ngap

Hà Nội cần đẩy nhanh quá trình thực hiện quy hoạch thoát nước

Theo nhiều chuyên gia, Hà Nội cần đẩy nhanh quá trình thực hiện quy hoạch thoát nước, đặc biệt, cần có những cơ chế hữu hiệu để thúc đẩy nhiều nhà đầu tư (NĐT) tham gia vào lĩnh vực thoát nước, bắt kịp với quá trình đô thị hóa của Thủ đô.

Phố thành sông sau mưa!

Ngày 25/5 vừa qua, Hà Nội chứng kiến trận mưa lớn nhất từ đầu năm đến nay, với số điểm ngập úng trong khu vực nội thành lên tới hơn 30 điểm, và theo so sánh của các cơ quan chức năng, trận mưa này tương đương với trận mưa lịch sử năm 2008 tại Hà Nội. Tuy nhiên thực tế, không kể đến mưa rất lớn như trận mưa đầu mùa vừa rồi thì tình trạng cứ sau mỗi trận mưa to, nhiều địa điểm tại Hà Nội lại “chìm trong biển nước” đã trở thành hiện tượng xảy ra thường xuyên tại Thủ đô.

Chia sẻ với phóng viên TBTCVN, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, sau khi mở rộng, Hà Nội đã có quy hoạch thoát nước được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2013, tuy nhiên việc thực hiện đến nay vẫn còn hạn chế, thậm chí quy hoạch thoát nước đang bị chậm lại so với quá trình đô thị hóa.

Bên cạnh đó, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, việc quản lý xây dựng của các cơ quan chức năng vẫn còn những yếu kém. Theo phân tích của ông Liêm, vấn đề cao độ nền là một điểm quan trọng ảnh hưởng đến việc thoát nước trong đô thị. Theo đó, mỗi một khu đô thị mới khi xây dựng đều phải tuân theo cao độ nền bình quân của khu vực ấy. Thế nhưng, do việc quản lý tuân thủ xây dựng theo cao độ nền chung của chính quyền còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng khu đô thị này cao độ nền cao hơn khu đô thị khác, gây xung đột về hệ thống thoát nước. Đặc biệt, dù đã có quy chế về việc các khu đô thị mới phải gắn kết với hệ thống chung, song do ít bị giám sát sau xây dựng, nên nhiều chủ đầu tư chỉ xây dựng những hệ thống thoát nước nội bộ, mà lờ đi việc đầu tư cho quá trình kết nối với hệ thống chung, nên xảy ra hiện tượng xung quanh nước đã rút nhưng trong khu đô thị vẫn ngập.

Ngoài ra, theo ông Trần Ngọc Chính, trên địa bàn thành phố hiện vẫn còn tồn tại tình trạng tập kết rác trên các rãnh vỉa, miệng ga thu, thoát nước; khi mưa, các túi rác sẽ theo dòng chảy làm giảm khả năng tiêu thoát nước. Cùng với đó, nhiều công trình lớn đang thi công làm ảnh hưởng đến dòng chảy trên các tuyến sông, kênh mương khi mưa lớn…

Cần cơ chế thúc đẩy NĐT tham gia vào lĩnh vực thoát nước

Ông Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho rằng, hiện nay việc đầu tư vào lĩnh vực thoát nước còn rất khó khăn, bởi có suất đầu tư ban đầu lớn, trong khi thu hồi vốn chậm nên kêu gọi các NĐT tư nhân vào lĩnh vực này bị hạn chế.

Cũng theo ông Tiến, Hà Nội mới chỉ có Dự án thoát nước, cải thiện môi trường Hà Nội giai đoạn I và giai đoạn II là dự án trọng điểm, sử dụng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản. Hiện dự án mới hoàn thành xong giai đoạn I, giai đoạn II của dự án được khởi động từ năm 2006 và dự kiến hoàn thành năm 2014, sau đó lùi sang năm 2015 nhưng đến nay vẫn còn dang dở. “Một dự án thoát nước lớn do Nhật Bản hỗ trợ, thì chỉ giải quyết được một phần, chứ không thể giải quyết được toàn bộ vấn đề thoát nước của Thủ đô, do đó cần có chính sách mới để thúc đẩy những NĐT tư nhân tham gia rộng rãi vào lĩnh vực này”, ông Tiến nhấn mạnh.

Theo khuyến nghị của ông Tiến, Nhà nước cần ban hành giá dịch vụ thoát nước để làm cơ sở kêu gọi đầu tư. Hiện giá dịch vụ thoát nước vẫn đang tính bằng 10% giá dịch vụ nước sạch thì rất ít NĐT mặn mà tham gia vào lĩnh vực thoát nước. Trong khi đó, ở nhiều nước trên thế giới, giá dịch vụ thoát nước gấp 1,5 - 2 lần giá dịch vụ nước sạch.

Ngoài ra, theo ông Tiến, Hà Nội cần ban hành quy định quản lý thoát nước địa phương, trong đó, phải quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị tham gia vận hành hệ thống thoát nước. Mặt khác, cần tuyên truyền đến người dân, để nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế xả rác thải, phế liệu xây dựng bừa bãi… gây cản trở những hệ thống thoát nước…

“Một thời gian dài Hà Nội đã chuyển đổi rất nhiều đất cây xanh, hồ điều hòa, đất nông nghiệp thành đất ở. Quá trình bê tông hóa hầu hết diện tích mặt đất đô thị đã làm giảm khả năng thấm tiêu nước mưa, dẫn tới Hà Nội cứ mưa lớn là ngập”.

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

Thiện Trần