Tại hội nghị phát triển GD&ĐT vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, ĐBSCL là khu vực giàu tiềm năng, có vị trí chiến lược, quan trọng về kinh tế và xã hội của cả nước. Trong thời gian vừa qua, giáo dục và đào tạo của khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các địa phương, có nhiều kết quả rất quan trọng, với sự nỗ lực của toàn thể các cán bộ thầy cô, nhân viên của ngành.

Dù vậy, Bộ trưởng nhìn nhận là GD&ĐT ở khu vực này vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn cần phải khắc phục để phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Giáo dục và đào tạo Đồng bằng sông Cửu Long đã thoát khỏi
Quang cảnh hội nghị

Tại hội nghị, đại diện các địa phương vùng ĐBSCL đã trao đổi, chia sẻ những kết quả, kinh nghiệm, cũng như khó khăn, vướng mắc và đề xuất nhằm phát triển GD&ĐT địa phương và cả vùng. Trong đó tập trung vào phát triển mạng lưới quy mô trường lớp; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, kiên cố hóa trường lớp học; phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng dù vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, giáo dục phổ thông ở khu vực ĐBSCL đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Theo người đứng đầu ngành giáo dục của cả nước, trong vòng 10 năm qua, GD&ĐT của khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã có những bước tiến quan trọng, đạt được nhiều thành quả nhất định.

Qua các số liệu, minh chứng cho thấy, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh, giáo dục và đào tạo của khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã thoát khỏi “vùng trũng” của cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định rằng, năm học 2023 - 2024 là thời điểm nước rút để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, nên chắc chắn nhu cầu về giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị sẽ có tính cấp bách và nhiều thách thức đang chờ ở phía trước. Mỗi tỉnh, thành phố vả cả vùng ĐBSCL tuy có vấn đề chung nhưng tình hình khác nhau, có địa phương thuận lợi, cũng có địa phương khó khăn. Do đó, các địa phương cần tập trung phối hợp với Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành để đề xuất chính sách đầu tư, khắc phục những khó khăn, đưa giáo dục của cả vùng cùng tiến với tốc độ tốt hơn trong giai đoạn tới.

Bộ GD&ĐT sẽ xác định hàng loạt việc phải làm nhằm tăng cường sự quan tâm tới giáo dục và đào tạo khu vực ĐBSCL. “Khó khăn còn nhiều, thách thức lớn nhưng hoàn toàn có thể lạc quan, tính trước hướng phát triển của giáo dục ĐBSCL trong thời gian tới”, Bộ trưởng chia sẻ.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học 2019-2020, vùng ĐBSCL có tổng số có 2.002 cơ sở giáo dục mầm non với 584.099 trẻ em; 5.671 cơ sở giáo dục tiểu học với 1.251.886 học sinh; 1.341 cơ sở giáo dục THCS với 994.697 học sinh; 350 cơ sở giáo dục THPT với 433.072 học sinh. Toàn vùng có 176.173 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông.