TV10

UBTVQH khai mạc phiên họp thứ 10 sáng 15/5. Ẩnh: H.Y

Sáng 15/5, sau khi khai mạc phiên họp thứ 10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và NSNN những tháng đầu năm 2017.

3 chỉ tiêu đạt thấp so với số liệu đã báo cáo

Tại phiên họp, thừa uỷ quyền của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trình bày báo cáo đánh giá bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, trong đó tập trung những nội dung có thay đổi so với ước thực hiện.

Báo cáo nêu rõ, so với số ước thực hiện đã báo cáo tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XIV của 13 chỉ tiêu, có 6 chỉ tiêu đạt cao hơn, 3 chỉ tiêu đạt thấp hơn so với số liệu đã báo cáo gồm: Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2016 so với tháng 12/2015 là 4,74% (số đã báo cáo là 4%), nhưng vẫn đạt chỉ tiêu là thấp hơn mục tiêu 5%; tốc độ tăng trưởng GDP là 6,21%, (số đã báo cáo là 6,3% - 6,5%); tỷ lệ che phủ rừng là 41,05% (số đã báo cáo là 41,15%).

Trong năm, thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng và thị trường chứng khoán diễn biến tích cực. Thu NSNN đạt khá, vượt dự toán được giao (tăng khoảng 8,6% so với dự toán), nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý thu, trong đó tập trung kiểm tra, rà soát đôn đốc thu thêm cho ngân sách. Tổng vốn đầu tư xã hội năm 2016 ước bằng khoảng 33% GDP. Xuất khẩu hàng hóa tăng cao hơn năm trước nhưng thấp hơn kế hoạch đề ra.

Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2017, Chính phủ cho biết đã có nhiều cải thiện so với quý I. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tuy nhiên, dự báo tình hình kinh tế - xã hội trong thời gian tới vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, lạm phát dự báo chịu nhiều sức ép. Do đó, để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm, Chính phủ tập trung vào một loạt các giải pháp nhanh.

Cụ thể là thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô trong nước, nhằm đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP và không để ngành khai khoáng giảm sâu. Khẩn trương rà soát tất cả các dự án đầu tư đã hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động, các dự án đang còn vướng mắc (như dự án Formosa) nhằm xử lý dứt điểm, nhanh chóng đưa dự án vào hoạt động; tạo điều kiện về mặt thủ tục, đất đai, lao động... để các dự án đã đăng ký nhanh chóng giải ngân, đưa vốn vào nền kinh tế.

Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư để triển khai thực hiện các dự án lớn, trọng điểm của quốc gia như dự án Cao tốc Bắc – Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án chống ngập TP.HCM, đường ven biển.... Thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho vay nông nghiệp công nghệ cao…

Đánh giá về báo cáo bổ sung năm 2016 của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội (UBKTQH) đề nghị Chính phủ cần phân tích cụ thể hơn về một số vấn đề lớn như tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 đạt 6,21% thấp hơn so với kế hoạch đề ra, và thấp hơn số báo cáo tại kỳ họp thứ 2.

Vì vậy, UBKTQH đề nghị làm rõ tính xác thực của các số liệu khi hầu hết các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường đều đạt và vượt trong khi đó chỉ tiêu GDP lại đạt thấp.

UBKTQH cũng lưu ý bài học từ sự cố môi trường của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra tại 4 tỉnh miền Trung cho thấy những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài, đặt ra cho các cơ quan chức năng, các địa phương cần đặc biệt lưu ý tiêu chí bảo vệ môi trường trong lựa chọn các dự án đầu tư, kiên quyết không đánh đổi, cho phép đầu tư các dự án, các loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường.

Mục tiêu tăng trưởng 6,7% là khó thực hiện

Đối với tình hình 4 tháng đầu năm 2017, UBKTQH cơ bản tán thành với kết quả đạt được trên các lĩnh vực như báo cáo Chính phủ đã nêu. Bên cạnh những kết quả đạt được, UBKTQH cũng lưu ý về một số khó khăn, thách thức của kinh tế xã hội trong thời gian tới.

Trước hết, đó là tăng trưởng chưa thực sự bền vững, tăng trưởng của quý I/2017 ước tính tăng 5,1% so với cùng kỳ, thấp nhất so với những năm gần đây. Để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình khoảng 7% nhưng với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3 - 6,5%.

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, không quá coi trọng tốc độ tăng trưởng mà tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng tăng trưởng; cần có đánh giá khi tốc độ tăng trưởng GDP giảm sẽ tác động đến các chỉ tiêu khác như tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách... Bên cạnh đó cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giải pháp thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô và hoạt động khai khoáng trong nước nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng.

Về xuất nhập khẩu, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm tăng 15,4% so với cùng kỳ và dự báo sẽ đạt chỉ tiêu tăng khoảng 6-7%. Tuy nhiên, tốc độ nhập khẩu 4 tháng tăng 24,9% so với cùng kỳ, đây là mức tăng rất cao so với các năm gần đây. Vì vậy, cần phải xem xét kỹ những tác động đến tỷ lệ nhập siêu để có hướng điều chỉnh linh hoạt, giữ mức nhập siêu theo Nghị quyết của Quốc hội.

Với chỉ số CPI bình quân 4 tháng đầu năm tăng 4,8% so với bình quân cùng kỳ, thấp hơn mức bình quân 4,96% của quý I/2017. Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại lạm phát năm 2017 có thể diễn biến phức tạp và sẽ cao hơn chỉ tiêu lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội do chịu áp lực từ sự tăng giá hàng hóa thế giới, áp lực tỷ giá và điều chỉnh giá dịch vụ công và tiền lương.

Nhiều ý kiến cũng băn khoăn về số lượng DN đăng ký thành lập mới trong 4 tháng đạt mức cao nhưng tỷ lệ DN giải thể, ngừng hoạt động cũng rất lớn. Vấn đề nổi lên của DN Việt Nam hiện nay là mặc dù số lượng DN đăng ký thành lập mới tăng mạnh, nhưng chủ yếu là DN nhỏ, siêu nhỏ, quy mô DN đang có xu hướng nhỏ dần và thiếu các DN lớn làm trụ cột; hoạt động của các DN thiếu tính cạnh tranh, thiếu tính liên kết và tinh thần đổi mới, sáng tạo không cao.

Thu hút vốn FDI trong 4 tháng đạt 10,58 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2016. Có ý kiến cho rằng chiến lược thu hút FDI cũng bộc lộ những vấn đề bất cập, đó là các DN FDI được hưởng nhiều ưu đãi nhưng không khai thác được lợi thế của những DN này.

"Tăng trưởng kinh tế hiện nay phụ thuộc nhiều vào ngoại lực, có tính tập trung cao tại một số tập đoàn đa quốc gia lớn chứa đựng bất ổn và không bảo đảm tính bền vững, DN trong nước không kết nối được với DN FDI", UBKTQH nhấn mạnh.

H.Y