Dự thảo quy định, tài sản thực hiện mua sắm tập trung là các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục mua sắm tập trung, trừ tài sản của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài.

Tài sản thuộc danh mục bí mật quốc gia; tài sản mua sắm từ nguồn vốn viện trợ, tài trợ, nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án sử dụng vốn nước ngoài mà nhà tài trợ có yêu cầu về mua sắm khác với quy định tại Thông tư này cũng không thuộc danh mục mua sắm tập trung.

Các đơn vị khi thực hiện mua sắm tập trung phải đáp ứng 5 yêu cầu cơ bản. Trong đó, việc mua sắm phải theo đúng tiêu chuẩn, định mức quy định; thực hiện mua sắm trong phạm vi nguồn kinh phí được phép sử dụng, bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm và có hiệu quả.

Đồng thời bảo đảm mua sắm đồng bộ, hiện đại phù hợp với yêu cầu, nội dung hoạt động và quá trình cải cách nền hành chính nhà nước, cải cách tài chính công. Việc mua sắm tập trung phải được thực hiện thông qua đơn vị mua sắm tập trung; và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.

Kinh phí mua sắm tập trung gồm kinh phí NSNN; công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương; nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA; nguồn viện trợ, tài trợ…

Ngoài ra, kinh phí mua sắm tập trung còn được thực hiện từ nguồn thu từ phí, lệ phí; kinh phí từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập.

Đối với cách thức thực hiện mua sắm tập trung, dự thảo quy định lựa chọn một trong hai cách thức trên cơ sở cụ thể hóa quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật đấu thầu.

Theo đó, cách thức thứ nhất là mua sắm tập trung theo ký thỏa thuận khung. Để thực hiện, đơn vị mua sắm tập trung tập hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp lựa chọn nhà thầu, ký thỏa thuận khung với nhà thầu được lựa chọn.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài sản trực tiếp ký hợp đồng mua sắm với nhà thầu được lựa chọn, trực tiếp thanh toán cho nhà thầu được lựa chọn (trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao giao dự toán cho đơn vị mua sắm tập trung), tiếp nhận tài sản, hồ sơ về tài sản và thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, chế độ bảo hành, bảo trì từ nhà thầu được lựa chọn.

Cách thức thứ hai là mua sắm tập trung theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp. Theo đó, đơn vị mua sắm tập trung tập hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp lựa chọn nhà thầu, trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn và trực tiếp thanh toán cho nhà thầu.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài sản tiếp nhận tài sản, hồ sơ về tài sản và thực hiện chế độ bảo hành, bảo trì từ nhà thầu được lựa chọn.

Bộ Tài chính cho biết, việc áp dụng từng cách thức mua sắm được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

N.P