Chủ tịch Quốc hội làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) Hà Nội sẽ được phép thí điểm lập quỹ đầu tư mạo hiểm từ ngân sách nhà nước Cần thiết có chế độ thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô

Sáng 26/3, tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, các đại biểu đã cho ý kiến về dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi. Trước khi thảo luận, các đại biểu đã nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô.

Cho phép Hà Nội thực hiện dự án BT khi có đủ điều kiện

Trong đó, về thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), qua thảo luận tại kỳ họp thứ 6, nhiều ý kiến tán thành việc cho phép Hà Nội thực hiện hợp đồng BT trong một số lĩnh vực và thanh toán cho nhà đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước (NSNN) hoặc bằng quỹ đất để kịp thời huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội trong khi nguồn vốn từ NSNN chưa đáp ứng kịp.

Hà Nội được quyết dự án đường sắt đô thị mô hình TOD sử dụng ngân sách thành phố

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Đối với việc thanh toán hợp đồng BT bằng quỹ đất, có ý kiến còn băn khoăn về cách thức phối hợp đồng bộ giữa đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BT và đấu giá đối với quỹ đất, nhà, tài sản gắn liền với đất để đối ứng cho việc thực hiện dự án BT; việc bảo đảm nguyên tắc xác định giá, bù trừ chênh lệch bằng tiền bởi đây không phải là nội dung mới và khi xem xét, thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) năm 2020, Quốc hội đã thảo luận và quyết định không đưa quy định về hợp đồng BT vào luật.

Trên cơ sở ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng xác định cụ thể các nguyên tắc, điều kiện đối với việc thanh toán hợp đồng BT bằng vốn NSNN hoặc bằng quỹ đất.

Theo đó, hợp đồng BT thanh toán bằng vốn NSNN được thực hiện khi đáp ứng các yêu cầu: áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới hơn, hiện đại hơn so với thiết kế; chi phí thanh toán cho nhà đầu tư thấp hơn dự toán được lập và thẩm định, đã được kiểm toán; thời gian hoàn thành ngắn hơn so với thời gian thiết kế dự tính. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm giám sát quá trình thi công, kiểm định chất lượng công trình, đảm bảo chất lượng, công dụng và các tính năng của công trình khi hoàn thành không thấp hơn thiết kế; xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

Hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất được thực hiện khi đáp ứng các yêu cầu: quỹ đất dùng để thanh toán phải là vùng phụ cận liền kề với dự án đầu tư theo hợp đồng BT, chịu ảnh hưởng trực tiếp các tác động của công trình khi dự án đầu tư hoàn thành; nhà đầu tư được lựa chọn trong cùng một cuộc đấu thầu do UBND TP. Hà Nội tổ chức để chọn nhà đầu tư thực hiện đồng thời cả dự án đầu tư theo hợp đồng BT và dự án đối ứng có sử dụng đất; xác định thời điểm giao đất, thời điểm triển khai dự án đối ứng có sử dụng đất (khoản 5 Điều 40). Quy trình, thủ tục cụ thể để thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT sẽ do Chính phủ quy định chi tiết (khoản 6 Điều 40).

Hà Nội được quyết dự án đường sắt đô thị mô hình TOD sử dụng ngân sách thành phố
Các đại biểu tham dự phiên họp.

Phân quyền cho thành phố trong thực hiện dự án TOD

Về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (Điều 31), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) là mô hình mới, hiện đang triển khai thực hiện thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội.

Dự thảo Luật Thủ đô được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng tập trung phân quyền cho thành phố trong việc điều chỉnh chức năng sử dụng đất trong khu vực TOD, lựa chọn áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các tuyến đường sắt đô thị và một số chính sách đặc thù trong việc đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác, vận hành hệ thống đường sắt đô thị và các khu vực TOD,… (các khoản 2, 4, 6, 7, 8 Điều 31).

Để đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án, tăng quyền tự chủ cho địa phương, dự thảo Luật do Chính phủ trình đề xuất giao HĐND TP. Hà Nội thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đường sắt đô thị không phân biệt về nguồn vốn và tổng mức đầu tư (khoản 3 Điều 31). Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD sẽ do HĐND TP. Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư nếu chỉ sử dụng ngân sách thành phố, không giới hạn về tổng mức đầu tư.

Trong quá trình thảo luận, một số ý kiến cho rằng, các dự án đường sắt đô thị, dự án TOD thường có tổng mức đầu tư rất lớn, ngân sách địa phương khó có thể bảo đảm được mà cần có hỗ trợ từ ngân sách trung ương và nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài. Đây đều là những nội dung cần có sự cho phép, quyết định của Quốc hội mà không thể phân quyền toàn bộ cho địa phương.

Do đó, các ý kiến này đề xuất quy định theo hướng trường hợp có sử dụng kết hợp cả vốn đầu tư công của trung ương thì Quốc hội sẽ xem xét, quyết định. Trong đó sẽ xác định tổng mức tối đa ngân sách trung ương cần đầu tư, nguồn vốn ODA, vốn vay, vốn huy động khác có thể sử dụng cùng một số cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống đường sắt đô thị và phát triển đô thị khu vực TOD.

Trên cơ sở nghị quyết của Quốc hội, HĐND TP. Hà Nội sẽ quyết định chủ trương đầu tư các dự án TOD cho từng tuyến đường sắt cụ thể. Việc quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể TOD cũng cần được thực hiện theo thủ tục đặc biệt so với quy định tại Luật Đầu tư công để bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu cấp bách về phát triển giao thông công cộng tại Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội có thể được thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới

Liên quan đến cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Điều 25), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng xác định nội dung, lĩnh vực được phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát, xác định khung pháp lý cần thiết để TP. Hà Nội có thể cho phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới có phạm vi triển khai áp dụng trên địa bàn thành phố, phù hợp với năng lực kiểm soát của chính quyền thành phố, trong đó cho phép miễn trừ áp dụng một số quy định trong luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định,… phù hợp với phạm vi, yêu cầu, mục đích thử nghiệm.