Luật Quản lý nợ công có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2018

Luật Quản lý nợ công có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2018 hướng đến sử dụng vốn vay sao cho đúng mục đích, không thất thoát, lãng phí, đầu tư công ngày càng hiệu quả.

Đây là bước cụ thể hóa chủ trương của Đảng, giải pháp của Quốc hội, Chính phủ về đảm bảo an toàn, bền vững nền tài chính quốc gia, trong đó có nợ công. Bộ Tài chính được coi là “cánh tay phải” tham mưu, xây dựng, đề xuất các chính sách và giúp Chính phủ huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công.


Quản lý nợ công về một đầu mối đảm bảo hiệu quả

Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (QLN&TCĐN) - Bộ Tài chính nhận định, năm 2017 là năm “bội thu” về chính sách quản lý nợ công. Cục QLN&TCĐN đã nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách và công cụ quản lý nợ, chủ động xác định rõ giải pháp tăng cường quản lý nợ công; chính sách về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ; chính sách về nâng cao hiệu quả cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài. Đặc biệt ngày 23/11/2017, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14, Luật Quản lý nợ công sửa đổi đã được thông qua, đã mở ra một chương mới trong công tác quản lý nợ công.

Luật Quản lý nợ công sửa đổi, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018, là bước ngoặt lớn tăng cường hiệu quả quản lý nợ công để lộ trình vay, trả nợ quốc gia không đè nặng, không gây áp lực quá lớn lên nền tài chính quốc gia… Có thể khẳng định, Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) được Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp này chính là đưa việc vay, trả và sử dụng nợ công đi vào “đường ray, quỹ đạo” ổn định. Luật hướng đến sử dụng vốn vay sao cho đúng mục đích, không thất thoát, lãng phí, đầu tư công ngày càng hiệu quả.

Bên cạnh các nội dung quản lý nhà nước về nợ công, về giám sát việc quản lý nợ công, là quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý nợ công; về xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý nợ công,… Luật quy định: "Nhà nước quản lý thống nhất về nợ công, bảo đảm việc thực thi trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý nợ công. Kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô".

Trước đây, quản lý nợ công của Việt Nam có điểm khác biệt với thông lệ quốc tế là có ba đầu mối tham gia. Trong đó, cả ba cơ quan cùng đi đàm phán, vay nợ, còn Bộ Tài chính là cơ quan duy nhất cân đối nguồn trả nợ. Nay, việc quy định thống nhất, chỉ Bộ Tài chính làm đầu mối quản lý nợ công là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ, đúng tinh thần, chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách bộ máy hành chính. Đồng thời quy định này phù hợp với thông lệ quốc tế, khắc phục tình trạng quản lý phân tán, chồng chéo, không rõ trách nhiệm, không gắn kết giữa việc vay nợ với việc quản lý NSNN và trả nợ công.

Nhiều nét nổi bật trong triển khai cơ chế chính sách

Trong bức tranh chính sách quản lý nợ năm 2017 có thể điểm xuyết thêm một vài nét nổi bật. Cụ thể, Cục QLN&TCĐN đã tham mưu, trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 51/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 07/NQ-TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; trong đó xác định các chủ trương lớn về tăng cường hiệu quả hơn nữa nợ công.

Cục QLN&TCĐN cũng đã triển khai rà soát Chiến lược quản lý nợ công, xây dựng trình kế hoạch trung hạn, kế hoạch hàng năm trên cơ sở mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công gắn với kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

Đặc biệt, Cục QLN&TCĐN đã tham mưu, trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành 2 chính sách liên quan tới nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay nước ngoài. Cụ thể, ngày 28/4/2017, Bộ Tài chính tham mưu xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định 52/NĐ-CP về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 19/2017/QĐ-TTg ngày 5/6/2017 về cơ chế tài chính các dự án trong lĩnh vực y tế.

Chia sẻ về ưu điểm cốt lõi của Nghị định 52, bà Nguyễn Xuân Thảo, Phó Cục trưởng Cục QLN&TCĐN cho hay, Nghị định 52 sẽ nâng cao tính chủ động của địa phương trong quản lý thực hiện dự án và góp phần quản lý hiệu quả nợ của địa phương; là công cụ để phân bổ nguồn lực, ưu tiên sử dụng nguồn ODA cho các địa phương khó khăn; xây dựng và nâng cao năng lực quản lý nợ của địa phương để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo khi Việt Nam không còn tiếp cận được với nguồn vốn vay ODA và chuyển sang vay theo điều kiện thị trường.

Theo nội dung chính của Nghị định 52, khi UBND cấp tỉnh đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi, các tỉnh, thành phải xác định được cơ chế tài chính, tỷ lệ cho vay lại, hiệu quả dự án, khả năng trả nợ. Việc cho vay lại nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi đối với UBND cấp tỉnh đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với khả năng tài chính của ngân sách địa phương.

Đối với cho vay lại chính quyền địa phương, tỷ lệ cho vay lại các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được xác định theo điều kiện của nguồn vốn (vay ODA và vay ưu đãi). Tỷ lệ cho vay lại vốn ODA dự kiến chia làm 5 nhóm, bao gồm 3 nhóm đối với các tỉnh nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương (theo mức độ trợ cấp) và 2 nhóm đối với các tỉnh điều tiết về ngân sách trung ương. Đối với vốn vay ưu đãi, tỷ lệ cho vay lại chia làm 3 nhóm, bao gồm: Nhóm các địa phương khó khăn nhất (được ngân sách trung ương trợ cấp trên 70%) và có huyện thuộc danh mục Nghị quyết 30a của Chính phủ; nhóm các tỉnh khác nhận trợ cấp từ NSTW và nhóm các tỉnh có điều tiết về trung ương. Đối với các dự án đầu tư theo phương thức hợp tác công tư, tỷ lệ cho vay lại thống nhất là 70%.

Năm 2017 khép lại với nhiều thành tựu đáng khích lệ trong công tác quản lý nợ công. Trong năm 2018, nhu cầu đầu tư của Nhà nước còn lớn nên vay nợ nước ngoài, khai thác nguồn lực trong nước sẽ phải được tiếp tục nghiên cứu, triển khai hiệu quả. Vì vậy, công tác quản lý nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia cần tiếp tục tăng cường chặt chẽ hơn nữa, để những công trình sử dụng vốn đầu tư công xứng đáng với ước nguyện và kỳ vọng của nhân dân.

Dự kiến cuối năm 2017, dư nợ công khoảng 62,6% GDP, dư nợ chính phủ khoảng 51,8% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 45,2% GDP, trong giới hạn được Quốc hội cho phép.

Đức Minh