Hà Nội siết chặt an toàn thực phẩm dịp tết và lễ hội Xuân 2024
Hà Nội siết chặt an toàn thực phẩm dịp tết và lễ hội Xuân 2024.

Xử phạt hơn 4,75 tỷ đồng tù vi phạm an toàn thực phẩm

Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 đang tới gần, đồng thời sau Tết Nguyên đán là mùa lễ hội diễn ra trên phạm vi cả nước với nhiều lượt khách tham dự. Đây là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, các loại hạt có dầu…

Để bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) cho người tiêu dùng trên địa bàn, UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân năm 2024.

Thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra kiểm soát an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng thực phẩm, đảm bảo tốt công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội xuân. Qua đó, nâng cao trách nhiệm trong công tác chỉ đạo quản lý an toàn thực phẩm của các cấp, các ngành.

Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm Hà Nội thành lập 4 đoàn liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm ATTP. Đồng thời, các quận, huyện, thị xã cũng thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác bảo đảm ATTP phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội Xuân năm 2024 tại các xã, phường, thị trấn.

Theo Ban Chỉ đạo công tác ATTP TP. Hà Nội, sau 1,5 tháng ra quân (tính từ ngày 15/12/2023 cho đến nay), các đoàn đã kiểm tra được 5.725 cơ sở, phát hiện 899 cơ sở vi phạm và xử phạt 843 cơ sở, với tổng số tiền phạt là hơn 4,75 tỷ đồng, đồng thời nhắc nhở và cảnh cáo 56 cơ sở.

Ngoài ra, trong năm 2023, các đoàn liên ngành của TP. Hà Nội và 30 quận, huyện, thị xã đã phối hợp kiểm tra, phát hiện và xử lý gần 200 cơ sở vi phạm ATTP; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1,2 tỷ đồng.

Điều đó cho thấy, dù đã được cải thiện nhưng thị trường thực phẩm vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn.

Hà Nội siết chặt an toàn thực phẩm dịp tết và lễ hội Xuân 2024
Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 1 của TP.Hà Nội kiểm tra siêu thị WinMart Nhật Tân.

Kiểm tra đột xuất bất kỳ mặt hàng nào, địa bàn nào

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh, thời điểm này là cao điểm các mặt hàng thực phẩm phục vụ tết tràn vào thị trường. Do đó, các đoàn kiểm tra cần tiếp tục tăng cường công tác thanh kiểm tra. Đặc biệt là tăng cường kiểm tra đột xuất bất kỳ mặt hàng nào, địa bàn nào, qua đó, bảo đảm ATTP tết cho người dân.

Bà Vũ Thu Hà yêu cầu ba sở, ngành: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tăng cường kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, phát hiện kịp thời các thực phẩm không bảo đảm chất lượng để cảnh báo đến người tiêu dùng. Đặc biệt, các sở, ngành chức năng, địa phương cần tập trung cao độ, hành động quyết liệt trước, trong và sau tết nhằm bảo đảm ATTP phục vụ người dân. Các ngành, địa phương cũng cần xác định rõ địa bàn trọng điểm cần tập trung bảo đảm ATTP, đồng thời chủ động tiến hành thanh, kiểm tra theo thẩm quyền.

Từ nay đến ngày 15/3/2024, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 1 của TP.Hà Nội sẽ tiếp tục kiểm tra an toàn thực phẩm tết và lễ hội Xuân tại các quận, huyện: Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín, Tây Hồ, Sóc Sơn và Mỹ Đức.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý ATTP, Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) Hà Nội Đặng Thanh Phong khuyến cáo, người tiêu dùng cần thận trọng trong lựa chọn thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm an toàn.

Thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội sẽ đẩy mạnh phối hợp liên ngành, cảnh báo nhanh sự cố về ATTP trên toàn thành phố. Ngành Y tế tăng cường công tác thanh kiểm tra, trọng tâm là cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Giáp Thìn và các lễ hội, các cơ sở dịch vụ ăn uống xung quanh khu vực tổ chức lễ hội xuân lớn; chủ động kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP, kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Để thuận lợi cho việc quản lý an toàn thực phẩm ở địa phương, chính quyền TP. Hà Nội đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng phần mềm hệ thống thông tin dùng chung của các đơn vị thuộc bộ, địa phương để kết nối, chia sẻ thông tin, cung - cầu sản phẩm nông lâm thủy sản giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở thu mua, chế biến, phân phối sản phẩm và các vùng nguyên liệu nông lâm thủy sản trên toàn quốc. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường giới thiệu các doanh nghiệp lớn, có năng lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, giết mổ, chế biến, chợ đầu mối nông sản… trên địa bàn thành phố.