Giải phóng mặt bằng, đảm bảo quyền lợi của người dân
Giải phóng mặt bằng, đảm bảo quyền lợi của người dân. Ảnh: TL

Giải phóng mặt bằng đạt trên 86%

Theo báo cáo tại Hội nghị giao ban Ban chỉ đạo về tiến độ triển khai thực hiện dự án trên địa bàn TP. Hà Nội do Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội chủ trì ngày 3/8, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, tính đến ngày 28/7/2023, các quận/huyện đã giải phóng mặt 686,54 ha trên tổng 793,8ha, đạt 86,49% diện tích đất thu hồi. Tính đến ngày 28/7/2023, các quận/huyện đã di chuyển 6.258 ngôi mộ, đạt tỷ lệ 62,37%.

Về công tác đầu tư xây dựng các khu tái định cư, có 14 khu tái định cư được đầu tư xây dựng để phục vụ thu hồi đất ở thực hiện dự án. Đến nay có 2 khu ( tại huyện Sóc Sơn và huyện Thường Tín) đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và 12 khu đang triển khai các thủ tục liên quan...

Dự án vành đai 4 Vùng Thủ đô có chiều dài 112,8km (gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối). Tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỷ đồng. Thời gian thi công từ năm 2023 đến 2027. Dự án đi qua 3 tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh với 7 dự án thành phần. Trong đó, mỗi tỉnh phụ trách một dự án GPMB, một dự án đường song hành qua địa bàn tỉnh mình. Riêng dự án cầu cạn cao tốc toàn tuyến sẽ đầu tư theo phương thức BOT và giao Hà Nội quản lý.

Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Ban Quản lý dự án (QLDA), đơn vị tư vấn đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và các tỉnh có liên quan rà soát, xây dựng phương án, cập nhật số liệu khảo sát của các mỏ vật liệu khoáng sản dùng làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án. Ban QLDA đã có báo cáo về tình hình khảo sát các mỏ vật liệu đất đắp, cát đắp phục vụ thi công dự án.

Trong quá trình triển khai thực hiện dự án thành phần 2.1, các nhà thầu thi công, doanh nghiệp cung cấp cũng đã có các văn bản đề nghị bổ sung, chấp thuận đưa các mỏ vật liệu vào hồ sơ khảo sát phục vụ dự án. Ban QLDA và đơn vị tư vấn sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật các mỏ vật liệu vào hồ sơ khảo sát vật liệu phục vụ dự án…

Giải phóng mặt bằng, đảm bảo quyền lợi của người dân
Quang cảnh buổi làm việc.

Quyết liệt công tác giải phóng và bàn giao mặt bằng

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là dự án trọng điểm quốc gia. Thời gian qua, thành phố đã triển khai quyết liệt, bước đầu đáp ứng yêu cầu, tổ chức khởi công vào ngày 25/6 vừa qua.

Quá trình sau khởi công, Bí thư Hà Nội đánh giá việc triển khai dự án đang bị "chậm lại một chút". Trong đó, giải phóng mặt bằng luôn là công việc khó khăn, đặc biệt với Hà Nội. Riêng với dự án Vành đai 4, diện tích giải phóng mặt bằng không lớn nhưng liên quan nhiều hộ dân, một số vị trí còn khó khăn cho công tác này...

Theo yêu cầu, dự án phải cơ bản hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào khai thác, sử dụng. Ông Dũng đề nghị các quận, huyện cần tiếp tục quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, nhất là việc di chuyển mộ.

Cùng với đó, các địa phương cần tập trung triển khai 14 dự án tái định cư cho người dân, bảo đảm các yếu tố sinh kế cho người dân ổn định cuộc sống.

"Quan tâm đến rà soát, kiểm đếm, khung giá đất để bảo đảm triển khai tái định cư, có phương án tạm cư nếu các dự án chưa bảo đảm tiến độ, hạ tầng khi đầu tư chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng đủ điều kiện sống của người dân; có kế hoạch chống tái lấn chiếm đối với phần diện tích đã giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án quy hoạch, triển khai tiếp đó. Quá trình triển khai không được làm mất quyền lợi của người dân nhưng vẫn phải đảm bảo mặt bằng thực hiện dự án” - Bí thư Thành ủy yêu cầu.

Đối với thi công các công trình ngầm, nổi, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu, các sở, ngành, quận/huyện phối hợp với các cơ quan chức năng sớm hoàn thành hồ sơ trình thẩm định để thực hiện theo quy định.

Đối với Dự án thành phần 3, Bí thư Thành ủy chỉ đạo, các đơn vị liên quan hoàn thành xong phần thẩm định và sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, tăng cường sự phối hợp của các sở, ngành thành phố với các địa phương; giữa địa phương với địa phương và sở, ngành thành phố với các cơ quan trung ương; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thoát, lãng phí.