Duy trì chính sách tài khóa nghịch chu kỳ để thúc đẩy tổng cầu
Tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong năm 2024, nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh

Nới lỏng có kiểm soát chính sách tài khóa

Trên thực tế, việc nới lỏng chính sách tài khóa sẽ gây thách thức lên cân đối ngân sách và điều hành chính sách tài khóa năm 2024.

Theo Bộ Tài chính, thực tế trong mấy năm qua chúng ta đã thực hiện chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, thực hiện nới lỏng có kiểm soát chính sách tài khóa nhằm ngăn chặn đà suy giảm, thúc đẩy sự phục hồi nền kinh tế. Nhờ vậy, so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng trong bức tranh tổng thể nền kinh tế thế giới.

Các giải pháp chính sách tài khóa nghịch chu kỳ đã được thực hiện bao gồm: điều chỉnh miễn, giảm, giãn nhiều loại thuế, phí, lệ phí cùng các khoản thu ngân sách khác; tăng chi đầu tư phát triển, chi an sinh xã hội và cải cách chính sách tiền lương, chấp nhận tăng bội chi so với lộ trình kế hoạch 5 năm đã được Quốc hội phê duyệt.

Theo đó, thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong năm 2023, tiếp tục thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với các mặt hàng xăng, dầu và giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2%, giảm tiền thuê đất và hàng chục loại thuế, phí, lệ phí, được cộng đồng doanh nghiệp và người dân hưởng ứng, đánh giá cao, thể hiện sự ứng phó kịp thời của Chính phủ trong việc hỗ trợ nền kinh tế.

Về chi NSNN, nhằm mục tiêu kích thích phục hồi tăng trưởng kinh tế, dẫn dắt, thu hút thêm các nguồn đầu tư ngoài NSNN trong năm 2023, NSNN đã bố trí dự toán chi đầu tư phát triển khoảng 700 nghìn tỷ đồng (gồm cả nguồn vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2020-2025 và vốn của Chương trình phục hồi kinh tế), gấp khoảng 1,5 lần mức đã bố trí trong năm 2022.

Ngoài ra, trong quá trình điều hành còn dành thêm 63.752 tỷ đồng tăng thu, tiến kiệm chi ngân sách trung ương (NSTW) trong năm 2022 để tăng chi cho đầu tư phát triển. Điều này đã và đang tạo thêm động lực quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và trong thời gian tới, đưa vốn “mồi” thu hút thêm đầu tư tư nhân để kích cầu trong nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

Duy trì chính sách tài khóa nghịch chu kỳ để thúc đẩy tổng cầu

Chi NSNN cơ bản đáp ứng các nhu cầu chi theo dự toán, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ và thanh toán chi trả nợ đến hạn, chi trả lương kịp thời và trợ cấp cho các đối tượng thụ hưởng NSNN, thực hiện an sinh xã hội.

Lưu ý cần đảm bảo cân đối thu chi ngân sách nhà nước

Chia sẻ với báo chí, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, bày tỏ sự đồng tình với chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, trong đó, nổi bật là giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu và giảm thuế GTGT 2% là giải pháp rất đúng, rất trúng. Tuy nhiên, khi áp dụng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, phải đảm bảo cân đối thu chi, tránh gây mất cân đối và gây bội chi ngân sách.

Nhờ chính sách tài khóa nới lỏng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy phục hồi, hỗ trợ kinh tế, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, trong khi vẫn đảm bảo an sinh xã hội. Như vậy, có thể thấy việc thực hiện chính sách tài khóa nghịch chu kỳ năm 2023 có hiệu quả nhất định đến tăng trưởng kinh tế mà vẫn đảm bảo cân đối thu, chi NSNN.

Năm 2024 triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong đó, dự báo khó khăn sẽ nhiều hơn thuận lợi. Trong khi đó nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Tài chính hết sức nặng nề: dự toán thu NSNN là 1,7 triệu tỷ đồng; dự toán chi NSNN là 2,1 triệu tỷ đồng; bội chi NSNN là 399,4 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,6% GDP.

Với các kết quả khả quan đã đạt được trong năm 2023, trên cơ sở đánh giá, dự báo những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt trong năm 2024, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và trình các cấp có thẩm quyền tiếp tục thực hiện các chính sách giảm thuế BVMT và GTGT trong năm 2024. Hiện nay, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 110/2023/QH15 về chính sách giảm 2% thuế GTGT từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024.

Dự toán chi đầu tư phát triển năm 2024 là 677,3 nghìn tỷ đồng, tăng 108 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2023 (không kể phần kinh phí bố trí cho Chương trình phục hồi năm 2023), chiếm tỷ trọng 32,2% tổng chi NSNN, là mức cao so với những năm qua. Đồng thời, năm 2024 đã bố trí đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương tổng thể, theo theo Nghị quyết 27-NQ/TWcủa Hội nghị Trung ương khóa XII.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, với việc thực hiện các giải pháp này, kỳ vọng sẽ góp phần giúp nền kinh tế sớm phục hồi và lấy lại được đà tăng trưởng nhanh, ổn định. Vấn đề khó khăn đặt ra cho năm 2024 là phải sử dụng chính sách tài khóa hợp lý để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giữ an toàn tài chính quốc gia. Vì vậy, mức độ nới lỏng cần được tính toán, cân nhắc thận trọng để đạt được đa mục tiêu nói trên, trong đó mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn được coi là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

Đảm bảo nguồn lực cho các công trình đầu tư hạ tầng quan trọng

Vấn đề khó khăn đặt ra cho năm 2024 là phải sử dụng chính sách tài khóa hợp lý để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Vì vậy, mức độ nới lỏng cần được tính toán, cân nhắc thận trọng.

Trong bối cảnh đó, mục tiêu lớn của ngành Tài chính là xây dựng và tổ chức điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm; đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội. Trong đó, đặc biệt chú trọng nguồn lực thực hiện nhanh các công trình đầu tư hạ tầng quan trọng, kết nối vùng và liên vùng; chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội gắn với đẩy mạnh sắp xếp và tinh gọn bộ máy.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính sẽ triển khai quyết liệt một số nhóm giải pháp. Trước hết, thường xuyên theo dõi, dự báo đúng tình hình kinh tế thế giới và trong nước, không để bị động, bất ngờ; tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế khác nhằm giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN, tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống thu ngân sách theo hướng tạo thuận lợi cho người nộp thuế, mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế; quyết liệt công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, thu hồi nợ thuế đúng, đủ, theo kịp yêu cầu phát sinh từ thực tiễn trong nền kinh tế số, giao dịch xuyên biên giới….

Trong năm 2024, Bộ Tài chính tiếp tục quản lý chi NSNN chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tiếp tục cơ cấu lại chi đầu tư công; tập trung nguồn lực bố trí cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách các công trình trọng điểm quốc gia… phấn đấu giải ngân đầu tư công cao hơn năm trước, hạn chế tối đa tình trạng chuyển nguồn.

Đồng thời, đổi mới quản lý chi thường xuyên, tăng cường phân cấp, trao quyền tự chủ, khuyến khích sử dụng nguồn lực phù hợp với nhiệm vụ đặc thù của các bộ, ngành, địa phương; bố trí đủ nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024…