Giảm chi phí, kích cầu tiêu dùng

Năm 2022, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nền kinh tế nước ta mở cửa trong trạng thái bình thường mới, tạo tiền đề quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; các hoạt động văn hóa - xã hội dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, giá cả một số hàng hóa đầu vào tăng, nhất là giá xăng dầu, cùng với nguồn nhân lực lao động thiếu hụt cục bộ đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Trong bối cảnh đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai Nghị quyết này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP (Nghị định 15) quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15, trong đó quy định về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) và chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) có hiệu lực từ đầu tháng 2/2022. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm thuế GTGT theo các quy định tại Nghị định 15 đã tác động góp phần kích thích tiêu dùng, gia tăng sản xuất, đã và đang mang lại lợi ích kép cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Giảm thuế giá trị gia tăng giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nguồn tài chính, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. 	 Ảnh: Tuấn Nguyễn
Giảm thuế giá trị gia tăng giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nguồn tài chính, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Điểm nhấn của Nghị định 15 là chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10%. Thuế GTGT là sắc thuế được áp dụng rộng rãi ở gần như tất cả hàng hóa, dịch vụ và có tầm ảnh hưởng rộng nhất trong đời sống người dân. Do đó, việc giảm thuế này không chỉ tiết kiệm chi phí cho người dân, kích cầu tiêu dùng mà còn thúc đẩy đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế - Hải quan (Học viện Tài chính) cho rằng, đây là chính sách đúng đắn và kịp thời, là một trong những biện pháp kích cầu nền kinh tế trong bối cảnh thu nhập của một bộ phận dân cư giảm và một bộ phận doanh nghiệp bị khó khăn do thiếu hụt nhân công, đứt gãy chuỗi cung ứng do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Doanh nghiệp tiết kiệm được nguồn tài chính, thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Thuế GTGT là loại thuế gián thu, được cấu thành trong giá bán của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, do đó khi giảm thuế thì giá hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm, từ đó giúp người dân mua được nhiều hàng hóa hơn với cùng một lượng tiền. Bên cạnh đó, những tác động tích cực của việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% còn giúp doanh nghiệp giảm tiền vốn chi ra để trả tiền thuế GTGT khi mua nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào khác trong một chu kỳ luân chuyển vốn. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được nguồn tài chính tương đương khoảng 2% (bằng tỷ lệ giảm thuế) trong tổng doanh số mua vào của doanh nghiệp. Số tiền này sẽ được đưa vào tái đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.

Theo PGS.TS Lê Xuân Trường, bằng chính sách này, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và hầu hết hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế được giảm 2% thuế suất thuế GTGT. Như vậy, người tiêu dùng có thể mua được hàng với giá rẻ hơn nếu lựa chọn của người kinh doanh là giữ nguyên giá bán chưa thuế GTGT, hỗ trợ nâng cao đời sống nhân dân và qua đó, kích thích tiêu dùng, kích thích sản xuất phát triển.

Chính sách giảm thuế khuyến khích người dân mua sắm, chi tiêu nhiều hơn

Tổng cục Thuế đánh giá, 6 tháng đầu năm 2022, thu từ khu vực sản xuất kinh doanh đạt khá so với dự toán và tăng so cùng kỳ chủ yếu từ việc triển khai thực hiện các chính sách miễn, giảm, kích cầu tiêu dùng như thực hiện Nghị định số 15/2022/NĐ-CP giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ theo quy định, đã khuyến khích người dân mua sắm, chi tiêu nhiều hơn, góp phần tăng thu thuế giá trị gia tăng 13,2% so cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố tác động của chính sách miễn, giảm, gia hạn thì thu thuế giá trị gia tăng tăng 5% so cùng kỳ.

Đối với doanh nghiệp, khi được giảm thuế, doanh nghiệp giữ nguyên giá bán đã có thuế như trước khi giảm thuế (và thị trường chấp nhận điều đó) thì lợi nhuận của người kinh doanh tăng lên tương ứng với phần thuế được giảm. Trong trường hợp này, việc giảm thuế hỗ trợ thêm nguồn lực tài chính cho người sản xuất, kinh doanh. Như vậy, trong cả hai khả năng thì chính sách này đều có tác động tốt đối với doanh nghiệp và người dân.

“Trong ngắn hạn việc giảm thuế GTGT sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước. Tuy vậy, trong trung hạn và dài hạn khi kinh tế tăng trưởng nhờ nhiều chính sách, trong đó có chính sách giảm thuế GTGT để kích cầu thì thu ngân sách nhà nước sẽ tăng ngược trở lại” - PGS.TS Lê Xuân Trường nhấn mạnh.

TS. Mạc Quốc Anh - Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển doanh nghiệp cũng cho rằng, việc giảm thuế GTGT được xem như là đòn bẩy kích cầu tiêu dùng của cả xã hội, qua đó sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp và nền kinh tế sớm phục hồi. Bên cạnh đó, giảm thuế GTGT sẽ kích thích đầu tư nước ngoài, bởi khi chúng ta ưu đãi thuế và phí sẽ giảm giá bán, tăng sức cạnh tranh. Đặc biệt, các nguyên liệu đầu vào cũng có thể được giảm trực tiếp giúp cho sức cạnh tranh của các doanh nghiệp được hỗ trợ tích cực.

Chung quan điểm, GS. TS Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom Việt Nam cho rằng, với việc ban hành kịp thời các chính sách tài khóa phù hợp, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thích ứng, vượt qua thời kỳ dịch bệnh khôi phục sản xuất kinh doanh, sẽ khuyến khích đầu tư, sẽ giúp Việt Nam tìm lại vị thế của mình trong phát triển kinh tế.