Chi phí quản lý Quỹ bảo hiểm y tế những năm gần đây tối đa khoảng 3,5%

Theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định về việc phân bổ và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), mức chi phí quản lý Quỹ BHYT tối đa bằng 5% số tiền đóng BHYT. Mức chi phí quản lý Quỹ BHYT cụ thể hàng năm và nội dung chi thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Nghị định 146 cũng quy định, mức trích quỹ dự phòng là số tiền còn lại sau khi đã trích quỹ quản lý Quỹ BHYT, tối thiểu bằng 5% số tiền đóng BHYT.

Giảm tỷ lệ tối đa chi phí quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế để tăng chi cho hoat động khám chữa bệnh
Giảm tỷ lệ chi phí quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế để tăng chi cho hoạt động khám chữa bệnh. Ảnh: Luyện Vũ

Tại Quyết định 19/2022/ QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quy định mức chi phí quản lý BHYT theo quy định của Luật BHYT bình quân giai đoạn 2022 - 2024 tối đa 3,5% tiền đóng BHYT, được trích từ Quỹ BHYT. Trong đó, năm 2022 tối đa 3,55%, năm 2023 tối đa 3,5% và năm 2024 tối đa 3,45%.

Bộ Y tế cho biết, Quỹ BHYT được quản lý tập trung, thống nhất trên toàn quốc, nhưng đồng thời luật cũng quy định về cách thức xử lý khi có kết dư, hoặc thiếu hụt quỹ khám, chữa bệnh BHYT (tính trên thực tế số thu BHYT) tại các tỉnh, thành phố.

Điều này dẫn đến chưa đồng bộ, nhất quán trong cách thức quy định luật. Bên cạnh đó, luật chưa quy định rõ việc phân bổ quỹ cho chi phí quản lý. Trong nhiều năm qua, phần chi phí quản lý Quỹ BHYT thực hiện hàng năm tối đa khoảng 3,5%, nên cần điều chỉnh quy định cụ thể, phù hợp với thực tiễn.

Hơn nữa, luật cũng chưa quy định rõ việc quỹ dự phòng BHYT kết dư tới bao nhiêu là phù hợp, do vậy quỹ dự phòng đang tích lũy gần 50% quỹ khám chữa bệnh hàng năm, mà chưa có biện pháp điều tiết phân bổ từ đầu năm cho kinh phí khám bệnh, chữa bệnh hoặc tăng quyền lợi, mức hưởng.

Tại báo cáo tổng kết thực hiện Luật BHYT giai đoạn 2009 - 2023, Bộ Y tế cho biết, quỹ dự phòng BHYT do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý, được sử dụng để bổ sung nguồn kinh phí khám chữa bệnh cho các tỉnh, thành phố, trong trường hợp số tiền thu BHYT dành cho khám chữa bệnh theo quy định nhỏ hơn số chi khám chữa bệnh trong năm. Sau khi thẩm định quyết toán, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm bổ sung toàn bộ phần kinh phí chênh lệch này từ nguồn quỹ dự phòng.

Bên cạnh đó, quỹ dự phòng còn được dùng để hoàn trả ngân sách nhà nước kinh phí cấp trùng thẻ BHYT. Hết năm 2022, ước tính số tiền lũy kế quỹ dự phòng còn 55,9 nghìn tỷ đồng.

Từ những thực tế nêu trên, tại dự thảo Luật BHYT sửa đổi, Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh chi phí quản lý quỹ tối đa 5% như quy định hiện hành xuống tối đa 4% cho hoạt động quản lý Quỹ BHYT. Phần còn lại 1% bổ sung ngay vào quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế sẽ được bổ sung khoảng 1.100 tỷ đồng/năm

Bộ Y tế cho biết, việc giảm tỷ lệ chi tối đa dành cho chi phí quản lý Quỹ BHYT từ 5% xuống 4%, phần còn lại 1% bổ sung vào quỹ khám bệnh, chữa bệnh sẽ giúp gia tăng kinh phí chi cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh mức đóng BHYT còn thấp, nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng.

Giảm tỷ lệ tối đa chi phí quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế để tăng chi cho hoat động khám chữa bệnh
Giảm tỷ lệ chi tối đa chi phí quản lý Quỹ Bảo hiểm y tế giúp bổ sung vào quỹ khám bệnh, chữa bệnh mỗi năm khoảng 1.100 tỷ đồng. Ảnh: Luyện Vũ

Khi quỹ khám, chữa bệnh BHYT tăng sẽ góp phần tăng quyền lợi và khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế có chất lượng, từ đó làm giảm tỷ lệ mắc, điều trị các bệnh. Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thông qua đó sẽ làm tăng năng suất, hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.

Theo ước tính, tổng kinh phí được bổ sung vào quỹ khám bệnh, chữa bệnh mỗi năm khoảng 1.100 tỷ đồng sẽ được phân bổ, điều tiết ngay từ đầu năm cho các cơ sở khám, chữa bệnh theo yêu cầu, nhiệm vụ góp phần giảm tình trạng thiếu kinh phí, nợ đọng kéo dài.

Giải pháp này cũng có thể tác động tích cực đến các doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ, hàng hóa cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhờ tăng kinh phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT sẽ góp phần tăng nguồn cung ứng của doanh nghiệp. Đặc biệt, tăng niềm tin vào chính sách BHYT từ đó có thể thu hút người dân tham gia BHYT.

Về giảm nghèo, theo Bộ Y tế, việc ban hành chính sách cũng có tác động đến giảm nghèo thông qua hạn chế chi từ tiền túi của những người dân do tăng tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng. Hơn nữa, việc tăng sức khỏe và cơ hội việc làm cũng sẽ giúp người dân tạo thêm nhiều thu nhập cho bản thân và xã hội.

Cũng theo Bộ Y tế nhận định, việc giảm tỷ lệ chi tối đa cho chi phí quản lý Quỹ BHYT thực tế không ảnh hưởng đến chi phí quản lý thực tế cho hệ thống cơ quan bảo hiểm xã hội.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chi phí quản lý BHYT chỉ chiếm 3,7% tổng số tiền thu BHYT vào năm 2020 và chiếm 3,3% vào năm 2021. Năm 2023, mức lương tối thiểu tăng và sẽ tiếp tục tăng lương do cải cách tiền lương, đồng thời tỷ lệ bao phủ BHYT ngày càng tăng. Do đó, việc đặt mức tối đa 4% tiền đóng BHYT dành cho chi phí quản lý dự kiến không gây tác động tiêu cực đến việc quản lý Quỹ BHYT, bảo đảm ổn định, khả thi.

Điều 32 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi phí quản lý quỹ bảo hiểm y tế gồm:

Chi hoạt động bộ máy của cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp;

Chi các nhiệm vụ về tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật; phát triển, quản lý người tham gia; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; cải cách thủ tục; tổ chức thu; thanh tra, kiểm tra và chi khác theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế;

Chi ứng dụng công nghệ thông tin và đầu tư phát triển.