Điện tử hóa công tác dự báo luồng tiền
Triển khai Nghị định số 24/2016/NĐ-CP quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước (NQNN), KBNN đã từng bước cải cách QLNQ theo hướng an toàn và hiệu quả. Trên cơ sở hình thành hệ thống tài khoản thanh toán tập trung, vào cuối ngày làm việc, KBNN đã tập trung toàn bộ số dư ngân quỹ từ địa phương về trung ương và gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Việc làm này một mặt giúp cho việc điều hành thanh khoản NQNN, mặt khác đã hỗ trợ NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ, ổn định thị trường ngoại hối.
Phân hệ dự báo luồng tiền được KBNN xây dựng đầu tiên trong hệ thống QLNQ và được vận hành từ tháng 1/2019 đã điện tử hóa công tác dự báo luồng tiền từ khâu thu thập, xử lý dữ liệu và thực hiện dự báo, giúp cho công tác dự báo luồng tiền trong hệ thống KBNN được kịp thời, giảm thiểu rủi ro trong quá trình điều hành NQNN. Trên cơ sở kết quả dự báo luồng tiền, KBNN đã xây dựng và báo cáo Bộ Tài chính phê duyệt phương án điều hành NQNN quý, năm theo quy định làm căn cứ cho việc triển khai các nghiệp vụ đầu tư, đi vay NQNN.
Công chức Kho bạc nhà nước Bắc Giang đang thực hiện kiểm tra dữ liệu ngân sách trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của KBNN. Ảnh: Hạnh Thảo |
Từ tháng 12/2020, với việc triển khai phân hệ gửi có kỳ hạn NQNN tạm thời nhàn rỗi tại ngân hàng thương mại (NHTM) trên hệ thống QLNQ, KBNN đã chuyển từ thực hiện gửi tiền theo phương thức thủ công (giai đoạn đầu), bán điện tử (đầu năm 2020) sang phương thức điện tử. Từ đây, các giao dịch gửi có kỳ hạn được thực hiện an toàn, bảo mật, minh bạch, đơn giản, thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả NHTM và KBNN. Toàn bộ quy trình giao dịch (từ bước KBNN gửi thông báo nhu cầu gửi tiền có kỳ hạn; NHTM gửi bản chào nhận tiền gửi; KBNN mở bản chào, xác định kết quả lựa chọn NHTM để gửi tiền có kỳ hạn; KBNN gửi thông báo kết quả lựa chọn NHTM để gửi tiền có kỳ hạn đến bước ký kết phụ lục hợp đồng gửi tiền) được thực hiện trên hệ thống QLNQ. Tổng thời gian thực hiện một giao dịch gửi tiền trong 4 ngày làm việc (rút ngắn 2 ngày so với quy định).
Ông Lưu Hoàng - Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ KBNN cho biết, thực hiện quy trình gửi có kỳ hạn NQNN tạm thời nhàn rỗi tại NHTM qua hệ thống QLNQ đã giúp KBNN quản lý NQNN an toàn, hiệu quả hơn thông qua các chức năng hỗ trợ KBNN kiểm soát rủi ro. Ngoài ra, việc điện tử hóa quy trình, thủ tục gửi tiền có kỳ hạn tại NHTM, đặc biệt là việc KBNN triển khai ký Phụ lục Hợp đồng gửi tiền điện tử với các NHTM, đã rút ngắn thời gian thực hiện các giao dịch gửi tiền, giúp KBNN vừa giảm thiểu các thao tác thủ công, vừa tối ưu hóa nguồn tiền nhàn rỗi.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình gửi tiền có kỳ hạn tại NHTM đã tạo điều kiện thuận lợi cho các NHTM trong quá trình tham gia chào nhận tiền gửi có kỳ hạn của KBNN. Việc tham gia của các NHTM vào hệ thống QLNQ cũng nhanh chóng, thuận tiện, thân thiện, dễ sử dụng mà vẫn bảo mật. “Các NHTM chỉ cần có máy tính kết nối internet, có chứng thư số của người đại diện và chứng thư số của NHTM để thực hiện giao dịch” - ông Lưu Hoàng cho biết.
Ngoài ra, hệ thống QLNQ cũng cung cấp nhiều tiện ích hỗ trợ người sử dụng trong quá trình giao dịch như email gửi tự động đến địa chỉ thư điện tử của người sử dụng khi có thông báo của KBNN được gửi lên hệ thống, thông báo tại màn hình trang chủ tự động chỉ dẫn đến màn hình thao tác nghiệp vụ...
Hoàn thiện mô hình thanh toán tập trung
Ngoài các nghiệp vụ sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi để gửi tiền có kỳ hạn tại các NHTM, từ năm 2021, KBNN đã triển khai nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ (TPCP) theo phương thức điện tử trên hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), đảm bảo tính chính xác, an toàn, cạnh tranh, công khai, minh bạch và tăng hiệu quả trong hoạt động.
Ông Lưu Hoàng cho biết, với việc triển khai nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn TPCP, KBNN đã thực hiện được đầy đủ các nghiệp vụ về đầu tư NQNN, đảm bảo an toàn và hiệu quả theo quy định của Chính phủ về quản lý NQNN, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý NQNN tại Việt Nam và tiệm cận dần với phương thức quản lý NQNN tiên tiến tại các nước trên thế giới, đảm bảo an toàn khi các đối tác giao dịch là các NHTM có độ an toàn cao theo đánh giá hàng năm của NHNN. Việc giao dịch có tài sản đảm bảo chính là TPCP do KBNN phát hành đã tạo thêm nguồn thu, tăng số nộp NSNN hàng năm của KBNN; nâng cao tính công khai, minh bạch đối với hoạt động quản lý NQNN...
286.620 tỷ đồng ngân quỹ nhà nước được gửi tại ngân hàng thương mại Hệ thống quản lý ngân quỹ đã giúp cho hoạt động giao dịch, trao đổi thông tin nghiệp vụ quản lý ngân quỹ được kịp thời, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại để giao nhận các văn bản giấy; việc trao đổi, phối hợp giữa Kho bạc Nhà nước (KBNN) và đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính thuận tiện. Hệ thống quản lý ngân quỹ tự động tổng hợp, gửi báo cáo đến Bộ Tài chính thông tin về các đợt chào gửi tiền có kỳ hạn của KBNN cùng lúc gửi thông báo cho các ngân hàng thương mại. Trong năm 2022 (tính đến hết ngày 31/10/2022), KBNN đã thực hiện gửi tiền có kỳ hạn quản lý ngân quỹ 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng với khối lượng là 286.620 tỷ đồng theo phương thức đấu thầu điện tử. |
Thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, KBNN tiếp tục đưa ra một số định hướng và giải pháp để hiện đại hóa công tác QLNQ phù hợp với tiến trình phát triển của KBNN đã được đề ra trong chiến lược.
Theo đó, KBNN sẽ cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản và thu, chi của các quỹ tài chính nhà nước qua tài khoản thanh toán tập trung của KBNN, đảm bảo minh bạch, hiệu quả. Đồng thời, KBNN hoàn thiện mô hình thanh toán tập trung phù hợp với lộ trình xây dựng, phát triển hạ tầng thanh toán số quốc gia, đáp ứng yêu cầu thanh toán thông suốt của Chính phủ; đảm bảo nguyên tắc tại mỗi hệ thống ngân hàng, KBNN chỉ có duy nhất một tài khoản và cuối ngày toàn bộ số dư NQNN được tập trung về tài khoản của KBNN tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đặc biệt, KBNN sẽ hoàn thiện phương pháp dự báo luồng tiền và nguồn thông tin đầu vào, từng bước cải thiện chất lượng dự báo và thực hiện dự báo luồng tiền theo ngày. Mở rộng phạm vi đầu tư; thực hiện giao dịch đầu tư, đi vay NQNN theo nguyên tắc thị trường; giảm dần số dư NQNN nhàn rỗi, tối ưu hóa lợi ích sử dụng NQNN; gắn kết chặt chẽ giữa quản lý NQNN với quản lý ngân sách và quản lý nợ nhằm giảm chi phí và rủi ro nợ vay, tăng cường tính hiệu quả, an toàn, bền vững của hệ thống quản lý tài chính công và nâng cao dư địa tài khóa; thiết lập khung quản lý rủi ro hiện đại, đảm bảo các rủi ro trong quản lý NQNN được nhận diện, đánh giá đầy đủ, kịp thời và có chính sách giảm thiểu rủi ro phù hợp.
Sẽ sửa thông tư hướng dẫn mua lại có kỳ hạn Trái phiếu chính phủ Năm 2021, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tổ chức 59 phiên đấu thầu mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ (TPCP), với tổng giá trị mua lại lần 1 là 1.885,7 tỷ đồng; kỳ hạn mua lại là 14 ngày, 21 ngày và 1 tháng. Tuy nhiên, trong năm 2022, số lượng giao dịch mua lại có kỳ hạn chưa nhiều, do TPCP là tài sản trong giao dịch mua lại bị ràng buộc điều kiện có kỳ hạn dưới 1 năm, theo Thông tư số 107/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP từ nguồn quản lý ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi của kho bạc nhà nước không còn nhiều trên thị trường, một số ngân hàng thương mại nắm giữ không có nhu cầu giao dịch. Hiện, KBNN đang trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 107/2020/TT-BTC để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị, thúc đẩy hoạt động mua lại TPCP, nâng cao thanh khoản trong giao dịch TPCP. |