Còn nhiều khó khăn trong xử lý, bắt giữ

Theo số liệu ước tính của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, năm 2022 có khoảng 816 nghìn tấn đường cát nhập lậu vào Việt Nam (số lượng bắt giữ khoảng 5 nghìn tấn), gây thất thu thuế khoảng 4,9 nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước và người nông dân trồng mía.

Mặt hàng vi phạm chủ yếu là đường cát có xuất xứ từ Thái Lan. Nổi lên là địa bàn các tỉnh, thành phố Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng, Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ.

Riêng những tháng vừa qua của năm 2023, các lực lượng chức năng ở trung ương và các tỉnh, thành phố đã kiểm tra, phát hiện 661 vụ việc vi phạm; 111.994 đối tượng. Qua đó tịch thu 684.492 kg đường cát, tiêu hủy 99.944 kg; xử phạt vi phạm hành chính 523 vụ, 654 đối tượng; xử lý hình sự 3 vụ, 3 bị can. Tổng số tiền phạt gần 1 tỷ đồng.

Gian nan đấu tranh với buôn lậu đường cát
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Đồ họa: Văn Chung

Theo ông Đỗ Hồng Trung - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, mặc dù các lực lượng chức năng đã tích cực, chủ động tiến hành các biện pháp nghiệp vụ phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung và đối với mặt hàng đường cát nói riêng, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp chân chính, bảo đảm an ninh trật tự và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, công tác điều tra, bắt giữ, xử lý đối tượng cầm đầu, chủ mưu còn hạn chế. Nhiều vụ việc không bắt giữ được đối tượng vi phạm. Số vụ, đối tượng bị xử lý hình sự còn thấp. Số vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đường cát bị phát hiện, xử lý chưa tương xứng với tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ.

Ông Trần Vĩnh Chung - Tổng Thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam: Chế tài chưa đủ mạnh

Gian nan đấu tranh với buôn lậu đường cát
Ông Trần Vĩnh Chung

Chỉ xử lý hành chính vận chuyển, kinh doanh đường cát không chứng minh được nguồn gốc là quá nhẹ. Hành vi này cần phải xử lý hình sự về tội buôn lậu (Điều 188) và tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 189).

Đường nhập lậu trốn thuế phải xử lý theo quy định về tội trốn thuế (Điều 200) của luật Hình sự và Quyết định 1578/QĐ-BCT của Bộ Công thương.

Nguyên nhân của những khó khăn trong công tác đấu tranh buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép đường cát chủ yếu là do các đối tượng hoạt động có tổ chức chặt chẽ, trên địa bàn rộng, liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia, thường xuyên thay đổi quy luật hoạt động, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây khó khăn trong phát hiện, bắt giữ, xử lý của lực lượng chức năng.

Trong khi đó, một số nơi, một số đơn vị, địa phương vẫn còn hiện tượng tiếp tay cho buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa nói chung và đối với mặt hàng thuốc lá, đường cát nói riêng qua biên giới.

Công tác kiểm tra, kiểm soát của đơn vị chưa thường xuyên, thống nhất, còn tạo kẽ hở cho các đối tượng hoạt động. Công tác phối hợp ở một số đơn vị, địa phương còn hình thức, hiệu quả chưa cao.

Tăng cường chia sẻ thông tin

Dự báo, thời gian tới, tình hình kinh tế thế giới, khu vực, trong nước tiếp tục đà phục hồi, lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, hành khách, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh qua cửa khẩu biên giới đất liền, cửa khẩu cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu cảng biển ngày càng gia tăng.

Giá mặt hàng đường cát ngoại thấp hơn giá sản phẩm trong nước sẽ là những điều kiện thuận lợi cho đối tượng lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ trái phép đường cát ngoại.

Đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 cho rằng, các hiệp hội, doanh nghiệp đường cát cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, đề nghị các đối tác, hệ thống phân phối thuộc hiệp hội, doanh nghiệp cam kết không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ trái phép và không sử dụng thuốc lá, đường cát ngoại nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Bên cạnh đó, cần hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị cần thiết giúp các lực lượng chức năng thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ trái phép đường cát ngoại.

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng sẽ tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tổng hợp phương thức, thủ đoạn mới, nhận diện vấn đề phức tạp, nổi cộm, khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mặt hàng thuốc lá, đường cát của các đơn vị, địa phương, tổ chức liên quan.

Các lực lượng, đơn vị, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp cũng sẽ thường xuyên trao đổi tình hình, chia sẻ thông tin, phối hợp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mặt hàng đường cát... Đồng thời, các đơn vị tiếp tục rà soát, kiến nghị xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác đấu tranh với những hành vi vi phạm./.