Tiêu dùng cuối cùng tăng 7,13%, đóng góp 5,04 điểm phần trăm vào mức tăng GDP chung. Ảnh: Khánh Linh
Ngày 29/3/2018, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức họp báo công bố tình hình kinh tế, xã hội quý I/2018.
Công, nông nghiệp tạo đà cho GDP tăng vọt
Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2018 ước tính tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,05%, đóng góp 0,46 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,70%, đóng góp 3,39 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,70%, đóng góp 2,75 điểm phần trăm.
Đây là mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong việc Chính phủ ban hành các giải pháp và chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, địa phương cùng nỗ lực thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2018.
Phân tích nguyên nhân mức tăng trưởng GDP cao, ông Dương Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (TCTK) cho biết, điểm nhấn đầu tiên phải kể đến sự đóng góp lớn của khu vực vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng trưởng 3,76% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng của quý I các năm 2011 - 2017, đóng góp 0,31 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, cho thấy xu hướng chuyển đổi cơ cấu sản phẩm trong nội bộ ngành theo hướng đầu tư vào những sản phẩm có giá trị kinh tế cao đã mang lại hiệu quả...
Tiếp đến, tăng trưởng của ngành công nghiệp đã đạt mức 10,08%, đóng góp 3,01 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Điểm sáng của khu vực này là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 13,56% . Đây là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung với 2,46 điểm phần trăm. Không những vậy, ngành khai khoáng quý I năm nay đã đạt mức tăng trưởng dương với 0,40% sau hai năm liên tục giảm, đóng góp 0,03 điểm phần trăm do khai thác than, kim loại và khí đốt tăng so với cùng năm trước.
Sau công, nông nghiệp là sự đóng góp của ngành du lịch, đóng góp tỷ trọng rất cao trong GDP chung và tạo sự lan tỏa trong các ngành khác. Cùng với đó, theo ông Hùng, xét về góc độ sử dụng GDP quý I, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,13% so với cùng kỳ năm 2017, đóng góp 5,04 điểm phần trăm vào mức tăng chung; trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư tăng 7,15%, đóng góp 4,65 điểm phần trăm..., cũng góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP nói chung.
Chủ động giải pháp để đạt mục tiêu cả năm
Tuy GDP quý I tăng cao, nhưng theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK, vẫn còn không ít thách thức để nền kinh tế cả nước đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm như đã đề ra.
Trong đó, chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động thấp, lạm phát vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao trở lại, công nghiệp chế biến, chế tạo những tháng cuối năm khó duy trì tốc độ tăng như cùng kỳ năm trước... sẽ là những rào cản hạn chế tăng trưởng.
Để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra cho cả năm 2018, ông Lâm nhấn mạnh, trong thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 1/NQ-CP. Đặc biệt, Chính phủ cần chủ động có chính sách ứng phó với thay đổi bên ngoài, như giải pháp cho việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất cơ bản trong năm 2018 và hấp thụ các luồng tiền từ việc cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp lớn nhằm kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cùng với đó, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, tăng cường kỷ luật tài chính. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế, quản lý chặt kê khai và hoàn thuế giá trị gia tăng. Giám sát chặt chẽ các khoản chi từ ngân sách nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, mua sắm, hội họp...
Đồng thời, tập trung thực hiện tốt kế hoạch sản xuất vụ hè thu, thu đông và vụ mùa năm 2018; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nhất là tình hình hạn hán, xâm nhập mặn để chủ động ứng phó và có biện pháp phòng tránh. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, có giá trị gia tăng cao và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Song song đó, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là công nghiệp chế biến sâu, chế biến sản phẩm nông nghiệp; công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng tiêu dùng.../.
Khánh Linh