Thị trường đối mặt nhiều khó khăn
Tại hội thảo “Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản (BĐS) trong giai đoạn hiện nay” được Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đánh giá, dù thể hiện vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhưng thị trường BĐS Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nói riêng thời gian qua chưa thực sự phát huy hết tiềm năng và thế mạnh, nhiều mảng thị trường chưa được khai thác và đầu tư có hiệu quả. BĐS công nghiệp, du lịch, giải trí mới chỉ tập trung ở một số vùng miền, chưa tạo được động lực và sức hút sâu rộng ở các địa bàn trong cả nước. Nhiều phân khúc thị trường còn gặp những rào cản, vướng mắc lớn. Nguồn tài nguyên đất đai tiềm năng chưa được khai thác một cách tối ưu.
Thị trường bất động sản năm qua bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Ảnh: TL |
“Thực trạng trên xuất phát từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, song không thể phủ nhận rằng, cơ chế và chính sách đối với thị trường BĐS trong thời gian qua còn những hạn chế nhất định. Nhiều vấn đề mới được đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu và có giải pháp phù hợp hơn như pháp lý cho các loại hình BĐS du lịch, BĐS văn phòng kết hợp nhà ở, trung tâm thương mại… Các quy trình, thủ tục pháp lý về tiếp cận đất đai, vận hành dự án, về cơ chế bảo đảm phòng ngừa rủi ro cho các chủ thể tham gia thị trường còn hạn chế nên tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, tranh chấp…”- Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá, thị trường BĐS năm qua bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, nhất là quý III/2021. Tình trạng mất cân đối cung - cầu rất nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Điều này khiến giá bất động sản đã leo thang ở mức cao. Trong bối cảnh thị trường bị tác động mạnh bởi dịch bệnh và các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế, các doanh nghiệp BĐS cũng phải trải qua một thời kỳ rất khó khăn khi phải vượt qua nhiều thách thức cả khách quan lẫn chủ quan từ thị trường.
“Bằng chứng là hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh BĐS đã phải dừng hoạt động, thậm chí phá sản, giải thể. Các doanh nghiệp đang bám trụ được thì gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục đầu tư do thời gian phê duyệt, cấp phép xây dựng bị kéo dài, đồng thời các vướng mắc trong quy định pháp luật chưa được tháo gỡ khiến quá trình phê duyệt hồ sơ đầu tư dự án bị đình trệ. Hậu quả là, nguồn cung trên thị trường BĐS trong năm qua khó cải thiện, các chủ đầu tư khó khăn trong thu hồi vốn đầu tư nhưng vẫn phải “gồng” lỗ để duy trì các hoạt động xây dựng, đầu tư, kinh doanh”, ông Đính cho hay.
Kiến nghị giải pháp tháo gỡ
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP Invest nhìn nhận, ách tắc lớn nhất trên thị trường BĐS hiện nay là do khung pháp lý. Có lẽ chính vì BĐS phải chịu sự tác động điều tiết của 12 Luật khác nhau. Trong đó, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đất đai, Luật Đầu tư… là “xương sống” của thị trường nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, thiếu đồng bộ.
Theo ông Hiệp, đối với các doanh nghiệp BĐS, hàng rào lớn nhất hiện tại có lẽ là quy định phải có 100% đất ở mới được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhà ở thương mại. Chính vì vậy, doanh nghiệp rất mong mỏi sửa đổi vướng mắc về thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư, dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp.
Ngoài ra, theo ông Hiệp, một vướng mắc khác cũng gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp BĐS liên quan đến bất cập của Luật Đất đai 2013. Hiện chưa có quy định nào cụ thể nên hệ số đền bù giữa các tỉnh khác nhau, quyền lợi của người nông dân khi đền bù khác nhau. Nếu hệ số đền bù của tỉnh đưa ra thấp, doanh nghiệp rất khó đàm phán với người dân để đền bù giải tỏa mặt bằng. Quy trình thu hồi đất của dân gồm khoảng 177 bước, cực kỳ dài dòng khiến các doanh nghiệp khó khăn không cách nào gỡ được, dẫn đến ách tắc trong việc triển khai dự án.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Lập - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo BĐS đánh giá, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nền kinh tế đang gặp quá nhiều khó khăn, việc khơi thông hành lang pháp lý để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và bền vững ở thị trường BĐS sẽ góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế, thu hút nguồn lực trong xã hội tham gia đầu tư vào nền kinh tế, góp phần ổn định an sinh, đáp ứng nhu cầu vô cùng cấp thiết về chỗ ở của người dân, đặc biệt là nhà ở cho tầng lớp bình dân và thu nhập thấp.
Theo ông Lập, sự phát triển ổn định, lành mạnh của thị trường BĐS đang gần như phụ thuộc hoàn toàn vào sự đột phá trong khâu xây dựng hành lang pháp lý, đảm bảo tính xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Và nền kinh tế quốc gia, với sự đóng góp to lớn từ ngành BĐS cũng đang trông chờ vào sự thay đổi này.
Khoảng 400 dự án bị ách tắc bởi quy định pháp lý Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GP Invest, hiện có khoảng 400 dự án trên toàn quốc đang bị ách tắc bởi quy định phải có 100% đất ở mới được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhà ở thương mại, do chỉ có khoảng 5% doanh nghiệp có thể đảm bảo 100% đất ở, còn đa phần các doanh nghiệp sở hữu các loại đất khác hoặc đất hỗn hợp (đất phi nông nghiệp, đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở). |