, dự thảo cần bổ sung các quy định về giáo dục và đào tạo, tuyên truyền và phổ biến những nét đẹp riêng có của Thủ đô, cùng song song với khen thưởng và xử phạt cũng như bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa thủ đô trong dự thảo luật.

Bên cạnh đó, góp ý về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, đại biểu đoàn Lạng Sơn đánh giá cao quy định này và cho rằng đây là quy định đầu tiên ở cấp độ luật điều chỉnh vấn đề hết sức quan trọng này, phúc đáp yêu cầu phát triển khoa học công nghệ. Dự thảo luật đã mở rộng hơn nhiều so với cơ chế thử nghiệm áp dụng cho TP. Hồ Chí Minh, trong Nghị quyết số 98 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.

Tại dự thảo, cơ chế thử nghiệm được áp dụng ở tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị tiếp cận theo hướng thận trọng, bảo đảm kiểm soát tốt. Theo đó, luật nên giới hạn cụ thể một số lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát mà không nên giao UBND thành phố quyết định. Dẫn kinh nghiệm quốc tế, đại biểu cho biết các lĩnh vực được áp dụng cơ chế thử nghiệm sẽ do thị trường quyết định nhưng thường là: tài chính, ngân hàng (Fintech); giáo dục (Edtech); y tế (Medtech).

Quy định cụ thể, thận trọng hơn về cơ chế thử nghiệm mô hình mới

Cũng quan tâm đến quy định về cơ chế thử nghiệm, đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường, dẫn Điều 25 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định về định nghĩa cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; quy định về phạm vi thử nghiệm, quyền hạn quyết định, giới hạn không gian, thời gian, đối tượng... thủ tục có tính chất bao quát như luật chuyên ngành.

Đưa văn hóa vào vị trí xứng đáng trong xây dựng và phát triển Thủ đô
Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam)

Đại biểu đặt vấn đề, quy định như vậy chỉ áp dụng cho Thủ đô hay có thể trở thành “mẫu” cho luật chuyên ngành về sau, vì định nghĩa chung, thủ tục chung… không phản ánh đặc thù hay ưu tiên quyền hạn cho Thủ đô. Theo đại biểu, như vậy Luật Thủ đô dễ xung đột pháp luật chuyên ngành, bởi quy định trước luật chuyên ngành khi chưa có nghiên cứu đầy đủ vì thực tiễn chưa thực hiện, trong khi chưa có nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài về vấn đề này và có những giải trình rõ ràng.

Hiện nay, Chính phủ cũng mới dự thảo nghị định áp dụng cho lĩnh vực tài chính ngân hàng và chỉ quy định khái niệm về cơ chế, phạm vi, đối tượng... trong lĩnh vực này và đang lấy ý kiến, mà chưa có định nghĩa về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Như vậy, dễ có xung đột khi Chính phủ xây dựng nghị định thực hiện trong lĩnh vực cụ thể lại vướng khái niệm chung quy định trong Luật Thủ đô, không bảo đảm tính thống nhất trong kỹ thuật lập pháp.

Cũng theo quy định tại điều 25, “Thử nghiệm có kiểm soát có thể bị giới hạn về không gian địa lý triển khai thực hiện; về quy mô thử nghiệm; về đối tượng được tham gia sử dụng công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, tham gia mô hình kinh doanh được thử nghiệm; về số lượng người dùng hoặc các giới hạn cần thiết khác”. Theo đại biểu đoàn Hà Nam, quy định như vậy không rõ giới hạn vì có những lĩnh vực áp dụng liên quan tới quyền lợi ích của công dân hay quyền con người, quyền bí mật đời tư… thuộc phạm vi Hiến pháp quy định sẽ xử lý như thế nào?

Do đó, đại biểu đề nghị cần sửa quy định tại Điều 25 phù hợp với yêu cầu và thực tế áp dụng ở Việt Nam, theo hướng quy định cơ chế, phạm vi, điều kiện, giới hạn trong theo từng lĩnh vực phù hợp với điều kiện đặc thù, không nên quy định chung để có thể áp dụng tràn lan, dễ sơ hở.