ha noi

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Lê Hải

Ngày 28/11, Hội nghị lần thứ 2, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội đã thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của thành phố; phương hướng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, 3 năm 2021 - 2023.

Giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến tổng thu ngân sách khoảng 1.362,2 nghìn tỷ đồng

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, tăng trưởng GRDP năm 2020 của thành phố ước đạt 3,94%, tuy không đạt kế hoạch nhưng là mức cao so với các tỉnh, thành phố và gấp 1,5 lần mức chung của cả nước. Bình quân giai đoạn 2016 - 2019, GRDP tăng 7,36%. Quy mô GRDP năm 2020 ước đạt 1,024 triệu tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người ước đạt 5.250 USD, tăng 1,43 lần so với năm 2015 và gấp 1,9 lần bình quân cả nước.

Bên cạnh đó, cân đối thu - chi ngân sách của thành phố được đảm bảo. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2020 ước thực hiện 279.359 tỷ đồng, đạt 100,2% dự toán Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố giao, tăng 3,5% so với thực hiện năm 2019.

Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 87.461,9 tỷ đồng, đạt 84,7% dự toán HĐND thành phố giao đầu năm (91,5% dự toán sau điều chỉnh). Trong đó, chi đầu tư phát triển dự kiến đạt 40.743,9 tỷ đồng, bằng 90,7 dự toán giao đầu năm (93,0% dự toán sau điều chỉnh)...

Theo Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Việt Hà, giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội dự kiến tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn khoảng 1.362,2 nghìn tỷ đồng, bình quân 272,4 nghìn tỷ đồng/năm; tổng chi ngân sách khoảng 593,5 nghìn tỷ đồng.

Hà Nội từng bước cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng chi thường xuyên ở mức dưới 50% tổng chi ngân sách địa phương. Thành phố cũng đặt mục tiêu huy động tổng vốn đầu tư xã hội đạt 3,1 triệu tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư khu vực nhà nước chiếm khoảng 32 - 32,5%; vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước khoảng 51,5 - 52,0% và vốn đầu tư nước ngoài khoảng 15,5 - 16%...

Hoàn thành 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của năm 2021

Cũng theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, năm 2021, Hà Nội đề ra 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, GRDP tăng khoảng 7,5%; vốn đầu tư xã hội tăng khoảng 12%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5%; giảm 20% số hộ nghèo theo chuẩn mới của thành phố; số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 85 trường; tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch 85%; số xã nông thôn mới tăng thêm 14 xã...

Để thực hiện, thành phố sẽ tập trung thực hiện 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiếp tục thực hiện tốt “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất kinh doanh; chủ động triển khai thực hiện tốt 2 nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù; nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển...

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cơ bản nhất trí, đồng tình về những định hướng lớn, khung chính sách về kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách và đầu tư công trung hạn do Ban Cán sự Đảng UBND thành phố trình và cho rằng, các kế hoạch này đã quán triệt đầy đủ mục tiêu tổng quát đến năm 2025, 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá, 14 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho cả giai đoạn 5 năm đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần thực hiện trong thời gian tới, là tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Xây dựng, ban hành mới hoặc sửa đổi Nghị quyết 13/2016/NQ-HĐND của HĐND thành phố về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2022 - 2025, kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm 2021 - 2025.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi Quyết định số 41/QĐ-UBND của UBND thành phố quy định về phân cấp kinh tế - xã hội và nhiệm vụ thu, chi ngân sách; thực hiện tốt các giải pháp thu ngân sách bền vững. Đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng giảm tỷ trọng chi thường xuyên, dành nguồn chi đầu tư phát triển...

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ yêu cầu các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ phải bắt tay ngay vào tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch đã đề ra nhằm sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII đi vào cuộc sống.

Phúc Nguyên - Lê Hải